Tự hào nghề giáo: Nhớ về anh, cố Giáo sư, Bộ trưởng Trần Hồng Quân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhìn lại những đóng góp của GS.TS Trần Hồng Quân, trên hết là sự dũng cảm, kiên cường, dám nghĩ, dám làm của người hết lòng vì giáo dục.

GS.TS Trần Hồng Quân phát biểu trong một cuộc họp. Ảnh: ITN
GS.TS Trần Hồng Quân phát biểu trong một cuộc họp. Ảnh: ITN

Nhìn lại những đóng góp của GS.TS Trần Hồng Quân cho tiến trình đổi mới giáo dục nước nhà, không thể không cảm phục sức làm việc, bản lĩnh của người đứng đầu; tình yêu nghề của một nhà giáo; và trên hết là sự dũng cảm, kiên cường, dám nghĩ, dám làm của người hết lòng vì giáo dục.

Tổng công trình sư của đổi mới giáo dục đại học

Biết và quen anh từ năm 1988 khi tôi liều mạng đến xin gặp vì một chuyện có phần riêng tư. Tôi gõ cửa căn hộ công vụ, tầng hai, nhà tập thể Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nơi anh ở xa gia đình, suốt mười năm là người đứng đầu ngành Giáo dục. Anh ra mở cửa, tôi tự giới thiệu và nói xin phép gặp anh. Anh mỉm cười và mời tôi vào. Anh chăm chú nghe tôi nói, cho lời khuyên, thân thiện, gần gũi, không khoảng cách. Tôi ngưỡng mộ anh từ đó.

Anh có tuổi thơ trong kháng chiến chống Pháp, xa gia đình, bám theo các cơ quan để được các cô, chú kèm cặp cho học chữ, học chính trị, nghe lịch sử... Người lớn ai rỗi thì dạy chút ít, rồi may mắn được theo trường lớp, vừa học, vừa sản xuất tự túc, vừa dựa vào dân.

Nếu nói thời thế tạo anh hùng thì đúng là những năm kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, đã tạo nên một Trần Hồng Quân kiên cường, dũng cảm, không sợ khó khăn gian khổ, với nhiều đức tính, trước hết là tinh thần tự học, học không mệt mỏi, suốt đời.

Anh quyết tâm tự học bằng mọi cách, kể cả bằng cách dạy người khác học, để tự hoàn thành chương trình cấp hai, học bổ túc công nông và hoàn thành chương trình cấp ba trong 8 tháng, trở thành sinh viên giỏi khóa 2 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Kể cả sau này khi làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, rồi Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, anh vẫn không ngừng học đồng nghiệp, người trên, người dưới. Anh học nghe cả đời, coi đó là nguyên tắc sống, cách thức hiệu quả để tìm lời giải cho bài toán cực kỳ hóc búa về đổi mới giáo dục trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng từ học hỏi đến việc ra quyết định lại đòi hỏi những phẩm chất và năng lực đặc biệt. Đã có nhiều người nói và viết về Hội nghị Nha Trang, mùa Hè năm 1987, khi anh, với tư cách Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, người khởi xướng và đề xuất 4 tiên đề nổi tiếng về đổi mới giáo dục đại học.

Nói theo cách nói ngày nay thì các tiên đề này là sự đổi mới mang tính phá hủy vì nó phá vỡ các quan niệm truyền thống về hệ thống giáo dục chỉ có trường công lập, dựa vào ngân sách Nhà nước, cung cấp nhân lực trình độ đại học cho các cơ quan Nhà nước, điều hành tập trung từ trên xuống dưới, kể cả việc phân công sinh viên tốt nghiệp.

Vì thế, việc đổi mới này đòi hỏi phải có những bước đi khéo léo, khôn ngoan và dũng cảm để vượt qua các rào cản về nhận thức và tính bảo thủ, ngay trong ngành Giáo dục.

Hai tuần đóng cửa cơ quan Bộ để từng vụ đề xuất, thảo luận sâu về chủ đề mà mình trăn trở; tiếp đó là 10 ngày đầu tháng 8/1987 hội thảo để tranh luận, thảo luận, đối thoại đến cùng về các nội dung đổi mới đã tạo ra không khí dân chủ sôi nổi chưa từng có trong ngành.

Kết quả là bước đột phá khi tập thể các lãnh đạo vụ, hiệu trưởng, bí thư đảng ủy của tất cả trường đại học, cao đẳng cùng trưởng ban giáo dục chuyên nghiệp cả nước trở thành chủ thể thiết kế cũng như tổ chức thực hiện các chương trình đổi mới.

Chính anh là tổng công trình sư của toàn bộ tiến trình này. Tầm nhìn và tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người lãnh đạo, cùng nghị lực và tính kiên định của nhà quản lý trong tổ chức thực hiện là những phẩm chất và năng lực mà anh luôn phát huy trong 10 năm đầu đổi mới để từng bước cởi trói giáo dục khỏi những ràng buộc vô lý của Nhà nước bao cấp; hình thành một hệ thống giáo dục mới phù hợp với yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế và tương thích với giáo dục thế giới; đưa những thành quả giáo dục thực sự đi trước một bước so với trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta lúc đó còn là nước thu nhập thấp.

Vợ chồng TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (bên phải) trong một bức ảnh chụp cùng vợ chồng GS.TS Trần Hồng Quân (bên trái). Ảnh: NVCC

Vợ chồng TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (bên phải) trong một bức ảnh chụp cùng vợ chồng GS.TS Trần Hồng Quân (bên trái). Ảnh: NVCC

Tình yêu lớn với giáo dục

Mọi người vẫn nói anh có tình yêu lớn với giáo dục. Tình yêu này đã giúp anh có nghị lực và bản lĩnh để vượt qua nhiều rào cản về tư duy, cơ chế quản lý, sự kháng cự không tránh khỏi trong hành trình chuyển đổi từ nền giáo dục phục vụ kinh tế kế hoạch hóa sang vận hành trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều đó đúng. Nhưng tôi vẫn nghĩ, với truyền thống gia đình, cả nội ngoại đều một lòng đi theo cách mạng, bản thân lớn lên trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thì anh thuộc thế hệ những người được rèn luyện để sống và làm việc vì lý tưởng cống hiến. Những người như anh sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng và Nhà nước giao phó, đặt trọn tình yêu vào nhiệm vụ dù đó có thể không phải là lựa chọn của bản thân.

Tôi nghĩ như vậy vì có lần anh nói với tôi rằng, khi thi vào đại học, sở thích ban đầu của anh là Khoa Lý, Trường Đại học Tổng hợp. Nhưng vì sợ học xong Tổng hợp lại phải đi dạy mà anh không thích, nên đã chọn thi vào Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để làm kỹ sư. Thế rồi, tốt nghiệp Bách khoa, anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Như anh nói: “Thôi, chạy trời không khỏi nắng. Số mình phải dạy học. Xem ra đây là cái nghiệp rồi”. Anh trở thành thầy giáo một cách bất đắc dĩ như vậy.

Tình yêu của anh với giáo dục là duyên số và cũng là vì lý tưởng cống hiến mà anh theo đuổi. Anh có thời gian xa giáo dục khoảng 7 năm, làm Phó ban Dân vận Trung ương, cũng hết lòng vì công việc, được coi là chiến binh giữ gìn khối đại đoàn kết trong cả công tác dân tộc và tôn giáo, nhưng trong anh không nguôi tình yêu giáo dục. Đã có lần, nói chuyện về tôn giáo, tôi nói vui với anh: “Anh hết lòng vì giáo dục như con chiên hết lòng vì đạo”.

Có thể nói, anh là kẻ tử vì giáo dục. Anh đã đóng góp suốt đời, kể cả sau này khi về hưu, cho bước tiến của ngành. Vì vậy, cơ may đã đến với ngành Giáo dục khi suốt những năm đầu đổi mới đầy khó khăn, phức tạp, đã có người lãnh đạo như anh, đứng mũi chịu sào, toàn tâm, toàn ý vì đổi mới sáng tạo để bứt phá đi lên.

Giờ đây, anh đã ra đi. Đã có một số lý giải về những quyết sách của anh nhưng tôi vẫn muốn có một cái nhìn sâu xa hơn để minh chứng cho những quyết định mà theo tôi là rất táo bạo, dũng cảm, thậm chí là phi thường, đặt trong bối cảnh những năm cuối thế kỷ XX, khi đất nước đang trên đường đổi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ