Từ hồn lau trắng

GD&TĐ - Những tưởng cô nàng Trác Diễm “một lòng” với mảng đề tài quê hương và di sản thì năm 2017 cô liên tiếp cho ra đời 2 cuốn sách nữa. Đó là tiểu thuyết “Đất khát” (NXB Quân đội nhân dân) và tập truyện ngắn “Người đàn bà vẽ hoàng hôn” (NXB Hà Nội)...

Những tác phẩm của nhà văn Trác Diễm.
Những tác phẩm của nhà văn Trác Diễm.

Sinh năm 1986 (tuổi Hổ) nhưng không hiểu lý do gì mà trên giấy tờ lại được ghi là sinh năm 1988 (tuổi Rồng). Tôi đùa “Thì sinh năm nào cũng là một “loài thú khủng” cả. Thảo nào sức viết của em “ầm ào” cứ như hổ ăn rồng cuộn vậy”.

Trác Diễm, bút danh văn học của cô gái Trần Thị Trác Diễm quê ở “vùng di sản” thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, cười: “Chắc là vì ở quê em có nhiều hang động nổi tiếng thế giới nên em thấy cần phải “lưu vào trang sách” thôi”.

“Say” với di sản

Trác Diễm kể: Cô tốt nghiệp khoa “Việt Nam học” Trường Đại học Quảng Bình. Ra trường, Trác Diễm hăng hái trở lại huyện nhà. Cô đầu quân vào làm “Thuyết minh viên” cho Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng.

Những ngày tháng làm thuyết minh viên dường như chưa đủ với khả năng của mình nên Trác Diễm kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch.

Cô đã nghĩ, “nói về danh thắng của quê hương phải có một cách nói mới, phải khác cách nói thông thường”. Thế nhưng, cái “cách mới” của Trác Diễm đã để đấy,rồi một ngày đẹp trời của năm 2010, Trác Diễm ngồi trên thuyền, kê tập vở lên đùi để viết tiểu thuyết. Câu chuyện kể về cô gái tên là Thôi Văn. “Ồ sao lại là Thôi Văn nhỉ?”, tôi hỏi chen ngang. Trác Diễm cười, thì ra đó là tên “cúng cơm” của cô.

Thuở cô mới lọt lòng, cha cô, một nhà báo kiêm nhà thơ ở chiến trường đã đặt là “Thôi Văn” với hàm ý không muốn con gái đi theo nghiệp chữ nghĩa. “Thôi Văn” cũng là nhân vật chính trong tiểu thuyết đầu tay của cô. Vẻ như Trác Diễm muốn nói điều “ngược lại” với cái tên ban đầu của mình?

Những ai chưa một lần đặt chân đến động Phong Nha, động Tiên Sơn, ngược dòng sông Son thì khi được đọc tiểu thuyết “Hồn lau trắng” sẽ được chiêm ngưỡng “Những khối thạch nhũ óng ánh buông rũ xuống như những bức rèm dệt thêu kim tuyến. Xung quanh đó còn hội tụ rất nhiều khối nhũ có hình dáng giống tượng Phật Bà Quan Âm, cảnh quần tiên hội tụ, rồng phượng giao duyên”.

Và sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh “ngã ba sông hiện ra trước mắt mềm mại như những tấm lụa đào. Hai bên bờ sông là những thửa ruộng xanh, vàng từng đám loang lỗ như những vệt nắng”. Chỉ mới thoáng thế thôi đã “mời gọi” du khách lắm lắm rồi.

Trác Diễm kể rằng, sau gần 4 năm miệt mài viết “Hồn lau trắng”, cô đưa bản thảo 500 trang viết tay nhờ người đánh máy thì bị kêu là “khó dịch”. Cũng phải thôi, những trang bản thảo ấy được cô viết trên những chuyến đi bồng bềnh sông nước nên những dòng chữ làm sao mà ngay ngắn được.

Thế là Trác Diễm mang về nhà căm cụi thức đêm chép lại. Âu cũng là may, bởi nhờ việc chép lại đó cô có dịp “biên tập” lại chính mình và còn kịp bổ sung thêm nên để rồi thành gần 1.000 trang viết tay, đó là chương mà Trác Diễm tái hiện lại những trận mưa lụt khủng khiếp từng xảy ra ở quê cô. Và “Hồn lau trắng” như câu ca truyền miệng “Thấy lau nở trắng thì thôi bão về” như một điều ước.

Trác Diễm vô Huế chơi. Cô tha thẩn đi dạo bộ trên những con đường nhuộm đỏ hoa phượng của đất “Thần Kinh”. Ánh mắt cô chợt nhìn thấy tấm bảng hiệu “Nhà xuất bản Thuận Hóa”.

Trác Diễm đánh liều bước vào với tập bản thảo dày cộm. Liều mà hóa may, bản thảo “Hồn lau trắng” được nhà xuất bản chấp nhận và “trình làng” ngay trong năm 2014.

Một sự khởi đầu không gì thuận lợi hơn khi cũng chính năm 2014 tác giả của nó được nhận giải thưởng dành cho các tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc các Hội Liên hiệp VHNT thuật Việt Nam. Trác Diễm hồ hởi bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết thứ 2 - “Tiếng vọng Ma Coong” với hơn 300 trang (NXB Văn học – 2015). Vinh dự lại đến khi cũng chính năm đó “Tiếng vọng Ma Coong” của cô được nhận giải thưởng Lưu Trọng Lư lần thứ 5.

Bối cảnh tiểu thuyết “Tiếng vọng Ma Coong” vẫn lại là vùng đất di sản Phong Nha – Kẻ Bàng. Đọc “Tiếng vọng Ma Coong” ta thấy đầy ắp chuyện lạ của thiên nhiên và phong tục kỳ bí của tộc người sinh sống nơi đây, nơi “con người đang sống một cuộc sống đầy bản năng, tự do, tự tại, ý nghĩa”như lời giới thiệu của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, trong lời tựa đầu tác phẩm.

Đó câu chuyện tình tay ba giữa cô gái tộc người Macoong có tên là Y Thon cùng chàng trai tên là Đinh Vư cùng đồng tộc và một nhà điêu khắc người Kinh.

Qua tình yêu mãnh liệt của Y Thon, Trác Diễm đã đề cao nữ quyền, ý thức tự giải phóng khỏi hủ tục bao đời trói chặt. Nhận ra tình yêu cuồng nhiệt với chàng trai người Kinh, nhưng cô gái Y Thon vẫn quay về làm vợ Đinh Vư, vì cô vẫn không từ bỏ được sự ràng buộc với tộc quyền của người Ma Coong.

Chăm chút đề tài hậu chiến

Nhà văn Trác Diễm

Những tưởng cô nàng Trác Diễm “một lòng” với mảng đề tài quê hương và di sản thì năm 2017 cô liên tiếp cho ra đời 2 cuốn sách nữa. Đó là tiểu thuyết “Đất khát” (NXB Quân đội nhân dân) và tập truyện ngắn “Người đàn bà vẽ hoàng hôn” (NXB Hà Nội), cả hai đều hướng đến đề tài đất nước và cuộc chiến tranh giải phóng.

Tiểu thuyết “Đất khát” ghi đậm dấu ấn con người miền Trung, trong đó những địa danh ở Quảng Bình được nhấn mạnh và mô tả nhiều nhất. Trong tác phẩm của mình Trác Diễm đã xây dựng hình ảnh người phụ nữ có chút gì đó hiền lành, cam chịu, nhẫn nại; có chút gì đó cá tính, bướng bỉnh và bứt phá.

Và đương nhiên những người phụ nữ đó đều có nội tâm sâu sắc, thông minh và đáo để.Sự nhân hậu, vị tha luôn là hạt ngọc ẩn chứa bên trong cái vỏ bọc bên ngoài ấy.

Hiện nữ tác giả trẻ đang thai nghén tiếp tác phẩm về cuộc sống người dân ở đôi bờ sông Bến Hải, nơi Vĩ tuyến 17 chạy qua. Cô cho biết chủ đề tác phẩm ca ngợi sự anh hùng quật cường của người dân Vĩnh Linh trong đánh giặc và hồi sinh sau giải phóng.

Tên gọi của tiểu thuyết có thể là “Nếu có ngày mai”, gồm 12 chương. Thông điệp mà nữ nhà văn muốn chuyển tới bạn đọc là ca ngợi con người miền Trung kiên cường bất khuất trong chiến tranh, đang vươn lên xây đắp hạnh phúc trong công cuộc đổi mới hôm nay. Hình ảnh mảnh đất miền quê nghèo từng bị vùi dập bởi chiến tranh, thiên tai đang thực sự hồi sinh sẽ là một điểm nhấn của tiểu thuyết.

Trong tiểu thuyết sẽ có những nhân vật thể hiện vẻ đẹp tính siêu việt của võ thuật cổ truyền dân tộc Việt Nam. Những số phận con người mang cả bi thương, sự vượt lên chết chóc để rồi sau bao biến cố cuộc sống với những mối tình duyên ngang trái, cuối cùng tìm được hạnh phúc viên mãn nhờ niềm tin yêu cuộc sống.

Đấy là chưa nhắc tới tiểu thuyết “Giấc hạc” đang nằm ở nhà in chỉ nay mai sẽ tới tay độc giả và tác phẩm “trả bài” sau khi cô dự trại sáng tác “Vì bình yên cuộc sống” năm 2019 do NXB Công an nhân dân tổ chức ngay tại “Quảng Bình quê ta ơi”.

Tôi đùa: “Bỏ du lịch để dấn thân vào văn chương, vậy là Trác Diễm “từ chối” chỗ kiếm tiền kha khá để về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chịu cảnh tiền ít”. Cô nàng Trác Diễm cười, “Em đang làm du lịch rất tốt đấy”.

Nói rồi Trác Diễm khoe: “Tháng đầu tiên làm du lịch em được “chia” cũng tàm tạm. Sẽ có tiền lo cho 2 đứa con của mình”. Ôi cha cha. Tôi gật gù chịu lý khi Trác Diễm giới thiệu về điểm sinh thái “Thung Dó” của cô và bạn bè.

Một địa chỉ du lịch nằm ngay trên đường Hồ Chí Minh và chỉ cách Phong Nha 6km. Điểm sinh thái “Như một Đà Lạt xanh lọt thỏm dưới thung sâu”, với bơi thuyền Kayak trên hồ và sướng nhất là được ngả mình trên võng mà nhân nha những cuốn sách văn học, lịch sử nhờ một “thư viện tại gia”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ