Từ giải GVST đến dự án bảo vệ môi trường của cô giáo Sinh học tỉnh Quảng Bình

GD&TĐ - Cơ duyên đã đến với cô giáo Trần Thị Nguyên giáo viên bộ môn sinh học trường THCS Đồng Phú, thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình khi lần đầu tiên cô tham dự cuộc thi GVST trên nền tảng công nghệ thông tin vào năm 2016 và đạt giải ba với đề tài “Action for future” (Hành động cho tương lai). 

Từ giải GVST đến dự án bảo vệ môi trường của cô giáo Sinh học tỉnh Quảng Bình

Đây là một đề tài về môi trường. Trong đề tài này cô Nguyên cùng các em học sinh trong nhóm của mình đã tìm các bằng chứng về biến đổi khí hậu ở trên thế giới, tìm hiểu về những hiện tượng thời tiết đó đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân và nền kinh tế thế giới đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục.

Bước ra từ cuộc thi trở về nơi làm việc cô giáo Nguyên đã có được những kinh nghiệm rất lớn từ cuộc thi từ cách thành lập dự án, chọn đề tài cũng như cách triển khai dự án sao cho thật hiệu quả đồng thời cũng nâng cao vốn tiếng anh của mình. Cũng chính từ những kiến thức bổ ích đó cô Nguyên đã có cơ hội tiếp cận với học bổng Fulbright TEA và đã xuất sắc trở thành giáo viên ngành khoa học thứ hai của việt nam giành được học bổng này vào tháng 9 năm 2018.

Là một giáo viên sinh học, cô Nguyên luôn trăn trở với tình hình biến đổi khí hậu liên quan đến chất thải rắn khó phân hủy như túi nylon, vỏ chai nhựa ..v..v…Xuất phát từ ý tưởng “nói không với bao nylon”, góp phần bảo vệ môi trường sống, dự án Less Plastic của cô và một nhóm học sinh của Trường THCS Đồng Phú đã ra đời. Được thành lập từ tháng 7/2018, Less plastic tập trung vào vận động người dân sử dụng túi giấy và túi lưới và đến bây giờ Less plastic đã đi được một chặng đường dài với những thành công đáng ghi nhận.

Được sự hỗ trợ và hướng dẫn của cô giáo Trần Thị Nguyên, 6 bạn trẻ do Nguyễn Ngọc Khánh Chi làm trưởng nhóm đã lên ý tưởng và thực hiện dự án Less Plastic với mục đích kêu gọi mọi người nói không với bao nylon và các vật nhựa gây ô nhiễm môi trường khác. Dự án thực hiện việc tái chế rác thải, tăng cường thói quen sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để thay thế cho nylon, từ đó trang bị những kiến thức cơ bản và hướng đến những hành động giảm nhẹ ô nhiễm môi trường bằng những việc làm nhỏ nhất.

Chương trình bắt đầu bằng phần thi tìm hiểu về tác hại của bao nilon đối với môi trường, các cách thức thay thế túi nilon trong sinh hoạt… Nhưng có lẽ “Hiệp sỹ túi giấy” là nội dung luôn được các bạn trẻ mong chờ nhất khi sử dụng những loại giấy thu gom được để gấp thành túi giấy. Những thành phẩm này sẽ được mang đến chợ, tặng lại cho các tiểu thương với mong muốn giảm thiểu lượng túi nilon được sử dụng. Vậy là sau các buổi sinh hoạt như thế này, các cô bé, cậu bé 13, 14 tuổi lại hăng hái đi đến từng gian hàng ở các chợ, tặng túi giấy và không quên tuyên truyền những thông tin cơ bản nhất đến các cô, bác tiểu thương... 

Trưởng thành từ cộng đồng MIE Expert Việt nam, cô giáo trẻ Trần Thị Nguyên luôn phát huy tính sáng tạo trong công việc gảng dạy và giáo dục học sinh. Với việc hướng dẫn học sinh thông qua các hoạt động của dự án Less plastic, cô Nguyên mong muốn túi vải cùng túi lưới, túi giấy trong tương lai sẽ được phát triển rộng rãi và phổ biến đối với người tiêu dùng trên mọi miền đất nước để thay thế thói quen sử dụng túi nilon từ lâu của mọi người. Đồng thời nhóm cũng đưa ra các mẫu túi vải, túi lưới để phù hợp với nhu cầu sử dụng của mọi người, tiện dụng và có thể sử dụng được nhiều lần. Việc làm đó góp phần vào việc bảo vệ môi trường, giảm tải số lượng lớn túi nilon được sử dụng trong mỗi năm, giáo dục ý thức của người dân và học sinh trong cộng đồng.

Tuy nhiên trong thời gian thực hiện dự án các bạn trẻ cũng gặp phải một số khó khăn không nhỏ như thời gian học trên lớp ít, các em học thêm quá nhiều, một số phụ huynh chưa hiểu cách đổi mới hình thức dạy học nên tỏ ra lo lắng khi con mình ra ngoài tìm kiếm thông tin, làm việc nhóm... Nhưng sau một thời gian tham gia dự án các em học sinh đã trưởng thành hơn, thu nhận được nhiều kỹ năng hơn từ kỹ năng tìm kiếm thông tin, sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng thuyết trình, kĩ năng giao tiếp và áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, đến nay cô và các bạn trẻ đã dược sự ủng hộ cảu hầu hết các bậc phụ huynh và người dân trong thành phố.

“Chúng tôi hy vọng hoạt động này sẽ được nhân rộng tại các trường học, nơi tập trung của hàng trăm học sinh – chính các bạn sẽ là những tuyên truyền viên tích cực về vấn đề giảm sử dụng túi nilon và ý thức vứt rác đúng chỗ, xử lý rác thải tại các hộ gia đình và tổ dân phố. Để thực hiện được điều đó, chúng tôi cần được Sở Giáo dục, Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm, hỗ đỡ về mặt nhiều mặt. Với hy vọng sẽ lan tỏa hiệu quả được thông điệp “Cùng nhau giảm sử dụng túi nilon – Bảo vệ môi trường” ra cộng đồng. Mỗi người sẽ là một thành viên tích cực của chiến dịch này vì “Một Việt Nam xanh-sạch hơn” – cô Nguyên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ