Tác giả của best- seller book “Nghệ thuật nuôi dạy con trẻ”: Cha mẹ cũng phải học cách dạy con

GD&TĐ - “Đòn roi, quát mắng thường xuyên để răn đe trẻ em sẽ tạo nên những con người nhỏ bé, tự ti, chỉ biết tuân lời như những con robot, đó không phải là thế hệ tương lai có thể gánh vác thế giới đang đòi hỏi sự sáng tạo, thay đổi và thích ứng” - bà Liat Rockah Zimroni Chuyên gia Giáo dục tác giả của best - seller book “Nghệ thuật nuôi dạy con trẻ” nhận định.

Mẹ dắt em tới trường và dỗ dành yêu thương. Ảnh: Thanh Tuấn.
Mẹ dắt em tới trường và dỗ dành yêu thương. Ảnh: Thanh Tuấn.

Muốn làm cha mẹ tốt phải học...

Liat Rockah Zimroni là chuyên gia GD nổi tiếng đến từ Israel (đất nước xếp thứ 10 thế giới về chỉ số trình độ GD cao). Bà có mặt tại Việt Nam làm diễn giả trong một chuỗi sự kiện về phòng, chống bạo lực học đường.

Nói về vai trò của gia đình trong việc GD toàn diện trẻ em, bà Liat nhấn mạnh: “Trên thế giới này không có đứa trẻ xấu, chỉ có những trẻ em đang phải chịu đựng, hoặc đang chất chứa trong lòng những ẩn ức.

Từ tâm trạng đó trẻ sẽ có xu hướng muốn bộc lộ, muốn thể hiện. Chúng sẽ xoay sở và tìm ra cách để có thể giải tỏa cảm xúc. Trong đó, có những đứa trẻ tìm đến phương án mang thiên hướng bạo lực, chúng có thể đánh bạn ở trường”.

  • Theo bà Liat Rockah Zimroni, mỗi đứa trẻ được sinh ra với khả năng, kỹ năng và phẩm chất riêng. Cha mẹ phải có trách nhiệm giúp trẻ nhận ra và kết nối với tất cả nguồn tài nguyên tích cực tiềm ẩn bên trong trẻ.

“Kỷ cương trong yêu thương” là một chương trình huấn luyện tại Israel mà bà Liat Rockah Zimroni tham gia ở vai trò chuyên gia đào tạo, nhằm giúp cha mẹ và GV thấu hiểu trẻ em hơn.

Đây là chương trình dành cho các bậc phụ huynh có con tuổi từ 3 - 12 và GV các trường phổ thông có mong muốn thấu hiểu về trẻ em.

Chuyên gia Liat cho biết, việc tham gia chương trình đào tạo nhằm giúp phụ huynh và GV có được phương pháp và cách ứng dụng, thiết lập kỷ luật với con trẻ, mà không để xảy ra “đấu tranh quyền lực”, “xung đột và cãi lộn”, “không thỏa mãn” các mong muốn của trẻ. Để trẻ biết lắng nghe.

Đồng thời thống nhất ranh giới và quy tắc trong yêu thương. Từ đó, phụ huynh và GV có thể trở thành “quân sư” cho trẻ, dạy trẻ cách tự lập để trưởng thành.

Theo bà Liat, gia đình có vai trò quyết định đến việc xây dựng nên tính cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

“Bước đầu tiên để GD một đứa trẻ phát triển toàn diện trong thế kỷ 21, cha mẹ cần tạo ra một danh sách các đức tính muốn dạy dỗ con mình” - bà Liat phân tích - “Ví dụ, tôi muốn con mình trở thành một người có trách nhiệm, tôi muốn trẻ trở nên tự lập, có thể tự hoàn thiện bản thân; hay chỉ muốn trẻ thành kiểu người răm rắp thực hiện tất cả những gì mà cha mẹ nói.

Có rất nhiều cha mẹ muốn nuôi dạy con mình phát triển toàn diện, nhưng lại không định hình trước: Mình muốn con trở thành người như thế nào? Đối với nhiều cha mẹ, trẻ vâng lời là rất ngoan, rất tốt”.

Tuy nhiên, bà Liat muốn chia sẻ với các bậc cha mẹ: “Khi con bạn trưởng thành, bạn có muốn chúng làm gì cũng phải hỏi bạn: Mẹ ơi, con phải làm gì tiếp theo đây? Bố ơi, bố nghĩ chuyện này như thế nào? Tôi cho rằng việc dạy trẻ trở nên tự lâp mới quan trọng.

Khi trẻ độc lập, tự do sáng tạo, trẻ sẽ trở nên tự tin vào bản thân. Trước khi nghĩ về phương pháp GD trẻ, mỗi một bậc cha mẹ - người GD đầu tiên và quan trọng nhất của trẻ - cần phải tự hỏi: Tôi muốn dạy con mình trở thành người như thế nào?”.

Bà Liat Rockah Zimroni. Ảnh:Thanh Tuấn.
  • Bà Liat Rockah Zimroni. Ảnh:Thanh Tuấn.

Vai trò của gia đình trong giáo dục toàn diện

Theo TS Liat, khi cha mẹ đã tự trả lời được câu hỏi đó thì sẽ biết trẻ cần gì. Vì trẻ em của thế kỷ 21 rất khác các thế hệ trước đây. Hành trang cho trẻ bước vào đời, phải bao gồm cả khả năng kết nối và thể hiện được ưu điểm của riêng mình.

Chuyên gia Liat kể, khi tới Việt Nam, bà nói chuyện với một người dân về vấn đề GD trẻ em.

“Anh ấy nói rằng, cho đến năm 25 tuổi bố mẹ vẫn muốn giám sát chặt chẽ, bắt anh ấy làm thế này, hay thế kia, điều đó khiến anh ấy như muốn phát điên. Anh ta hỏi tôi rằng, anh ta nên nói gì với bố mẹ của mình.

Tôi bảo: “Cha mẹ luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất dành cho anh. Họ yêu anh rất nhiều. Nhưng những gì họ nghĩ là tốt có khi anh lại thấy không tốt chút nào. Cách duy nhất để anh có thể biết điều gì tốt nhất cho mình là anh phải tự đi tìm kiếm nó.

Bởi vậy, có thể nói với cha mẹ rằng: “Con thực sự cảm ơn vì cha mẹ đã luôn yêu thương con, quan tâm đến con. Nhưng những gì có thể khiến con hạnh phúc, con sẽ phải tự kiếm tìm và chinh phục. Con có thể mắc phải sai lầm, hãy để con làm sai, để con tự trưởng thành” - Bà Liat nói.

Theo bà Liat, muốn những đứa trẻ trưởng thành thì cha mẹ hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống, được phép mắc sai lầm, được tự lựa chọn.

Tác giả của cuốn “Nghệ thuật nuôi dạy con” cũng khẳng định: “Mỗi một vị phụ huynh đều có thể là nghệ sỹ với những kỹ năng nuôi dạy con của riêng mình. Tuy vậy, hành trình trở thành nghệ sỹ trong dạy con trẻ là cả hành trình dài, cha mẹ sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để tìm tòi và chiêm nghiệm.

Có thể bạn sẽ thử và thất bại, rồi lại thử và thất bại, thực hành và thất bại... Và đến một lúc bạn chợt nhận ra đã thành công”.

“Giây phút tôi nhận ra đã thành công trong việc dạy con, không phải vì tôi đã GD được một đứa trẻ phát triển toàn diện, mà khi đó tôi nhận ra con của tôi đã trở thành một người có thể tự lập, tự tìm kiếm và theo đuổi điều thực sự mong muốn. GD trong gia đình là một hành trình dài, có thể khiến cha mẹ mất rất nhiều thời gian để có thể đi đến đích” - Chuyên gia người Israel chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hợp nhất để vượt trội

GD&TĐ - Sau hơn ba năm, ngành công nghiệp chế tạo ô tô trên thế giới lại manh nha có sự biến đổi lớn.