Cụ thể, nữ sinh vào viện trong tình trạng cáu gắt, tự làm tổn thương bản thân bằng cách lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay. Theo lời kể của người mẹ, bệnh nhân là con thứ nhất trong gia đình 2 con, không có tiền sử dùng thuốc hoặc lạm dụng chất tác động tâm thần.
Gia đình không có người mắc bệnh rối loạn tâm thần. Bệnh nhân được chiều chuộng, có tính cách bướng bỉnh từ bé, thường cảm thấy bố mẹ không hiểu mình, khó tương tác với phụ huynh.
Khoảng 3 năm gần đây, bệnh nhân có áp lực trong vấn đề học tập. Ngoài ra, bố mẹ thường hay mâu thuẫn nên khiến bệnh nhân cảm thấy căng thẳng, bức bối, ức chế.
BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, Phó phòng Điều trị tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai thông tin: “Bệnh nhân có cảm xúc thay đổi thất thường, lúc vui vẻ nói cười, có lúc ngồi khóc một mình. Tính cách thì bướng bỉnh, không vâng lời người lớn, thiếu tập trung và xao nhãng trong học tập nên học lực dần sa sút. Bệnh nhân thường tự gây sự vô cớ với bạn bè trên lớp và cáu gắt mắng chửi em gái”.
Bên cạnh đó, bệnh nhân ăn ngủ thất thường, thường có cảm xúc quá khích, tự làm tổn thương bản thân bằng cách lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay. Hành vi được thực hiện nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau. Các vết rạch ngày càng sâu và tổn thương nhiều hơn với mục đích làm đau để giải tỏa cảm xúc.
Bệnh nhân chia sẻ với các bác sĩ, luôn có cảm giác lo sợ bản thân mình sẽ bị bỏ rơi. Do đó, bệnh nhân dễ trở nên cáu gắt, bùng nổ cảm xúc. Bệnh nhân cũng luôn nghĩ rằng, người khác tỏ sự coi thường hay muốn làm tổn thương mình khi thấy họ không đồng tình trong cuộc nói chuyện.
Phân tích về ca bệnh, BS Lê Công Thiện, Phó Trưởng Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác.
Con số thống kê cho thấy, tỷ lệ phổ biến rối loạn nhân cách ranh giới của thanh thiếu niên là 11% ở bệnh nhân ngoại trú và tới 50% ở bệnh nhân nội trú. Những đứa trẻ bị ngược đãi nghĩ rằng, bản thân chúng không thể chấp nhận được và đáng bị ngược đãi, hoặc coi những người khác là nguy hiểm, sẵn sàng “xù lông” để “chiến đấu” vì một câu nói mà trẻ thấy “động chạm”.
Bác sĩ Công Thiện nhấn mạnh, khi trẻ có biểu hiện bướng bỉnh với tất cả mọi người, bố mẹ cần bình tĩnh xem xét đánh giá tình hình và tham vấn ý kiến của chuyên gia.