Khi ấy, Chung** 24 tuổi, là một chàng trai mới tốt nghiệp đại học, ngành kiến trúc, lãng mạn và phiêu lưu. Trong một lần tới phòng trà của Hải Hà, vừa uống trà vừa thưởng tranh của nữ họa sĩ xinh đẹp, anh đã ở lỳ đó từ 9 giờ sáng tới 23 giờ đêm, dính tiếng sét ái tình với người đàn bà một con hừng hực lửa quyến rũ.
Dù kém Hải Hà tới 9 tuổi, nhưng Chung không màng tới chuyện chênh lệch con số năm tháng kia. Anh quyết tâm chinh phục Hải Hà cho bằng được. Nữ họa sĩ dù cảm mến anh chàng trẻ tuổi, đẹp trai, si mê nhưng chị ban đầu không xác định sẽ “kết” với Chung làm gì. Thấy Chung mê mẩn chị, ngày ngày đêm đêm ở lỳ tại phòng tranh của chị, phục vụ khách, sẵn sàng làm những việc chị sai vặt, thì Hải Hà nghĩ rằng có cậu ta cũng vui, chẳng mất gì. Chị luôn kiêu kỳ từ chối lời tỏ tình của Chung hết lần này tới lần khác. Nhưng càng từ chối, càng tỏ ra kiêu kỳ, thì Hải Hà lại càng cuốn hút Chung mãnh liệt. Chung như con thiêu thân lao vào vầng sáng duy nhất mà anh thấy được.
Dần dần, sự tận tụy, tình yêu chân thành của Chung đã khiến Hải Hà cảm động. So sánh với những vệ tinh đang vây quanh chị, chị thấy phần lớn họ đều chỉ muốn chị làm người tình để thỏa mãn thói ham của lạ, bản năng thích chinh phục của đàn ông mà thôi. Chỉ có Chung là yêu chị chân thành và có ý định nghiêm túc. Cuối cùng, sau 2 năm thử thách tình cảm của chàng trai trẻ, Hải Hà đã đồng ý yêu anh.
Mặc cho gia đình can ngăn hết mức vì Chung là con trai độc nhất, lại chưa từng yêu và lấy vợ, trong khi Hải Hà lại đã “một lần đò”, Chung vẫn quyết tâm cưới Hải Hà cho bằng được.
Trở thành chồng của Hải Hà, Chung như sống trong thiên đường hạnh phúc. Trong phòng tranh, Chung phụ trách việc điều hành, bán tranh, phục vụ trà, Hải Hà say mê vẽ tác phẩm mới. Cuộc sống lứa đôi lạ mà đầy thi vị của họ từng được báo giới ngợi ca, nhiều người ngưỡng mộ.
Hải Hà tuy sống chất nghệ, nhưng vẫn cố gắng tỏ ra là người con dâu mẫu mực, hết lòng vì gia đình nhà chồng, chăm sóc bố mẹ chồng. Chỉ có điều, mấy lần mang thai, chị đều bị sảy thai ở tháng thứ hai. Chạy chữa nhiều nơi, nhưng Hải Hà vẫn không thể sinh cho chồng một mụn con.
Chán nản, Hải Hà buông xuôi chuyện sinh con với chồng, chị tập trung vào việc mở rộng phòng tranh, phòng trà, có thêm cơ sở mới ở hai thành phố khác ngoài Hà Nội. Công việc cuốn vợ chồng họ đi, và năm tháng lũ lượt trôi qua hàng đàn hàng lũ mà họ chẳng hay. Cho đến ngày bị một cú sốc khi phòng trà làm ăn thua lỗ, Chung mới ngồi nhìn lại, thấy mình đã 45 tuổi, vợ mình đã hơn 50 tuổi, đã già và đã xấu đi rất nhiều. Bao lâu nay anh chẳng còn hứng thú ngắm vợ mình nữa.
Thêm vào đó, gia đình, và họ hàng bên nhà Chung vẫn không ngớt lời ra tiếng vào về việc Hải Hà không sinh con cho anh, gia đình anh coi như tuyệt tự. Chung chợt nhận ra, bao năm nay mình sống nương bóng người vợ lớn tuổi, sự nghiệp riêng của anh chẳng có gì. Trong giới nghệ sĩ, người ta chỉ biết vợ anh, còn anh như cái bóng của Hải Hà. Nếu không có Hải Hà, anh sẽ ra sao? Liệu anh có một cuộc đời khác, có một sự nghiệp kiến trúc rạng rỡ hơn không?
Chung nói với Hải Hà, anh cần sự thay đổi. Mặc cho Hải Hà phản đối, Chung bỏ đi, đến một thành phố khác để cùng làm nghề kiến trúc với bạn anh. Anh ít khi về nhà, cũng không gọi điện về cho vợ. Hải Hà lúc này mới sực tỉnh. Chị biết Chung đang dần lảng ra xa, chị hoảng hốt trước viễn cảnh mình sẽ già, sẽ khó có thể làm lại cuộc đời. Chung mới ngoài 40 tuổi, còn có thể có một cuộc đời khác, nhưng chị thì không thể!
Hải Hà tìm cách thuyết phục Chung trở về, chị tình nguyện sẽ nghỉ hẳn công việc trong hai năm để tìm cách sinh một đứa con cho Chung, dựa vào những tiến bộ khoa học trong ngành y. Tuy nhiên, mọi thứ dường như quá muộn. Chung gặp một cô gái trẻ, mới ngoài 20 tuổi tại nơi anh làm việc và dính “tiếng sét ái tình” lần hai. Anh vội vã đòi ly hôn Hải Hà. Hải Hà quá sốc, chị cảm thấy mình như mắc bẫy cuộc đời. Chị không chịu ly hôn, bởi sau gần hai mươi năm chung sống với Chung, chị tận tụy cống hiến cho gia đình anh, với hy vọng sẽ có mái ấm gia đình bền vững đến cuối đời như mọi phụ nữ khác… Thế mà nay, khi ở tuổi về hưu, chị đứng trước vực thẳm hôn nhân, với tương lai là tuổi già cô đơn, sức khỏe suy sụp, tinh thần và sức sáng tạo đã mòn, một món nợ tài chính chưa biết bao giờ san phẳng, cùng với cái án bị chồng ruồng bỏ suốt đời! Chị không còn cơ hội để làm lại!
Phải chăng chị quá mù quáng, đặt cược tất cả vào một tấm chồng, không hề chuẩn bị gì cho kịch bản hôn nhân đổ vỡ, dù chị đã từng chủ động chia tay trong cuộc hôn nhân lần đầu? Hay đây chính là quả báo cay đắng để chị hiểu được thế nào là hố đen tinh thần mà người ở vị trí bị bỏ rơi trong hôn nhân mắc kẹt?
* & ** (Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)