Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển?

Những "Lọ Lem", "Nàng Bạch Tuyết", "Nàng tiên cá", "Nàng công chúa ngủ trong rừng"… bỗng bị đem ra phân tích, mổ xẻ và bị cho là không còn phù hợp với trẻ nhỏ trong đời sống văn hóa đương đại. Liệu có thật như thế, và bạn nghĩ thế nào?

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển?

Mới đây, nữ diễn viên Keira Knightley đã chia sẻ rằng cô không cho con gái xem hai bộ phim hoạt hình là "Lọ Lem" và "Nàng tiên cá", bởi theo Keira, "Lọ Lem" nói về một cô gái chờ đợi chàng hoàng tử giàu có tới giải cứu cho cuộc đời khốn khổ của mình, nhưng Keira muốn con gái cô lớn lên với suy nghĩ rằng tự mình phải giải cứu cho mình trước tiên, không phải chờ vào một người đàn ông nào đó.

Với phim "Nàng tiên cá", Keira cho rằng việc nhân vật nàng tiên cá Ariel chấp nhận hy sinh giọng nói để có được cơ hội ở bên hoàng tử là một điều "ngớ ngẩn", bởi không có chuyện hy sinh những điều quan trọng và thiết thực trong đời sống của mình vì một người đàn ông.

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 1.

Nữ diễn viên Kristen Bell

Nối tiếp ngay sau cuộc phỏng vấn trên truyền hình của Keira Knightley, mới đây, nữ diễn viên Kristen Bell cũng chia sẻ rằng cô thấy lo lắng khi để hai cô con gái xem "Nàng Bạch Tuyết" bởi cảnh phim chàng hoàng tử đặt nụ hôn lên môi nàng Bạch Tuyết là một cảnh quan trọng nhưng cô tin rằng trong đời sống hiện đại hôm nay, nam giới không được phép hôn một người phụ nữ nếu anh ta chưa được cho phép, còn việc "tranh thủ" hôn cô gái khi cô đang ngủ là khó chấp nhận.

Trong thế giới phim hoạt hình, Kristen Bell từng lồng tiếng cho nhân vật nàng công chúa Anna trong "Frozen" (Nữ hoàng băng giá - 2013). Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Parenting (Mỹ), Kristen Bell chia sẻ những lo lắng của cô đối với một số bộ phim hoạt hình kinh điển vốn đã đồng hành với tuổi thơ nhiều thế hệ, nhưng cho tới thời điểm này, khi bối cảnh đời sống văn hóa - xã hội đã đổi khác, có những điều cô cho rằng không còn phù hợp.

Kristen Bell chia sẻ rằng sau khi hai con gái xem xong phim hoạt hình "Nàng Bạch Tuyết" - phiên bản hoạt hình Disney ra mắt từ năm 1938, cô đã hỏi các con rằng: "Con có nghĩ thật là kỳ khi hoàng tử hôn Bạch Tuyết dù chưa được phép không?".

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 2.

Cảnh trong phim hoạt hình “Nàng Bạch Tuyết” - phiên bản hoạt hình Disney ra mắt từ năm 1938

Kristen Bell cũng hỏi hai cô con gái của mình rằng các con có thấy nàng Bạch Tuyết đã quá vô tư khi nhận trái táo từ mụ phù thủy không, qua đó, Kristen muốn dạy các con đừng nhận đồ ăn thức uống từ người lạ, vì trong đó có thể ẩn chứa hiểm nguy. Trước ý kiến của Keira Knightley hay của Kristen Bell, có nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.

Có những người ủng hộ, cho rằng những nội dung đã ra đời từ gần cả thế kỷ trước rõ ràng sẽ có những điều không còn phù hợp với bối cảnh đời sống văn hóa đương đại; nhưng cũng có những người cho rằng những ý nghĩ như của Keira, của Kristen đang làm nghiêm trọng hóa vấn đề về giới, đang đẩy đi quá xa những chi tiết nhỏ trong các câu chuyện cổ tích, các bộ phim hoạt hình cổ tích kinh điển, đã từng là bạn đồng hành của tuổi thơ bao thế hệ.

  • Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? ảnh 3Nữ diễn viên Keira Knightley không cho con gái xem “Nàng tiên cá” và “Lọ Lem”

Kristen Bell hiện có hai cô con gái - Lincoln (5 tuổi) và Delta (3 tuổi). Chia sẻ với tạp chí Parenting, Kristen nói: "Mỗi khi tôi đọc xong truyện hay các con xem xong phim "Nàng Bạch Tuyết", tôi đều nói chuyện với hai cô con gái của mình và hỏi các con nghĩ thế nào về việc chàng hoàng tử hôn nàng Bạch Tuyết khi nàng đang ngủ, hay việc nàng nhận trái táo từ mụ phù thủy mà không chút nghi ngờ".

Hiện tại, ở Hollywood đang diễn ra phong trào đòi bình đẳng giới và chống quấy rối tình dục đối với phụ nữ, vì vậy, những chia sẻ của Keira hay Kristen dễ khiến truyền thông và công chúng liên tưởng đến những phong trào và hoạt động xã hội đang diễn ra ở kinh đô điện ảnh.

Việc mang hơi hướng của phong trào bình quyền vào soi xét những câu chuyện cổ tích, những bộ phim hoạt hình kinh điển, khiến nhiều người cho rằng quá khiên cưỡng và làm nghiêm trọng hóa vấn đề.

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 5.

Hồi cuối năm 2017, báo chí phương Tây đã từng được biết tới một câu chuyện hài hước khi một bậc phụ huynh đã viết đơn yêu cầu trường tiểu học nơi con trai cô đang theo học ngưng giới thiệu câu chuyện cổ tích "Nàng công chúa ngủ trong rừng" tới các học sinh.

Khi cậu con trai 6 tuổi của người phụ nữ có tên Sarah Hall, sinh sống ở đô thị North Shields (Anh), bắt đầu đi học tiểu học, trong giáo trình của cậu bé có giới thiệu câu chuyện cổ tích "Nàng công chúa ngủ trong rừng".

Chị Sarah Hall cho rằng nàng công chúa không hề đồng ý cho chàng hoàng tử xa lạ được phép hôn mình và đối chiếu vào đời sống xã hội hiện nay, hành động của chàng hoàng tử là rất "có vấn đề", có thể khiến chàng gặp rắc rối với… cảnh sát.

Chị Sarah sợ rằng cậu con trai 6 tuổi của mình sẽ không hiểu được thế nào là thế giới thực tại và thế giới cổ tích, rằng cậu bé sẽ tiếp nhận thông điệp từ câu chuyện cổ tích với ý nghĩ - hành động gần gũi với người khác giới mà mình cảm mến (dù chưa quen biết và chưa được chấp nhận) là hoàn toàn chấp nhận được.

Đối với vị phụ huynh "lo xa" này, câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới "Nàng công chúa ngủ trong rừng" đã đưa lại cho trẻ nhỏ một thông điệp không phù hợp với thời đại hôm nay:

"Tôi cho rằng có vấn đề trong câu chuyện ‘Nàng công chúa ngủ trong rừng’, nó nằm ở hành động thân mật của hoàng tử trong khi công chúa chưa hề đồng ý. Liệu câu chuyện này có còn phù hợp với đời sống văn hóa của thời đại hôm nay?".

Chị Sarah lo lắng về thông điệp mà những đứa trẻ tiếp nhận khi cảnh hoàng tử đánh thức nàng công chúa tỉnh dậy bằng một nụ hôn luôn khiến những đứa trẻ cảm thấy rất thích thú và ấn tượng mạnh. Người mẹ nhiều lo lắng này sau đó đã liên hệ với nhà trường về vấn đề trên:

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 6.

"Trong xã hội hôm nay, hành động của chàng hoàng tử là không còn phù hợp nữa. Con trai tôi mới chỉ 6 tuổi và cháu ‘thẩm thấu’ mọi điều xung quanh mình. Tôi không nghĩ cần phải loại bỏ câu chuyện cổ tích này hoàn toàn ra khỏi các sách truyện thiếu nhi.

"Nhưng tôi nghĩ nó sẽ phù hợp hơn cho lứa tuổi thiếu niên, khi bạn có thể có những cuộc trò chuyện thực sự mang tính xây dựng xoay quanh vấn đề này với bọn trẻ. Nhưng tôi rất lo lắng khi kể cả trẻ rất nhỏ cũng có thể tiếp xúc với câu chuyện này", chị Sarah chia sẻ.

Chị Sarah cũng đề cập tới loạt vụ bê bối quấy rối tình dục xảy ra tại Hollywood và một số nền công nghiệp giải trí khác đang đồng loạt bị phanh phui thời gian gần đây. Những sự việc như vậy khiến chị nghĩ về những thông điệp mà con mình tiếp nhận mỗi ngày với thái độ cẩn trọng hơn.

"Tất cả những điều nhỏ nhặt đều có ý nghĩa và giúp tạo nên sự khác biệt", chị Sarah khẳng định. Vị phụ huynh này cho rằng có thể còn có những vấn đề tương tự tồn tại trong những câu chuyện cổ tích khác nữa.

Câu chuyện của phụ huynh Sarah Hall đã trở thành đề tài tranh luận từ trên mặt báo cho tới trên mạng xã hội Anh. Có rất nhiều phụ huynh khác lên tiếng chỉ trích chị Sarah Hall, cho rằng vị phụ huynh này đã "trầm trọng hóa" vấn đề và đưa cái nhìn "tiêu cực" vào một câu chuyện cổ tích đẹp đẽ nổi tiếng thế giới.

Rất nhiều phụ huynh đã bênh vực cho vẻ đẹp của câu chuyện cổ tích nổi tiếng và khuyên chị Sarah không nên lo lắng thái quá như vậy, một phụ huynh bình luận: "Ngay cả khi còn là một đứa trẻ, câu chuyện này có từng khiến bạn chạy đi khắp nơi và hôn bất cứ ai bạn gặp không? Không đứa trẻ nào làm vậy cả đâu. Và thực sự câu chuyện cổ tích này không có vấn đề gì hết".

Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về việc một số phụ huynh lo lắng khi cho con xem phim hoạt hình kinh điển.
Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ