“Hồn papa, da con gái” - đi chinh phục khán giả Nhật Bản

GD&TĐ - Sau gần một năm công chiếu, ghi dấu với khán giả trong nước, bộ phim “Hồn papa, da con gái” đã được chọn chiếu trên màn ảnh rộng Hàn Quốc vào tháng 9 và tiếp tục đi chinh phục khán giả Nhật Bản vào tháng 11 này. 

Cảnh trong phim “Hồn papa, da con gái”
Cảnh trong phim “Hồn papa, da con gái”

Khán giả Việt biết và đón nhận nồng nhiệt

Hồn papa, da con gái” được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Nhật Bản “Papa to Musume no Nanokakan” của tác giả Takahisa Igarashi. Phim do Ken Ochiai đạo diễn, Charlie Nguyễn và Ken Ochiai đồng sản xuất. Diễn viên Kaity Nguyễn và Thái Hoà thủ vai chính.

Câu chuyện phim xoay quanh nhân vật Hải, một người đàn ông trung niên đang làm việc trong bộ phận sáng tạo của một công ty mỹ phẩm lớn. Ông Hải có cô con gái tên Châu đang học THPT. Cuộc sống tình cảm của hai bố con gặp rất nhiều trục trặc từ khi mẹ Châu qua đời 7 năm trước.

Nhưng điều bất thường nhất về mối quan hệ của họ chính là việc Hải là một người cha đãng trí, chưa trưởng thành. Trong khi Châu lại là cô gái biết vun vén, quán xuyến công việc gia đình và là một học sinh gương mẫu ở trường.

Sớm phải mặc cái áo trách nhiệm quá rộng, Châu trở nên mệt mỏi và muốn tìm sự thoải mái ở con đường du học, trong khi người cha lại quá vô tâm. Sự khác biệt trở thành bi kịch sau một tai nạn khiến hai bố con đột nhiên hoán đổi thân xác cho nhau.

Việc chuyển đổi đương nhiên dẫn đến cả chuỗi các sự kiện bi hài, khi hai người cố gắng che giấu sự thật với tất cả mọi người xung quanh. Nhờ sự trớ trêu đó, hai nhân vật chính mới tìm được tiếng nói chung, biết đồng cảm để hiểu nhau hơn.

Cốt truyện của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Nhật Bản là “Papa to Musume no Nanokanan” đã được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình vào năm 2007. Tiếp theo, tại Hàn Quốc nó cũng được chuyển thể thành phim mang tên gọi “Daddy You, Daughter Me”.

Câu chuyện trong phim dựa theo khái niệm hoán đổi thân xác, nhưng đòi hỏi những yếu tố làm cho nó khác biệt để phù hợp với văn hoá của từng quốc gia. Thế nhưng, chỉ đến khi đạo diễn Ken Ochiai chuyển thể câu chuyện này và cùng hãng phim Chánh Phương sản xuất bộ phim “Hồn papa, da con gái” thì những vấn đề mà phim đặt ra mới được khán giả Việt biết đến và đón nhận nồng nhiệt.

Dù ở phiên bản trước hay sau, phim đều giành được thành công ở phòng vé. Ngay tuần đầu tiên công chiếu, hơn 500.000 khán giả Việt đã đến các cụm rạp. Vào dịp cuối năm 2018, “Hồn papa, da con gái” là một trong những phim đạt doanh thu rất cao khi mới công chiếu 5 ngày đã thu về 40 tỷ đồng tiền bán vé.

Phong cách kể chuyện đa màu sắc

Đạo diễn Ken Ochiai đã chủ định thực hiện một bộ phim hài, giàu giá trị giải trí. Để nó không chỉ làm hài lòng khán giả còn lồng ghép trong đó nhiều yếu tố văn hoá, làm nên sự đan xen và giao thoa văn hoá Việt Nam - Nhật Bản thật thú vị. “Hồn papa, da con gái” hội tụ đủ tất cả các yếu tố đó đã trở nên khá đặc biệt, mang phong vị mới lạ, chỉn chu và giành được nhiều tiếng cười thích thú của khán giả.

Phong cách kể các câu chuyện đa màu sắc. Từ hài kịch học đường, công sở văn phòng, sự trưởng thành, lãng mạn, các vấn đề về xã hội, khiêu vũ và âm nhạc và một số những yếu tố chính kịch đã góp sức đẩy nội dung phim lên cao trào…

Đề cập đến các vấn đề xã hội nhưng trọng tâm chính của phim lại xoay quanh khoảng cách thế hệ với những bất đồng giữa cha mẹ và con cái. Và thực tế là con người ngày nay đã biết tiết chế cảm xúc khi bày tỏ những suy nghĩ quan điểm của mình để không làm tổn thương người khác.

Ken Ochiai lồng ghép sự sáng tạo của mình vào những ý tưởng thiết kế, màu sắc về trang phục, về decor văn phòng, hình ảnh quá khứ và hiện tại đan xen… để giới thiệu tính cách và thế giới nội tâm của nhân vật chính. Là một nhà làm phim yêu thích sự thử thách, Ken Ochiai khá táo bạo khi thử nghiệm những cái mới để tạo sinh khí cho bộ phim. Đây là sự dũng cảm của một đạo diễn nước ngoài khi thử nghiệm làm phim tại Việt Nam.

Bộ phim sẽ được khởi chiếu tại các rạp ở Tokyo, Osaka… từ ngày 17/11. Khán giả của đất nước Mặt trời mọc sẽ có thêm hiểu biết đối với một Việt Nam mới mẻ, hiện đại dưới góc nhìn của những nhà làm phim tài năng. Tại buổi chiếu, đạo diễn Ken Ochiai sẽ dành thời gian giao lưu với khán giả Nhật Bản để chia sẻ những câu chuyện thú vị khi làm phim tại Việt Nam.

Ken Ochiai vừa trở về Việt Nam trong dịp trao giải Dự án Làm phim 48 Giờ trong tư cách thành viên BGK cùng Phan Gia Nhật Linh và Jenni Trang Lê.

Vị đạo diễn từng sở hữu nhiều giải thưởng quốc tế danh giá đã giải đáp nhiều câu hỏi và chia sẻ những cảm nhận, hiểu biết và gợi ý thú vị cho các nhóm làm phim trẻ về cơ hội được xuất hiện trong các LHP quốc tế. Ken Ochiai cũng lý giải vì sao các đạo diễn Bong Joon Ho, Zhang Yimou và Hirokazu Koreeda thành công trên phạm vi quốc tế. Bởi họ tạo ra những câu chuyện độc đáo về văn hóa và con người của chính họ.

Ken Ochiai cho biết, mặc dù chỉ có thể xem một vài bộ phim Việt Nam trong năm nay nhưng anh cảm thấy ngạc nhiên về sự tăng trưởng nhanh và liên tục của thị trường phim ảnh tại Việt Nam. Những bộ phim như “Hai Phượng”, “Lật mặt”, “Nhà có khách”, “Em chưa 18”, “Hồn papa, da con gái”… sẽ là những bộ phim tiên phong đưa điện ảnh Việt đến gần hơn với các thị trường quốc tế.

Ngoài “Hồn papa, da con gái” đi chinh phục khán giả quốc tế, trong tháng 11 này, Ken Ochiai còn có một phim nữa ra mắt vào ngày 15/11. Đó là “Angel Sign”, một bộ phim gồm 7 phim ngắn được lồng ghép đan xen với nhau và không có bất cứ một lời thoại nào.

Ken Ochiai làm đạo diễn cho câu chuyện mang tên là “Beginning & Farewell”, dựa trên bộ truyện tranh câm của Đức (một cuốn truyện tranh không có bất kỳ đoạn hội thoại nào). Đạo diễn Hàm Trần cũng đạo diễn một câu chuyện trong chuỗi các câu chuyện của bộ phim này. Có thể bộ phim thuộc thể loại lôi cuốn kỳ này sẽ ra mắt khán giả quốc tế, bao gồm khán giả Việt Nam vào năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ