Cùng AI vươn đến ước mơ!

GD&TĐ - Chat GPT thân mến! Vào khoảng cuối năm 2022, bạn đã được công ty OpenAI cho ra mắt và ngay lập tức thu hút sự chú ý trên toàn cầu.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Tôi cũng như bao người dùng Internet khác ở đất nước Việt Nam cũng sớm cảm nhận được độ “hot” của bạn, mặc dù chúng tôi cách nơi bạn ra đời tận nửa vòng Trái đất cơ đấy. Nhưng mà, hồi mới ra mắt, thấy nhiều người hỏi làm bạn phản hồi không xuể nên tôi vẫn chưa “làm phiền” bạn. Hôm nay thư thái hơn rồi, chúng ta cùng nói chuyện với nhau một chút nhé…

Chat GPT ạ, thực sự tôi khâm phục bạn và những người đã lập trình ra bạn đấy. Bởi lẽ, bạn là công cụ đầu tiên có thể trả lời những câu hỏi mà người dùng đưa ra trên mọi lĩnh vực, có thể viết luận văn, truyện ngắn,… gần như là quá toàn diện. Chính điều này đã đưa tên bạn trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất nhì trên Internet. Thậm chí, người người, nhà nhà đăng kí vội tài khoản để “test” thử trình độ của bạn với đủ loại câu hỏi xem bạn có thông minh như “giang hồ” đồn thổi không. Điều này chứng tỏ để trả lời hết được lượng câu hỏi khổng lồ từ người dùng như vậy, bạn phải được các lập trình viên nạp cho khối lượng kiến thức đồ sộ, hay khả năng tra cứu thông tin cực nhanh nhỉ? Bạn còn có khả năng sáng tác thơ, tự tạo ra những đoạn văn thậm chí là bài văn mang tính học thuật cực cao chỉ trong nháy mắt.

Chính sự thông minh “siêu phàm” này của bạn khiến cho cả thế giới ngạc nhiên đến mức thích thú. Các cô chú lập trình viên không biết đã ấp ủ, tính toán, nghiên cứu những đoạn mã để tạo nên bộ não của bạn trong bao nhiêu năm nhỉ? Chắc là lâu lắm, bởi vì bạn thông minh thế kia mà. Có lẽ, bạn là một trong những bước tiến lớn trong chặng đường phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đấy. Chính sự ra đời của bạn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều công ty công nghệ khác trên khắp thế giới trong đó có đất nước Việt Nam của tôi phát triển thêm về công nghệ trí tuệ nhân tạo để có thể giúp đỡ cho con người trong những công việc phức tạp mang tính chất liên tục và cần độ chính xác cao.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Ngay cả tôi - một cậu bé lớp 11 cũng cảm thấy có động lực hơn để nghiên cứu thêm về lĩnh vực máy tính bởi vì gì chứ nếu tự lập trình được một chú robot biết quét nhà, rửa bát giúp mẹ thì thật thú vị, phải không? Tôi cũng tin rằng trong tương lai, khi được bổ sung, sửa đổi cho thật hoàn thiện, bạn sẽ góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của rất nhiều lĩnh vực quan trọng trong xã hội. Ví dụ như giáo dục chẳng hạn, học viên có thể sử dụng bạn như một công cụ tra cứu thông tin hiệu quả với cảm giác thoải mái như đang nói chuyện với bạn bè, qua đó họ có thể tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Hay như trong lĩnh vực kiến trúc, các kĩ sư có thể tham khảo mẫu nhà mà bạn cho là tối ưu để từ đó kết hợp với ý tưởng của họ để cho ra đời những ngôi nhà vừa đẹp về mặt thẩm mĩ vừa bền vững, an toàn trước thiên tai, tránh được các thảm họa đau lòng như trận động đất ở Thổ Nhĩ Kì và Syria. Bạn thấy đấy, chính nhờ tài năng của những con người đã khai sinh ra bạn mà giờ đây thế giới đang đứng trước cơ hội phát triển hơn bao giờ hết với sự giúp đỡ của AI.

Tuy thông minh là vậy nhưng bạn có biết rằng bạn vẫn là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo nên không thể tránh khỏi những sai sót. Trên Internet đã có rất nhiều khoảnh khắc dở khóc dở cười do bạn tạo ra đã được người dùng ghi lại. Đó là những lúc bạn trả lời câu hỏi một cách hoàn toàn chính xác nhưng người dùng lại giả vờ “giận dỗi” nói “sai rồi” và đưa ra một câu trả lời sai. Tôi thấy bạn có tinh thần cầu thị rất cao khi vội vàng xin lỗi nhưng chưa “tỉnh táo” trước những “trò đùa ấy” nên khẳng định câu trả lời sai mà người dùng đưa ra là đúng. Hay đôi khi bạn đưa ra câu trả lời một cách máy móc quá khiến cho câu văn bạn viết ra bị cứng và trở nên buồn cười.

Cũng dễ hiểu thôi vì bạn mới chỉ ở trong những phiên bản đầu tiên nên vẫn có một số chỗ bị trục trặc, cần được các cô chú lập trình viên “tút tát” lại cho mượt mà, trơn tru hơn. Mặc dù vậy, ngoài lỗi nhỏ như trên mà việc sửa chữa chỉ mang tính thời gian, người ta còn chỉ ra được những mặt trái của việc sử dụng bạn mang tính nghiêm trọng và đáng chú ý hơn nhiều. Tất nhiên, bạn được cho ra đời với mục đích tốt đẹp là giúp đỡ con người để cùng phát triển. Nhưng, thứ gì cũng có thể trở nên có hại khi người dùng có cách sử dụng không đúng đắn, nhất là khi thứ đó lại có trí thông minh “tuyệt vời” như bạn.

Hàng loạt cảnh báo được đưa ra về việc học sinh có thể lười đi khi họ chỉ chăm chắm hỏi bạn và copy câu trả lời mà không cần phải suy nghĩ hay động não. Những giá trị đạo đức cũng bị nhắc đến khi bạn có thể bị những kẻ xấu lợi dụng để viết nên những bài báo chứa thông tin xấu độc, hay giả mạo thậm chí là tạo ra cả một phần mềm độc hại tống tiền,… Nghe thật đáng sợ bạn nhỉ? Mong rằng, trong tương lai, các cô chú lập trình viên sẽ có những biện pháp bảo vệ bạn khỏi bị lợi dụng vào điều xấu để bạn thực sự trở nên hữu ích với cuộc sống hôm nay.

Thôi thư cũng dài rồi, tôi dừng bút đây. Chúc bạn sẽ phát triển từng ngày và sớm hoàn thiện để giúp mọi người trên Trái đất này cùng vươn đến ước mơ tươi đẹp!

Thân mến!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ