Những lập trình viên vươn tầm thế giới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thân gửi các anh Bùi Hồng Đức, Vũ Hoàng Kiên, Nguyễn Hải Bình của đội EggCentroy tham dự ICPC World Finals 2021!

Bộ ba Bùi Hồng Đức, Vũ Hoàng Kiên, Nguyễn Hải Bình, cùng huấn luyện viên Hồ Đắc Phương tại ICPC 2021.
Bộ ba Bùi Hồng Đức, Vũ Hoàng Kiên, Nguyễn Hải Bình, cùng huấn luyện viên Hồ Đắc Phương tại ICPC 2021.

Trước đây, em chỉ biết Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi đào tạo các lập trình viên, bên cạnh những ngôi trường khác như Đại học FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ Bưu chính Viễn thông… Nhưng giờ em được biết thêm một điều đặc biệt về ngôi trường này: Nơi đây có những sinh viên ưu tú lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam giành được huy chương của ICPC!

Theo em được biết, ICPC (International Collegiate Programming Contest) được ví như “Olympic dành cho sinh viên ngành công nghệ thông tin”. Tuy khởi điểm của cuộc thi chỉ gói gọn tại nước Mỹ và Canada vào thập niên 70 của thế kỉ trước, nhưng tầm ảnh hưởng của nó đã dần lan rộng tới toàn cầu. Chính vì vậy, bất cứ ai đam mê lập trình, chẳng hạn như em, cũng đều đã từng mong ước được đại diện màu cờ sắc áo Việt Nam tham dự vòng chung kết thế giới.

Tuy Việt Nam đã tham gia vòng chung kết thế giới lần đầu tiên vào năm 2007 - 16 năm trước, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa thể vươn tầm thế giới khi hầu hết các đội thi của Việt Nam đều chỉ dừng lại tại top 50 – 60 thế giới. Trước khi các anh tạo nên kì tích, Việt Nam mới chỉ có một lần suýt chạm tới tấm huy chương danh giá của thế giới với bộ ba Nguyễn Đình Quang Minh, Lê Quang Tuấn, Phạm Cao Nguyên xếp hạng 15 chung cuộc toàn thế giới.

Và thật bất ngờ, bộ ba các anh ấy cũng là sinh viên của Trường Đại học Công nghệ! Em nghĩ rằng, các anh đã phần nào lấy cảm hứng từ bộ ba tiền nhiệm đi trước để tiếp nối thành công và đem lại vinh quang cho nước nhà.

Các anh thật đáng khâm phục. Chưa cần nói đến kĩ năng lập trình, chỉ tính riêng việc khắc phục các yếu tố ngoại cảnh của các anh thật tài tình. Kì thi được tổ chức tại Dhaka, thủ đô của Bangldesh.

Em thử tra trên Google về những chuyến bay từ Việt Nam tới Bangladesh, và em đã nhận được những con số đáng kinh ngạc: Chuyến bay nhanh nhất mất tới 8 tiếng 35 phút, ấy là chưa kể đến thời gian quá cảnh tại các sân bay nước ngoài. Các anh làm cách nào để vẫn có được tinh thần tốt sau chuyến bay rất đỗi dài như vậy?

Đâu chỉ dừng lại ở đó, Dhaka nằm ở trong múi giờ GMT + 6, nghĩa là chậm hơn tại Việt Nam tới một giờ đồng hồ! Bình thường, chỉ chậm hơn một giờ đồng hồ thôi chắc chắn sẽ đảo lộn thói quen sinh hoạt của mỗi người. Ấy thế mà các anh đã thích ứng nhanh, biến Dhaka trở nên thoải mái như tại quê nhà. Có lẽ cũng chính vì vậy mà các anh đã đạt hiệu suất rất cao khi tham dự vòng chung kết thế giới.

Thậm chí, nếu nhìn lên bảng xếp hạng, em còn thấy được các anh đã gần như sánh ngang với các “ông lớn” của cuộc thi ICPC, đã từng nhiều lần giành Huy chương Vàng cũng như chiếc cúp vô địch như Đại học Tổng hợp Saint – Petersburg (Nga), Đại học Tổng hợp ITMO (Nga), Đại học Oxford (Vương quốc Anh), Đại học Warsaw (Ba Lan)…

Team EggCentroy ĐH Công nghệ.

Team EggCentroy ĐH Công nghệ.

Bên cạnh đó, các anh luôn mang trong mình tinh thần hướng tới tương lai. Cho dù kết quả của Việt Nam tại vòng chung kết thế giới chưa bao giờ là khả quan khi mới chỉ có đúng một lần về top 15 nhưng các anh đã không bao giờ cảm thấy tự ti, ngược lại, luôn luôn tự tin rằng mình sẽ chinh phục được thành công.

Các anh cũng không bị thành tích của thế hệ đi trước đè nặng lên đôi vai của mình mà đã đầy bản lĩnh khi biến từ gánh nặng tâm lý thành động lực để cho chính mình vươn lên hơn các bậc tiền bối.

Đâu chỉ có vậy, tính kiên nhẫn đã giúp các anh nâng số bài giải từ số 6 lên số 8 khi cuộc thi chỉ còn một tiếng nữa là kết thúc. Các anh luôn xem xét kĩ từng lời giải, vì vậy số lần nộp để giải được bài của các anh không bao giờ vượt quá 4 lần, và đã phần nào tránh được áp lực khi nộp sai quá nhiều.

Nếu Ban Tổ chức cuộc thi ICPC đã trao cho các anh tấm Huy chương Đồng quý giá, em nghĩ, có lẽ họ đã trao thiếu một tấm Huy chương Vàng. Tấm Huy chương Vàng đó sẽ dành cho sự kiên trì, nghị lực, không bao giờ bỏ cuộc của các anh và sánh với tấm Huy chương Đồng về kiến thức tin học. Các anh thực sự xứng đáng là một tấm gương về tinh thần không bỏ cuộc, để các thế hệ mai sau có thể học tập và noi gương.

Có được tấm Huy chương Đồng của ICPC thế giới, cũng đồng nghĩa mở ra cơ hội cho các anh có thể được tuyển dụng vào các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Amazon, Google, Micorsoft…

Em chúc các anh sẽ luôn mạnh khỏe, thành công trên con đường mình đã chọn, và biết đâu một ngày nào đó, các anh sẽ có thể tạo ra được sản phẩm vang danh thế giới, giúp cho Việt Nam lại được rạng danh thêm một lần nữa.

Em cũng mong rằng, thế hệ sau sẽ tiếp bước các anh để có thể cải thiện thứ hạng của Việt Nam tại kì thi ICPC thế giới, thậm chí có thể chạm tay tới chiếc cúp danh giá của kì thi này.

Tạm biệt các anh!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ thường băn khoăn không biết nên làm gì khi con không có động lực học tập. (Ảnh: ITN)

Làm gì giúp con bớt sợ... học?

GD&TĐ - Hầu hết các bậc cha mẹ đều biết việc bắt con cái làm bài tập về nhà hoặc ôn bài để kiểm tra là khó khăn như thế nào.