Tự hào nghề giáo: Làm sao thu hút người tài đến với nghề dạy học?

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Danh Nam đưa ra khuyến nghị để làm tăng sức hấp dẫn, thu hút nhiều người giỏi đến với nghề dạy học.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên trong giờ rèn nghiệp vụ sư phạm. Ảnh: NVCC
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên trong giờ rèn nghiệp vụ sư phạm. Ảnh: NVCC

Sức hấp dẫn của nghề dạy học được PGS.TS Nguyễn Danh Nam (ảnh) - Trưởng ban Ban Đào tạo, Đại học Thái Nguyên chia sẻ từ nghiên cứu ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Từ đó, ông đưa ra khuyến nghị để làm tăng sức hấp dẫn, thu hút nhiều người giỏi đến với nghề dạy học.

Ảnh hưởng nhiều yếu tố

- Ông nhìn nhận thế nào về sức hấp dẫn của nghề dạy học hiện nay?

- Các chuyên gia giáo dục cho rằng nghề dạy học trở thành lựa chọn của học sinh phổ thông ở nước ta do một số nguyên nhân như: Công việc ổn định; có thời gian cho gia đình; yêu nghề dạy học; thích làm việc với trẻ em/học sinh.

Nhiều người lựa chọn bởi liên quan đến đặc điểm, tính chất công việc như: Làm việc trong môi trường văn hóa, gần với người trẻ, lịch làm việc tương đối ổn định; có thể tạo ra những giá trị lâu dài cho xã hội; được miễn học phí hoặc các chế độ ưu đãi của Nhà nước; thần tượng thầy cô từng giảng dạy mình; do định hướng của gia đình…

Nghề dạy học đang trở nên hấp dẫn hơn mấy năm gần đây đối với học sinh do sinh viên sư phạm được hưởng chính sách theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

“Nghề dạy học có tính chất người dẫn đường/định hướng, tổ chức, cần sự giao tiếp và linh hoạt với từng đối tượng. Nó liên quan đến dạy nhân cách, điều chỉnh diễn biến tâm lý con người, tư vấn, uốn nắn các tư tưởng sai lệch của học sinh. Robot chỉ có thể thay thế nếu giáo viên chỉ truyền thụ kiến thức đơn thuần. Vì thế, có thể nói thời điểm hiện tại, robot chưa thể thay thế hoàn toàn giáo viên trong công việc giảng dạy ở nhà trường”. - PGS.TS Nguyễn Danh Nam

Tuy nhiên, vị trí nghề dạy học trong hệ thống phân cấp nghề nghiệp trên thực tế còn tương đối thấp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này tác động đến sự suy giảm tinh thần cống hiến của nhiều giáo viên.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, một số yếu tố góp phần vào sự kém hấp dẫn của nghề dạy học bao gồm: Căng thẳng, không hài lòng của giáo viên liên quan đến địa vị xã hội truyền thống của nghề dạy học và vai trò giáo viên bị giảm sút; hạn chế của công tác tuyển dụng gây ra tình trạng già hóa trong nghề dạy học; xu hướng nữ hóa, đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học.

Ở nhiều quốc gia, có quan niệm giáo viên làm việc ít giờ hơn các chuyên gia khác cùng trình độ. Nhận thức này thường dựa trên thực tế số giờ giáo viên trực tiếp giảng dạy trên lớp học mà không tính đến thời gian tham gia hoạt động ngoài lớp học, dành cho phát triển nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch bài học, chấm điểm cho học sinh... Quan niệm sai lầm này có thể làm giảm sự công nhận của xã hội, từ đó ảnh hưởng đến động lực làm việc của nhà giáo...

PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng ban Ban Đào tạo, Đại học Thái Nguyên.

PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng ban Ban Đào tạo, Đại học Thái Nguyên.

- Những khó khăn với nghề dạy học là tình hình chung của nhiều quốc gia, thưa ông?

- Ở một số quốc gia như Đan Mạch, Na Uy, môi trường truyền thông không đánh giá cao vị trí và vai trò của giáo viên được cho là góp phần làm giảm sức hấp dẫn và địa vị của nghề dạy học.

Ngoài ra, dù chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau nhưng dường như xã hội cho rằng giáo viên phải chịu trách nhiệm với kết quả học tập của học sinh.

Điều này dẫn đến tình trạng thường xuyên thiếu giáo viên. Không chỉ ở các nước đang phát triển mà khoảng một nửa số quốc gia trên thế giới đều gặp phải tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên để đáp ứng các mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông. Độ tuổi của giáo viên đang già đi trở thành xu hướng đáng báo động ở nhiều quốc gia và các chính sách tương ứng cần được cân bằng với những thay đổi về dân số trong độ tuổi đi học.

Tình trạng khó khăn trong tuyển dụng giáo viên một số môn học hoặc ở khu vực địa lý mang tính phổ biến trên toàn cầu. Thách thức lớn nhất của Thụy Điển về chất lượng giáo viên là sức hấp dẫn của nghề dạy học. Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên không đủ tiêu chuẩn cho công việc, đặc biệt là môn Toán và Khoa học.

Ngoài ra, tình trạng giáo viên bỏ nghề cũng có xu hướng gia tăng. Tại Hoa Kỳ, có tới 50% giáo viên nghỉ dạy trong vòng 5 năm ở một số thành phố lớn, trong khi ở Vương quốc Anh, tỷ lệ giáo viên nghỉ dạy là 25. Có tới 40% giáo viên nghỉ dạy trong khoảng thời gian 5 năm ở Bỉ, con số này là 20% ở Hà Lan.

Bên cạnh đó có một số quốc gia không thiếu giáo viên bởi nghề dạy học vẫn là nghề có uy tín, vị trí xã hội cao, có tính hấp dẫn và cạnh tranh, ví dụ như ở Phần Lan.

Còn tại Nhật Bản, điều thu hút người trẻ tuổi vào nghề dạy học chính là sự tôn trọng cao của xã hội đối với giáo viên và dạy học là công việc đáng mơ ước ở nước này. Giáo viên ở Vương quốc Anh được coi là “tài sản quý giá nhất của xã hội, không nghề hay dịch vụ nào quan trọng hơn nghề dạy học”.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên trong giờ rèn nghiệp vụ sư phạm. Ảnh: NVCC

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên trong giờ rèn nghiệp vụ sư phạm. Ảnh: NVCC

Yêu cầu cao hơn với nhà giáo

- Sự thay đổi của xã hội, yêu cầu đổi mới giáo dục đặt ra những vấn đề gì với nghề giáo hiện nay, theo ông?

- Dạy học là một nghề với các kỹ năng đặc trưng mà không nghề nào có. Không phải ai có trình độ học vấn nhất định cũng có thể trở thành giáo viên chuyên nghiệp. Hơn nữa, nhân loại đang bước vào kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những bước tiến khổng lồ, nhanh chóng trong khoa học và công nghệ. Kho tàng kiến thức nhân loại tăng theo cấp số nhân.

Nhiệm vụ của giáo viên không còn là truyền thụ kiến thức, mà rèn luyện cho học sinh năng lực tự học, tự vươn lên khẳng định mình; truyền cảm hứng để học sinh khởi nghiệp, sáng tạo. Do đó, có thể nói “nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo” - cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định điều này.

Dạy học là nghề đặc biệt, gần giống nghề y vì cùng tiếp xúc với đối tượng là con người. Kỹ năng nghề nghiệp đầu tiên của bác sĩ là thăm khám trước khi đưa ra phác đồ điều trị cho từng người bệnh. Giáo viên cũng vậy, trước khi dạy học phải “thăm khám” từng học sinh để phát hiện đặc điểm riêng từ đó giúp các em tự phát triển năng lực.

Trong xã hội hiện đại, những kỹ năng này đòi hỏi giáo viên phải cập nhật liên tục. Thi cấp chứng chỉ hành nghề ở một số nước trên thế giới đã tạo động lực để giáo viên luôn có ý thức học hỏi, vươn lên trong nghề nghiệp.

Hơn nữa, để thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp, mỗi người phải có đam mê và lựa chọn cho mình một nghề phù hợp. Phạm vi của nghề dạy học là giáo dục, nên cần hiểu bản chất của giáo dục. Giáo viên được coi là những nhà chuyên môn về quyền được giáo dục, giao tiếp sư phạm, phát triển các mối quan hệ cá nhân.

- Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, liệu có nên lo lắng về việc robot có thể thay thế giáo viên trong tương lai?

- Trong tương lai, con người có thể chế tạo ra robot giỏi trong việc dự đoán, hướng dẫn, do đó có thể giao phó cho robot một phần công việc của giáo viên. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Trường Đại học Oxford, khả năng giảng dạy được tự động hóa chỉ đạt khoảng 0,4%, số liệu tương tự như đối với các nghề bác sĩ. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tự động hóa thậm chí còn làm tăng việc làm trong ngành Giáo dục.

Ngoài ra, nghề dạy học đòi hỏi phải giải quyết vấn đề phức tạp, có kỹ năng xã hội, quy trình, hệ thống, quản lý tài nguyên, kỹ thuật, khả năng nhận thức và thể chất. Việc giảng dạy phụ thuộc vào nhiều ngữ cảnh và liên quan các tình huống phức tạp đến mức con người không thể viết kịch bản sẵn có để có thể lập trình bằng chương trình xử lý đối với robot.

Các nhà nghiên cứu khẳng định, công việc của giáo viên phức tạp và kết quả của việc giảng dạy tốt không chỉ thể hiện vấn đề chuyên môn mà xuất phát từ chính sự mẫu mực, tấm gương về đạo đức và khả năng truyền cảm hứng. Bản chất của việc giảng dạy tốt là kỹ năng kết nối của giáo viên với học sinh, chủ đề giảng dạy, giáo viên với nhau và với thế giới. Robot không thể thay thế giáo viên vì đặc thù của nghề dạy học là tác động trực tiếp đến nhân cách, phẩm chất con người (nhân, trí, thể, mỹ).

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên trong giờ rèn nghiệp vụ sư phạm. Ảnh: NVCC

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên trong giờ rèn nghiệp vụ sư phạm. Ảnh: NVCC

Để tăng sức hấp dẫn

- Trước nhiều khó khăn trong khi yêu cầu đặt ra ngày càng cao, vậy phải làm sao để tăng sức hấp dẫn của nghề dạy học?

- Nâng cao chất lượng nghề dạy học đòi hỏi cách tiếp cận hệ thống với địa vị xã hội của nghề nghiệp, hình ảnh người giáo viên trong xã hội và sự hấp dẫn của nghề dạy học. Nó bao gồm xác định bản sắc không thể thay thế, làm nổi bật khía cạnh đạo đức, nâng cao nhận thức nhất quán về vai trò của nghề với toàn bộ hệ thống giáo dục; có tầm nhìn tích cực về tương lai tươi sáng nghề dạy học.

Như ở Phần Lan, nghề dạy học được ngưỡng mộ và đáng mơ ước với nhiều người bởi đây là “nghề cao quý, danh giá - nghề được thúc đẩy bởi mục đích đạo đức hơn là lợi ích vật chất”. Giáo viên ở Phần Lan nhận được sự tôn trọng của xã hội và được quyền tự chủ cao trong nghề nghiệp.

Đội ngũ giáo viên có năng lực được hỗ trợ và trả lương thích hợp; làm việc trong một môi trường giảng dạy và học tập đầy hứng khởi là yếu tố quan trọng nhất của bất cứ hệ thống giáo dục nào. Địa vị nhà giáo, sự tôn trọng của xã hội đối với công việc giảng dạy là nhân tố quan trọng để hướng tới nền giáo dục chất lượng cao.

Thu nhập cũng là một trong những yếu tố quan trọng để một người lựa chọn trở thành giáo viên. Tại Nhật Bản, giáo viên là công chức nhà nước được trả lương cao nhất trong hệ thống ngành nghề có trình độ tương đương. Hàn Quốc cũng là quốc gia có chiến lược trong nhiều thập kỷ về thu hút những người giỏi gắn bó với nghề dạy học bằng trả lương cao.

Từ phân tích dữ liệu của 39 quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), các nhà nghiên cứu nhận thấy, giáo viên được trả lương cao hơn, tăng lương nhanh hơn cho phép tuyển dụng những ứng viên có năng lực tốt hơn.

Do đó, ngành Giáo dục cần sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội. Công tác truyền thông về nghề dạy học cũng phải quan tâm, lan tỏa tình yêu, lý tưởng và sự cống hiến với nghề cho đội ngũ giáo viên.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Nghề dạy học đòi hỏi giáo viên phải là chuyên gia giáo dục, có khả năng phát huy tiềm năng của mỗi học sinh. Những phẩm chất cá nhân mà nghề dạy học cần là tình cảm, đạo đức và trí tuệ, sự đồng cảm, mối quan hệ, sự nghiêm khắc và khoan dung.

Giáo viên phải khơi dậy được sự tôn trọng và ngưỡng mộ, tạo ảnh hưởng tích cực lâu dài và cộng hưởng đến tất cả học sinh. Do đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì nghề dạy học vẫn có vị trí quan trọng và không thể thay thế”. - PGS.TS Nguyễn Danh Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ