Dấu hiệu của bệnh rối loạn đa nhân cách

GD&TĐ - Có một dạng bệnh lý khá thường gặp ở chuyên khoa tâm thần, đó là bệnh rối loạn đa nhân cách.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khi bệnh xuất hiện, người mắc không còn nhận thức được mình là ai. Họ cứ tưởng mình là một ai khác. Sự nhầm lẫn này cứ liên tục thay đổi. Nên họ như là một nhân vật sắm nhiều vai trong vỡ diễn của cuộc đời. Người thân của họ chỉ còn biết chép miệng thở dài tiếc thương cho những gì đã mất.

Nguồn gốc

Bệnh rối loạn đa nhân cách (Multi Personality Disorder - MPD) là một dạng bệnh lý tâm thần được mô tả lần đầu tiên một cách đầy đủ bởi một bác sĩ tâm thần người Pháp có tên là Pierre Janet (1859 - 1947).

Đặc điểm của bệnh rối loạn đa nhân cách là người bệnh mất nhận thức về bản thân, nên tự đồng hóa mình với một người nào đó. Tuy nhiên, sự đồng hóa đó không mang tính bền vững.

Khi có một stress tinh thần nào đó thì người bệnh lại tiếp tục đồng hóa mình với một nhân cách khác và cứ thế mà liên tục thay đổi nhân cách của mình.

Do đặc điểm của bệnh, nên người mắc rối loạn đa nhân cách có một đời sống nội tâm và diễn biến tâm lý hết sức phức tạp. Các loại nhân cách khác nhau lần lượt thay nhau “kiểm soát” người bệnh.

Một nghiên cứu của Hội Tâm thần Mỹ cho thấy có người bệnh chung sống với khoảng… 300 nhân cách khác nhau. Một vài trường hợp người bệnh cùng lúc bị “xâu xé” bởi hai nhân cách hoàn toàn trái ngược nhau khiến họ phải lâm vào một trạng thái hết sức thê thảm về đời sống tinh thần.

Nguyên nhân và dấu hiệu

Dấu hiệu của bệnh rối loạn đa nhân cách ảnh 1

Những người nghiên cứu theo thuyết đa nhân cách cho rằng: Con người sinh ra đã mang “mầm” đa nhân cách. Điều đó ví như có nhiều loại hạt giống khác nhau, hạt giống nào phù hợp với các đặc điểm riêng của cơ thể, môi trường sống, điều kiện giáo dục của gia đình và xã hội… sẽ nẩy mầm và “mọc” lên nhân cách đó.

Còn các “mầm” nhân cách kia “ẩn”, không phát triển. Tuy nhiên, chúng không bị loại bỏ hoàn toàn, mà trong một điều kiện thuận lợi nào đó sẽ nẩy mầm và phát triển một nhân cách mới và gây ra hiện tượng rối loạn đa nhân cách. Sẽ là một tai họa nếu như các mầm nhân cách còn lại cứ lần lượt theo nhau đâm chồi nảy lộc.

Một người được chẩn đoán là mắc bệnh rối loạn đa nhân cách khi có 4 biểu hiện. Có hơn 2 nhân cách thay nhau kiểm soát người bệnh.

Các nhân cách kiểm soát người bệnh là riêng biệt và ổn định về nhận thức, quan hệ cá nhân, xã hội và khả năng mô tả thế giới xung quanh.

Khi nhân cách này “lên ngôi” kiểm soát thì các thông tin có liên quan đến nhân cách kia bị quên mất. Đây không phải là một chứng quên thông thường.

Các rối loạn diễn ra ở người bệnh không phải do ảnh hưởng của thuốc hoặc hóa chất.

Hướng điều trị và biện pháp phòng bệnh

Rồi một hôm, những người xung quanh chợt nhận ra, có một người không còn biết mình là ai. Họ cứ tưởng mình là... ai đó, là nhân vật nào đó. Nhân cách của họ đã bắt đầu biến đổi, họ chìm dần vào một thế giới khác mà những người xung quanh không thể nào hiểu nổi vì sao...

Thông thường khởi đầu bằng một liệu pháp tâm lý hoặc thôi miên để đưa người bệnh ra khỏi tình cảnh hiện tại, nhưng đa số đều không mang lại kết quả như mong muốn. Các biện pháp phối hợp như vật lý liệu pháp, thư giãn, thể dục thể thao… và các loại thuốc tâm thần cũng đều không làm xoay chuyển tình thế.

Phương pháp tỏ ra hiệu quả là cho người bệnh đối thoại trực tiếp với “phiên bản cũ” của chính họ. Cơ sở khoa học của phương pháp này là ở mỗi con người về bản chất chỉ có một nhân cách phát triển và thống trị trong cả đời người nên mang tính bền vững cao.

Nếu được nhắc nhở, bồi đắp và rèn luyện thì nhân cách sẽ tiếp tục duy trì và phát triển. Nhân cách “nổi loạn” chỉ đủ sức chi phối trong một thời gian ngắn mà thôi. Nhờ vậy, người bệnh thoát khỏi trạng thái “khủng hoảng” nhân cách.

Cho đến nay, cơ chế gây ra bệnh rối loạn đa nhân cách vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng. Do vậy mà sự “can thiệp” không mang lại hiệu quả mỹ mãn trong một số trường hợp.

Các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực tâm thần cũng đã chứng minh, những ai có một lối sống lành mạnh về thể chất cũng như tinh thần, tự tôi luyện trạng thái tâm lý vững vàng chịu đựng được sự tác động của hoàn cảnh.

Họ biết cách tiếp nhận, xử lý và phản ứng lại các “thông tin” một cách thông minh, hợp lý và có lợi nhất thì sẽ tự bảo vệ được mình trước sự tấn công của bệnh rối loạn đa nhân cách.

Hy vọng mọi người sẽ tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng, nhất là những người trẻ tuổi, các thanh, thiếu niên. Việc rèn luyện này được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm mục đích “đánh trả” lại sự tấn công của căn bệnh kỳ quái, khó hiểu này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ