Từ đề thi tham khảo giáo viên gợi ý cách ôn tập môn Lịch sử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo đánh giá của nhiều giáo viên môn Lịch sử, các câu hỏi trong đề thi tham khảo môn Lịch sử có tính liên hệ, phân loại năng lực học sinh.

Tiết học Lịch sử, Trường THPT Văn Giang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ảnh NVCC.
Tiết học Lịch sử, Trường THPT Văn Giang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ảnh NVCC.

Đề tham khảo vừa sức

Ngày 1/3, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đánh giá của cô Đỗ Thanh Phúc – giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Văn Giang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên): “Đối với đề thi tham khảo môn Lịch sử khá vừa sức với học sinh. Đề thi có sự phân hoá, đánh giá được năng lực, quá trình rèn luyện của học sinh”.

Cô Phúc cho biết thêm, với cấu trúc đề ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi đưa ra trong đề thi đều mang tính liên hệ với thực tế chương trình học.

Đối với đề thi tham khảo năm nay có 4 câu hỏi thuộc nội dung kiến thức của lớp 11 còn lại là lớp 12.

Trong nội dung kiến thức của lớp 12, có 12 câu thuộc phần lịch sử thế giới, còn lại là lịch sử Việt Nam được phân bổ cho các giai đoạn 1919-1930; 1930-1945; 1945-1954; 1954-1975 và 1975-nay.

Cô Phúc nói: “Để ôn tập tốt, các em nên có cách học tập hiệu quả, không học lệch, học tủ. Học trò nên lắng nghe bài trên lớp để hiểu bản chất các vấn đề lịch sử từ đó đưa ra được các nhận định, đánh giá của bản thân và áp dụng kiến thức vào làm bài tập.

Bên cạnh đó các em cũng cần cân bằng giữa việc học tập và giải trí, không nên thức quá khuya, nên tập thể thao và ngồi quá lâu để đảm bảo sức khỏe cho kỳ thi quan trọng sắp tới”.

“Trong quá trình ôn tập nên trao đổi ngay với thầy cô và bạn bè các nội dung mình còn chưa hiểu để được giải đáp nhanh nhất. Các em cũng nên lập nhóm học tập để cùng trao đổi các nội dung kiến thức và tham khảo các cách học tập hiệu quả. Đề có thể linh hoạt hơn trong cách sử dụng ngôn ngữ và cách hỏi để tạo cảm giác gần gũi và khơi gợi đam mê cho học sinh”, cô Phúc cho biết.

Lịch sử Việt Nam chiếm khoảng hơn 70%

Cô Lê Hoàng Uyên, giáo viên môn Lịch sử, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội)

Cô Lê Hoàng Uyên, giáo viên môn Lịch sử, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội)

Theo cô Lê Hoàng Uyên, giáo viên môn Lịch sử, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội): “Đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT môn Lịch sử gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm, kiến thức trọng tâm tập trung ở lớp 12 và một phần thuộc nội dung lịch sử lớp 11.

Trong đó, phần lịch sử Việt Nam chiếm khoảng hơn 70%. Các câu hỏi được chia theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo sự phân hóa”.

Theo đó, để quá trình ôn tập hiệu quả, đạt được điểm tối đa, học sinh nên phân chia ra để học. Cụ thể cô Uyên nói: “Phần Lịch sử thế giới, học sinh nên chia thành 2 giai đoạn: từ năm 1918 đến 1945 và từ 1945 đến 2000. Học sinh cần nắm chắc và có sự liên hệ với các sự kiện, bối cảnh thế giới và khu vực có tác động đến Việt Nam như Cách mạng tháng mười Nga 1917, chiến tranh thế giới thứ 2 (1939 - 1945), hội nghị Ianta (1945),...

Phần Lịch sử Việt nam đề cập tới nhiều sự kiện nổi bật: quá trình Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Những biến đổi trong đời sống kinh tế và xã hội Việt Nam đầu thế kỉ 20, phong trào yêu nước và cách mạng trước năm 1930.

Sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào chống Pháp từ 1884 đến 1954 và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ 1954 đến 1975, công cuộc đổi mới đất nước từ 1986 đến nay…”.

Cô Uyên nhấn mạnh: “Trong quá trình học, học sinh cần hệ thống lại toàn bộ kiến thức có trong SGK từ đó sắp xếp các sự kiện một cách hợp lý.

Ngoài ra học sinh cần có sự liên hệ giữa các sự kiện Lịch sử thế giới với có tác động đến Lịch sử Việt Nam. Bởi lịch sử Việt Nam là một phần của lịch sử thế giới, do đó sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những bối cảnh bên ngoài.

Mặt khác, để mở rộng và ghi nhớ thêm kiến thức, học sinh có thể thu thập kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, tuy vậy cần có sự chọn lọc về nguồn thông tin.

Giai đoạn nước rút cần luyện thêm nhiều để, để làm quen với cấu trúc đề thi và rèn luyện kĩ năng làm bài từ đó rút ra kinh nghiệm để không bỡ ngỡ trong quá trình làm bài”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ