Báo cáo của cơ quan điều tra quốc gia Iran cho biết, khoảng 728 người dân nước này đã thiệt mạng vì ngộ độc methanol từ ngày 20/2 tới nay. Tình trạng này xảy ra sau khi nhiều tin đồn cho rằng, cồn công nghiệp có thể điều trị Covid-19. Con số này được cho là cao hơn nhiều lần so với 66 ca tử vong vì ngộ độc rượu tại Iran hồi năm ngoái.
Iran cũng ghi nhận khoảng 5.011 người khác ngộ độc rượu, 90 trường hợp mất thị lực hoặc tổn thương mắt sau khi sử dụng đồ uống chứa methanol. Trước đó, một số phương tiện truyền thông Iran đưa tin, rượu có thể bảo vệ và giúp mọi người chống lại virus SARS-CoV-2.
Mặc dù nguồn gốc của tin đồn này không rõ ràng, nhưng một số báo cáo khẳng định, một giáo viên ở Anh và nhiều người khác đã tự chữa khỏi Covid-19 bằng cách uống rượu whisky. Thông tin này sau đó được người dân Iran chia sẻ rộng rãi. Nhiều người tin rằng, thuốc khử trùng tay chứa cồn có thể diệt virus SARS-CoV-2, nên việc uống methanol để... trị Covid-19 là có cơ sở.
Báo cáo do giới chức Iran đưa ra vào đầu tháng 4 cho thấy, số ca ngộ độc rượu tại nước này tăng gấp 4 lần. Thậm chí, nước này cũng ghi nhận nhiều trường hợp cha mẹ vô tình khiến con thiệt mạng, sau khi cho trẻ uống cồn nhằm ngừa Covid-19.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Lê Văn Don - nguyên Chủ nhiệm khoa Miễn dịch, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, methanol không có tác dụng sát khuẩn như ethanol. Methanol cũng có dạng lỏng, không màu và mùi vị giống như rượu. Tuy nhiên, đây lại là một chất độc vô cùng mạnh, chỉ được dùng làm dung môi trong công nghiệp. Ngoài ra, người thường sẽ rất khó để phân biệt giữa methanol và ethanol.
“Rất nhiều loại cồn công nghiệp cũng như cồn thực phẩm được pha lẫn methanol”, PGS Don chia sẻ.
Cũng theo PGS Don, Việt Nam từng ghi nhận không ít trường hợp ngộ độc methanol, bởi nhiều người lầm tưởng rằng, có thể uống được chất này thay rượu. PGS.TS Lê Văn Don cảnh báo, việc uống methanol có thể gây ngộ độc và để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Giải thích về vấn đề này, PGS Don cho biết, methanol khi uống vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến các tế bào thần kinh thị giác. Do đó, rất nhiều trường hợp dù sống sót do ngộ độc methanol, nhưng bị mất thị lực vĩnh viễn.
“Ngoài ra, người ngộ độc nghiêm trọng hơn có thể bị suy đa tạng. Thậm chí, nhiều trường hợp nặng thường tử vong”, PGS Don cho hay.
Nói về những trường hợp uống methanol để chữa Covid-19 tại Iran, PGS Don khẳng định, chất này không có tác dụng diệt khuẩn và có độc tính rất cao. Do đó, khi uống methanol, người dùng không những không điều trị được Covid-19, mà còn “tiền mất, tật mang”.
Đầu tháng 3, Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận một nam bệnh nhân ngộ độc methanol, sau khi người này pha cồn uống thay rượu. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, hầu hết trường hợp uống cồn y tế đều dẫn tới ngộ độc methanol nặng, trong đó có nhiều bệnh nhân tử vong.
Trước đó, không ít trường hợp tự ý mua thuốc sốt rét Chloroquin và thuốc giun lươn, giun chỉ Ivermectin để phòng, chống Covid-19. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tích trữ cũng như tự ý sử dụng những loại thuốc này để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đồ uống có cồn không thể ngăn ngừa Covid-19 và kêu gọi chính phủ các nước mạnh tay kiểm soát mặt hàng này. “Lạm dụng rượu bia trong thời gian cách ly có thể làm các vấn đề sức khỏe sẵn có thêm nghiêm trọng, thúc đẩy các hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý hoặc làm gia tăng tình trạng bạo lực”, WHO tuyên bố.
WHO cũng bác bỏ một số tin đồn không chính xác cho rằng đồ uống có cồn, như rượu ethyl và ethanol tiêu diệt được SARS-CoV-2, hoặc khiến cơ thể người miễn nhiễm với virus. Các loại rượu nồng độ cồn từ 60% trở lên có thể khử trùng da, nhưng không giúp diệt mầm bệnh khi hấp thụ vào cơ thể.