Nên lựa chọn tác phẩm tiêu biểu ở từng cấp học

GD&TĐ - Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học, môn học có tính công cụ, vừa có tính thẩm mỹ nhân văn. Theo các chuyên gia, chương trình môn Ngữ văn mới cần giảm số lượng tác phẩm văn học tự chọn tăng số tác phẩm bắt buộc.

Nên lựa chọn tác phẩm tiêu biểu ở từng cấp học

Tăng số tác phẩm bắt buộc

Đóng góp ý kiến cho môn Ngữ văn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS.TS Nguyễn Bá Thành, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá, môn Ngữ văn, một môn học căn bản, mang tính cốt lõi trong GD phổ thông cũng như trong đào tạo các thế hệ học trò, các thế hệ trẻ cho đất nước, cho dân tộc. Chúng tôi đánh giá cao vị trí môn Ngữ văn trong chương trình và do đó cũng đánh giá cao những cố gắng lớn lao của nhóm soạn thảo.

Bản thảo rất công phu, rất bài bản và chi tiết. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử biên soạn SGK, chương trình một môn học được dự thảo và trưng cầu ý kiến khá rộng của các nhà chuyên môn, các nhà giáo, nhà văn.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Bá Thành, nếu chỉ chọn 6 tác phẩm là bắt buộc học, còn lại là tự chọn thì sẽ tạo nguy cơ loạn về sách giáo khoa. Mỗi trường, mỗi địa phương sẽ lựa chọn và biên soạn theo cách của mình. Các kỳ thi quốc gia về môn Ngữ văn sẽ khó đạt được sự thống nhất về định hướng đề thi. Nếu tác phẩm bắt buộc chỉ chiếm từ 2 - 3% toàn bộ chương trình môn Ngữ văn thì sẽ không đảm bảo yêu cầu định tính và định lượng.

GS Đinh Xuân Dũng, ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nguyên TBT Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, dù dự thảo chương trình Ngữ văn rất công phu, nhưng cần giản dị, dễ nắm bắt, thực tiễn, rút gọn hơn.

Ông cho rằng, cách phân chia các tác phẩm bắt buộc và các văn bản gợi ý mà nên đổi tên thành phần cứng và phần mềm - ngân hàng văn bản. Cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận. Ông đề xuất “phần cứng” nên chọn từng lớp học, mỗi lớp khoảng 5 - 6 tác phẩm, chiếm 1/5 đến 1/4 chương trình văn học của mỗi lớp. Như vậy thì sau 12 năm phổ thông, học sinh sẽ vẫn biết khoảng 50 - 60 tác phẩm xuất sắc.

Cần chú ý đến năng lực thẩm mỹ

GS.TS Lã Nhâm Thìn đề nghị, kiến thức lịch sử văn học ở mức phổ thông, cơ bản nhất phải có trong chương trình, được dạy ở lớp 11, 12. Cân nhắc dạy học ở một số tác giả tiêu biểu.

GS. TS Lã Nhâm Thìn, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội nhận xét, chương trình xác định rất đúng đặc điểm môn học. Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học, môn học có tính công cụ, vừa có tính thẩm mỹ nhân văn. Tuy nhiên, hướng triển khai, cách triển khai chương trình, nội dung có phân thiên về giáo dục ngôn ngữ, thiên về môn học có tính chất công cụ.

Năng lực Ngữ văn được chương trình xác định là năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ, nhưng khi chương trình được thiết kế theo mạch chính là kĩ năng đọc nói, nghe, viết thì chủ yếu hướng tới tính chất công cụ của môn học, hướng đến năng lực giao tiếp qua dạy học Ngữ văn.

Thực tế khi triển khai chương trình cụ thể với yêu cầu cần đạt và nội dung qua từng lớp học, các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe khá tường minh, trong khi đó năng lực thẩm mỹ thì chỉ được nói đến như một yêu cầu chung, còn các phạm trù thẩm mỹ, nội dung thẩm mỹ của văn chương chưa được thể hiện rõ cả ở phần yêu cầu cần đạt và phần nội dung.

Những kiến thức hạt nhân, cơ bản về văn học không được thể hiện trong chương trình, ví dụ như kiến thức về lịch sử văn học. Hệ quả, một học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, học môn Ngữ văn mà không biết đến lịch sử văn học, thành tựu văn học nước nhà ở những điều cơ bản nhất…Vì thế, bỏ lịch sử văn học, đâu chỉ đơn thuần là bỏ kiến thức văn chương.

Cần lưu ý một điều: Cái mà học sinh dùng suốt đời không chỉ là đọc gì, viết gì, thiết thực với đời sống, với công việc mà còn là năng lực thẩm mỹ, là tâm hồn, tình cảm, sự phát triển nhân cách, những giá trị nhân văn mà văn chương mang lại, cũng theo suốt cuộc đời con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.