Từ đề thi minh họa lần 3, lưu ý học sinh học, làm bài môn Vật lý

GD&TĐ - Thầy Lê Đắc Duẩn - giáo viên Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang) - nhận định về đề thi minh họa môn Vật lý thi THPT quốc gia 2017 Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Giở học của học sinh Trường THPT Yên Dũng số 3 trước kỳ thi THPT quốc gia 2017
Giở học của học sinh Trường THPT Yên Dũng số 3 trước kỳ thi THPT quốc gia 2017

Đề khá hay và có khả năng phân hóa cao

Theo thầy Duẩn, đề thi minh họa lần này, các câu cũng sắp xếp từ dễ đến khó như lần 1 và 2.

Tuy nhiên, có điểm khác là ở đề minh họa lần 3, 24 câu đầu khó hơn lần 1 và 2, tức là học sinh được 6 điểm khó hơn hai đề minh họa trước.

Với học sinh khá giỏi, các em có thể đạt điểm từ 7 đến 9 dễ dàng hơn. Câu hỏi trên 9 điểm cũng rất khó, nhưng so với lần 2 thì có thể làm tốt hơn. Các câu khó liên quan tới điện xoay chiều và phần cơ.

"Nói chung đề lần 3 khá hay và có khả năng phân hóa cao" - thầy Lê Đắc Duẩn nhận định.

Lưu ý trong dạy học, ôn tập

Từ đề thi minh họa lần thứ 3 này, thầy Lê Đắc Duẩn chia sẻ cách ôn tập môn Vật lý cho học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia.

Theo đó, giáo viên cho học sinh tự giải đề; sau đó học sinh rút ra cấu trúc đề, mức độ phân hóa.

"Tôi luôn yêu cầu học sinh của minh rút ra ma trận đề. Học sinh mắc ở đâu, giáo viên sẽ cùng học sinh tháo gỡ ở đó" - thầy Lê Đắc Duẩn cho hay.

Cũng theo thầy Duẩn, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa lần 3, cách làm của thầy là cho học sinh ôn tập tốt phần cơ bản; các câu hỏi liên quan đến thực tế, thực hành và khai thác các bài toán đồ thị trong giải Vật lí.

Thầy Lê Đắc Duẩn cho biết: Với những học sinh chịu khó, nắm vững kiến thức sách giáo khoa có thể đạt điểm trên 7 không khó.

Để đạt điểm trên 8, các em cần làm thêm những bài tập nâng cao và các bài tập liên quan đến thực tế và thí nghiệm thực hành.

Với những học sinh xuất sắc, muốn đạt điểm trên 9 thì cần làm được những bài nâng cao đòi hỏi hiểu sâu bản chất vật lí và có kiến thức toán vững, biết khai thác đồ thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ