Hôm nay (20.8), Nghị định 90 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức có hiệu lực. Theo đó, cán bộ, công chức không còn phải "đau đầu" vì sáng kiến kinh nghiệm. Tuy nhiên, muốn đạt danh hiệu thi đua sẽ vẫn cần điều này.
Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức, có hiệu lực thi hành từ 20.8.2020.
Theo Nghị định, tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: Chính trị, tư tưởng; Đạo đức, lối sống; Tác phong, lề lối làm việc; Ý thức tổ chức kỷ luật; Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Nghị định cũng quy định rõ về tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ.
Đáng chú ý, so với Nghị định số 02/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định 56 và Nghị định 88/NĐCP về đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức trước đây, Nghị định 90/2020/NĐ-CP không còn yêu cầu xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có sáng kiến kinh nghiệm.
Điều này khiến không ít công chức, viên chức vui mừng bởi bên cạnh những tích cực thì việc yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm cũng có những hạn chế nhất định, từng là nỗi khổ của không ít cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là giáo viên trong nhiều năm.
Mặc dù, trong đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức không còn quy định phải có sáng kiến kinh nghiệm nhưng hiện tại, để đạt chiến sĩ thi đua vẫn cần có điều này.
Cụ thể, tại Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng quy định quy định, để được xét tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành hay chiến sĩ thi đua toàn quốc vẫn yêu cầu cần sáng kiến.
Về danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, theo Mục 3, Điều 9, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng quy định:
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
b) Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.
Tỉ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn quy định cho phù hợp, nhưng không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.