Từ phạm nhân thành thiên tài toán học

Từ phạm nhân thành thiên tài toán học

Cuộc đời của Christopher Havens từng là một chuỗi thất bại. Người đàn ông 40 tuổi từng bị đuổi học thời phổ thông, không việc làm và rơi vào cảnh nghiện ngập. Năm 2011, Havens bị tòa án Washington kết án 25 năm tù vì phạm tội giết người.

Trong tù, cuộc đời Havens thay đổi sau khi anh tìm thấy tình yêu với toán học. Mỗi ngày, anh học 10 tiếng và tự mày mò học toán cao cấp.

Hai năm trôi qua, toán cao cấp cơ bản không còn đủ với Havens. Tháng 1/2013, anh viết thư gửi tới các nhà xuất bản và hỏi xin vài ấn phẩm của tạp chí toán học Annals of Mathematics.

Trong thư, Havens viết rằng những con số đã trở thành sứ mệnh của mình và anh muốn dành thời gian trong tù để cải thiện bản thân. Tuy nhiên, Havens không có ai để cùng thảo luận những chủ đề toán phức tạp.

Nhận thư của Havens, biên tập viên của nhà xuất bản Mathematica Science khi đó là Matthew Cargo lập tức liên hệ với Marta Cerruti, phó giáo sư kỹ thuật vật liệu ở Đại học McGill, Montreal (Canada). Bố Marta là giáo sư toán học Umberto Cerruti ở Đại học Torino (Italy).

Ban đầu, giáo sư Cerruti hoài nghi Havens, nghĩ anh chỉ là một kẻ tầm thường với những ý tưởng sai lệch. Tuy vậy, nghe con gái nài nỉ, ông viết thư trả lời Havens và gửi cho người tù một bài toán để kiểm tra trình độ. 

Ít lâu sau, giáo sư Cerruti nhận được một tờ giấy dài 1,2 mét với những công thức dài, phức tạp. Nhập các công thức này vào máy tính, giáo sư Cerruti nhận ra Havens đã giải đúng bài toán.

Nhanh chóng, giáo sư Cerruti mời Havens tham gia giải một toán cổ liên quan đến liên phân số do mà chính ông đã cố làm từ lâu mà chưa thành công. Liên phân số là một dạng biểu diễn các số thực dương, cả hữu tỷ và vô tỷ, dưới dạng một phân số nhiều tầng.

"Các con số cứ tiếp tục mãi và rất hỗn loạn", Marta Cerruti nhận định.

Ví dụ về liên phân số. Ảnh: The Conversation.
Ví dụ về liên phân số. Ảnh: The Conversation.

Chỉ với giấy và bút chì, Havens cùng trao đổi với giáo sư Cerruti qua thư từ và tìm ra phát hiện ra kết quả gần đúng của một tập hợp số. 

"Kết quả này có thể mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới trong lý thuyết số. Tìm ra cách viết số mới cũng là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với người nghiên cứu lý thuyết số, kể cả khi chưa thể áp dụng ngay", Marta nhận định.

Giáo sư Cerruti giúp Havens viết bài báo khoa học hoàn chỉnh và gửi tới tạp chí toán. Tháng 1/2020, công trình của hai người được đăng trên tờ Research in Number Theory.

Không chỉ giải được bài toán cổ, Havens còn truyền cảm hứng cho các tù nhân và lập nên một nhóm toán học gồm 14 thành viên. 

Mỗi năm, họ tổ chức ăn mừng vào ngày 14/3, hay còn gọi là Ngày số Pi. Giáo sư Cerruti cũng đến tham dự một lần và kinh ngạc khi một tù nhân ghi nhớ được 461 số thập phân của số Pi.

Trong 16 năm còn lại của hạn tù, Havens muốn tiếp tục nghiên cứu các vấn đề toán học khác. Anh tin rằng làm toán là cách "trả món nợ cho xã hội".

Havens cũng hy vọng sau khi được tự do, anh có thể lấy bằng đại học Toán và thành lập tổ chức toán học cho những tù nhân đam mê môn khoa học này.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ