Gần 20 năm gắn bó với Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách khoa Hà Nội), PGS.TS Vũ Thu Trang luôn nỗ lực hết mình với đam mê nghiên cứu khoa học. Cô và đồng sự đã cho ra đời nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao.
Cơ duyên cùng nghề giáo
Xuất thân trong gia đình truyền thống hiếu học, bố mẹ công tác ngành Giáo dục trở thành điểm tựa, động lực thôi thúc cô Vũ Thu Trang theo nghề giáo. Biến mong ước thành hiện thực, cô thi đỗ vào ngành Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội).
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2003, cô cùng 7 bạn học được thầy cô của Khoa Công nghệ thực phẩm hướng dẫn, đào tạo theo lộ trình để trở thành giảng viên. Năm 2004, cô làm cán bộ tập sự bộ môn Công nghệ thực phẩm sau thu hoạch, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, nay là Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Hóa và Khoa học sự sống.
PGS.TS Vũ Thu Trang nhớ lại, thời gian cô ra trường, lĩnh vực công nghệ thực phẩm được nhà trường tìm kiếm và đào tạo cán bộ nguồn là sinh viên kế cận. Thầy cô hướng dẫn sinh viên làm trợ giảng, gửi đi học tập trong nhà máy; sau đó khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ trẻ tiếp tục học tập, nghiên cứu ở các nước có nền khoa học thực phẩm lâu đời.
Khi chính thức trở thành giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, cô Vũ Thu Trang tham gia giảng dạy các môn học như: Nhập môn kỹ thuật thực phẩm; công nghệ sữa; bao bì thực phẩm. Để hỗ trợ công tác giảng dạy, cô chọn định hướng nghiên cứu phản ứng Maillard trong thực phẩm, công nghệ chế biến sữa và sản phẩm từ sữa.
Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển định hướng nghiên cứu, từ năm 2005 - 2007, cô Trang theo học chương trình cao học tại Khoa Khoa học ứng dụng tài nguyên sinh học, Đại học Kochi, Nhật Bản. Ba năm sau đó, cô thực hiện luận án tiến sĩ tại Khoa Khoa học ứng dụng tài nguyên sinh học, Đại học Ehime, Nhật Bản.
Sau bảo vệ thành công luận án, cô quyết định về nước để theo đuổi định hướng nghiên cứu của mình. Năm 2016, khi 35 tuổi, nữ tiến sĩ được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư. Đây là niềm vui, hạnh phúc và sự ghi nhận đối với những nỗ lực, cố gắng của cô trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Nhóm nghiên cứu thử nghiệm quy mô Pilot tại Trung tâm Thực hành và Phát triển sản phẩm thực phẩm, Trường Hóa và Khoa học sự sống. Ảnh: Đình Tuệ |
Cân bằng công việc với gia đình
Theo PGS.TS Vũ Thu Trang, giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời của giảng viên đại học, đặc biệt tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Vì thế, cô được tạo điều kiện thuận lợi để tự do phát triển nhiệm vụ với sự hướng dẫn của các thầy cô - nhà khoa học uy tín hàng đầu…
Với nền tảng cơ sở vật chất tốt, Đại học Bách khoa Hà Nội còn hỗ trợ giảng viên kinh phí nghiên cứu ban đầu dưới dạng đề tài phân cấp để thúc đẩy nghiên cứu khai phá trước khi phát triển ý tưởng và sản phẩm khoa học có khả năng ứng dụng vào thực hiện dự án lớn. Ngoài phòng nghiên cứu chuyên sâu, cô còn được trang bị thiết bị quy mô pilot để sản phẩm có thể tới gần thực tế sản xuất.
“Lợi thế hơn nữa, nhờ uy tín của Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi có cơ hội làm việc với nhà cung cấp hàng đầu trong và ngoài nước; sản phẩm khoa học được ứng dụng thực tế nhanh hơn…
Thuận lợi là vậy nhưng khó để đưa ra giải pháp hoàn hảo cân bằng giữa gia đình và công việc, tôi và đồng nghiệp phải linh động thực hiện vấn đề này theo kiểu đến đâu lo đó. Riêng tôi, bố mẹ hai bên và gia đình đã hỗ trợ đắc lực để có nhiều thời gian hoàn thành công việc nghiên cứu, giảng dạy”, PGS.TS Vũ Thu Trang tâm sự.
Như nhiều đồng nghiệp, cô Trang luôn cảm thấy hạnh phúc trong công việc giảng dạy tại trường vì sản phẩm quan trọng nhất là đào tạo những kỹ sư tương lai lĩnh vực Công nghệ thực phẩm. Các tư liệu khoa học nghiên cứu cùng đồng nghiệp trong và ngoài nước; dự án hợp tác doanh nghiệp… được nữ giảng viên tận dụng đưa vào giảng dạy nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Cũng theo cô Trang, với nghiên cứu và ứng dụng khoa học, không nhà khoa học nào có thể triển khai một mình bởi sản phẩm phải đưa vào thực tế. Công nghệ thực phẩm lại là chuỗi công việc đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các thành viên với chuyên môn khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất là quyết tâm của doanh nghiệp đưa sản phẩm khoa học vào thực tế.
Nhóm nghiên cứu ở lĩnh vực Công nghệ thực phẩm của Trường Hóa và Khoa học sự sống những năm gần đây đã đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp, đồng hành, triển khai sản xuất thành công nhiều sản phẩm khoa học thành sản phẩm thương mại mới trên thị trường.
Trong đó có thể kể tới Công ty Cổ phần Excook (Hà Nam) với sản phẩm xốt tươi và phở tươi ăn liền với độ sinh năng lượng thấp lần đầu có mặt trên thị trường; Công ty CP mía đường Lam Sơn với sản phẩm sữa gạo lứt giàu protein; Công ty CP sữa Ba Vì có sản phẩm Kombucha bảo quản dài hạn...
Với nỗ lực trong nghiên cứu và giảng dạy, PGS.TS Vũ Thu Trang hiện sở hữu gần 60 công bố khoa học; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ năm 2022; Chủ trì một nhiệm vụ Nghị định thư, một đề tài Nafosted, một đề tài cấp Bộ và là thành viên của 5 dự án cấp Bộ và Nhà nước; thành viên Ban biên tập Tạp chí Khoa học: Khoa học tự nhiên và công nghệ, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội…
“Cô Trang là tấm gương nhà giáo tận tâm, sáng tạo và giỏi chuyên môn. Các sản phẩm của cô và đồng nghiệp nghiên cứu đều tập trung nâng cao giá trị của nông sản Việt; ứng dụng khoa học trong sản xuất để tạo sản phẩm có ý nghĩa cho sức khỏe người tiêu dùng”. - Nguyễn Hà Trang – sinh viên khóa 61 Khoa Công nghệ thực phẩm, là học viên cao học được cô Vũ Thu Trang hướng dẫn đề tài “Phát triển đồ uống từ whey”.