Từ năm 2024 Trường ĐH Thương Mại tuyển sinh thêm 8 chương trình đào tạo

GD&TĐ - Từ năm 2024, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) đưa vào tuyển sinh 8 chương trình đào tạo mới theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP).

Sinh viên Trường ĐH Thương mại. Ảnh: Website của trường.
Sinh viên Trường ĐH Thương mại. Ảnh: Website của trường.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại thông tin, 8 chương trình đạo trên gồm: Quản trị kinh doanh (ngành Quản trị kinh doanh); Quản trị khách sạn (ngành Quản trị khách sạn); Marketing thương mại (ngành Marketing);

Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICEAW CFAB) (ngành Kế toán); Logistics và xuất nhập khẩu (ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng); Thương mại quốc tế (ngành Kinh doanh quốc tế), Tài chính – Ngân hàng thương mại (ngành Tài chính – Ngân hàng); Quản trị nhân lực doanh nghiệp (ngành Quản trị nhân lực).

Nhấn mạnh 5 điểm nổi bật của các chương trình đào tạo IPOP, PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt chia sẻ: Thứ nhất, tính thực tiễn.

Quá trình xây dựng chương trình đào tạo được tham vấn chuyên gia, nhà quản trị doanh nghiệp; thiết kế dựa trên các yêu cầu cụ thể của vị trí việc làm, phù hợp với nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động.

Sinh viên được thực tế tại doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo ngay từ năm thứ 2 và được tăng cường tham gia các học phần, chuyên đề, thực tập do các chuyên gia thực tế hướng dẫn và đào tạo;

Thứ hai, tính toàn diện. Theo đó, sinh viên được cung cấp những kiến thức nền tảng liên ngành trong lĩnh vực kinh doanh – quản lý giúp dễ dàng thích ứng khi thay đổi môi trường làm việc, vị trí việc làm.

Các em được tiếp cận với những xu hướng mới về cách mạng 4.0, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh. Ngoài ra, các em được trang bị kiến thức chuyên sâu về ngành, chuyên ngành đào tạo, chú trọng vào thực nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt chia sẻ thông tin về 8 chương trình đào tạo theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế tại Hội thảo “Giới thiệu chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế và chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học năm 2023” - ngày 7/10.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt chia sẻ thông tin về 8 chương trình đào tạo theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế tại Hội thảo “Giới thiệu chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế và chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học năm 2023” - ngày 7/10.

Thứ ba, tính quốc tế. Ngoài các học phần tiếng Anh tăng cường và nâng cao, trên 1/3 thời lượng chương trình đào tạo sinh viên được học các học phần chuyên môn bằng tiếng Anh. Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh bậc 4/6, sử dụng thành thạo tiếng Anh và tự tin làm việc trong môi trường quốc tế.

Thứ tư, đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập, cơ sở vật chất. Giảng viên tham gia giảng dạy chương trình đào tạo IPOP có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy hiệu quả, đảm bảo trình độ tiếng Anh theo quy định.

Cố vấn học tập đồng hành, hỗ trợ sinh viên trong suốt khóa học; hướng dẫn phương pháp học tập các học phần chuyên môn và quản lý sinh viên trong quá trình học tập/thực hành/thực tế.

Học tập tại các chương trình này, sinh viên được học tập, nghiên cứu tại các phòng học với trang thiết bị hiện đại và tiên tiến, tăng cường tương tác trên hệ thống E-learning (LMS).

Hệ thống thư viện (bao gồm cả thư viện số) có đủ giáo trình/tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế; có các phòng thực hành, các phần mềm mô phỏng cần thiết phục vụ giảng dạy thực hành;

Thứ năm, cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Do Nhà trường có mạng lưới doanh nghiệp trong cùng ngành nghề đào tạo, tiếp nhận và đặt hàng nhiều công việc ngay từ khi thực tập tốt nghiệp và đảm bảo sinh viên có cơ hội việc làm phù hợp với lĩnh vực đào tạo ngay khi tốt nghiệp.

Cũng từ năm 2024, Trường ĐH Thương mại sẽ đưa thêm 2 chương trình đào tạo gồm : Công nghệ tài chính ngân hàng (ngành Tài chính – Ngân hàng); Kinh doanh số (ngành Thương mại điện tử).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ