Từ cướp biển thành nhà tự nhiên học đầu tiên

GD&TĐ - Như mọi tên cướp biển, William Dampier (1651 - 1715) cũng mê mẩn vàng. Tuy nhiên, thế giới còn thứ khiến ông say đắm hơn nữa là đời sống tự nhiên.

Di sản khám phá tự nhiên của Dampier là kho báu khổng lồ. Ảnh: Classicalimages.com
Di sản khám phá tự nhiên của Dampier là kho báu khổng lồ. Ảnh: Classicalimages.com

Như mọi tên cướp biển, William Dampier (1651 - 1715) cũng mê mẩn vàng. Tuy nhiên, thế giới còn thứ khiến ông say đắm hơn nữa là đời sống tự nhiên. Bằng khát khao khám phá, ông vượt qua vô số thử thách, trở thành nhà khoa học tự nhiên đầu tiên và để lại di sản hiểu biết khổng lồ cho hậu thế.

Yêu tự nhiên hơn vàng

Dampier sinh ra và lớn lên ở East Coker, Anh, là con trai thứ 2 của một tá điền. Tuy sớm bị mồ côi cha nhưng Dampier được mẹ quan tâm cho ăn học nên sớm biết chữ và thạo toán. Năm 1673, ở tuổi 22, Dampier gia nhập Hải quân Hoàng gia nhưng vì mắc bệnh hiểm nghèo nên phải xuất ngũ sớm.

Tu cuop bien thanh nha tu nhien hoc dau tien (1).jpg
Chân dung nhà tự nhiên học đầu tiên, William Dampier. Ảnh: Wikipedia.org

Buồn bã, Dampier tới Bắc Mỹ kiếm vận may, thử nhiều công việc khác nhau nhưng không ưng ý công việc nào. Thế rồi đột nhiên, ông nhảy lên thuyền của hải tặc Bartholomew Sharp (1650 – 1702) làm cướp biển.

Ban đầu, Dampier từ chối thừa nhận là cướp biển. Trong nhật ký của mình, ông viết rằng chỉ lên một thuyền buôn gỗ và tập cắt gỗ chơi cho biết mà thôi. Chiếc thuyền này có tới 250 thủy thủ và họ “người thì đốn cây, người thì cưa, chặt cây thành các khúc gỗ gọn ghẽ, người thì lấy nhựa cây…”. Chưa hết, họ còn có thuốc súng và thường tùy tiện sử dụng nó.

Mặc dù bị phân công cưa gỗ nhưng Dampier ít khi cầm đến cái cưa. Gần như cả ngày, ông lang thang trong rừng, ngắm nghía các loài thực vật và rình xem động vật. Tất nhiên, các hải tặc không để cho ông “ăn không ngồi rồi” song, bằng khả năng quan sát mây và nhận biết hướng gió, Dampier sớm tìm ra “việc nhẹ lương cao” là dự báo thời tiết. Nhờ ưa chui rúc lung tung, ông còn vô tình phát hiện kẻ địch nên được giao luôn vai trò trinh thám.

Cuộc cướp bóc khốc liệt nhất khi Dampier đang trên thuyền của Sharp là tấn công pháo đài bảo vệ thị trấn Alvarado ở Vera Cruz. Hơn 10 tên cướp đã bị thiệt mạng nhưng, khi họ vào được thị trấn, toàn bộ ngôi nhà đã “vườn không nhà trống” do người dân mang hết của cải chạy trốn. Trong khi các hải tặc khác phẫn nộ hoặc tuyệt vọng, Dampier hớn hở vô cùng vì trước mặt ông là những con vẹt với bộ lông màu vàng và đỏ tươi sáng đã được thuần hóa.

Năm 1678, Dampier quay lại Anh, kết hôn với Judith, gia nhân của nhà nữ công tước Grafton. Chỉ vài tháng sau đám cưới, ông lại quay về Bắc Mỹ và làm cướp biển. Suốt gần 20 năm kế tiếp, Dampier dưới trướng nhiều thuyền trưởng hải tặc khác nhau và dù phải cướp bóc như một hải tặc, ông không ngừng quan sát, nghiên cứu đời sống tự nhiên, cuối cùng tập hợp các tư liệu lại thành cuốn sách đầu tay, “Chuyến du hành vòng quanh thế giới” (A New Voyage Round the World).

Chỉ huy thất bại và nhà tự nhiên học đại tài

Tu cuop bien thanh nha tu nhien hoc dau tien (2).jpg
Dampier làm hải tặc vì đây là cách duy nhất ông nghĩ ra để có thể đi vòng quanh thế giới. Ảnh: Sciencehistory.org

Tiếng vang của “Chuyến du hành vòng quanh thế giới” tẩy trắng tội danh hải tặc cho Dampier. Nó được Hiệp hội Hoàng gia đánh giá là “tài liệu thực tế hấp dẫn và chi tiết nhất về con người, địa danh, đồ vật, thực vật, cá, bò sát, chim và động vật có vú”.

Năm 1698, Dampier còn được Bộ Hải quân trao quyền chỉ huy Roebuck, tàu chiến hạng nặng với 12 khẩu pháo để nhận lệnh Hoàng đế William III đến Australia khám phá dọc bờ biển phía Đông của châu lục này.

Ngày 14/1/1699, Dampier khởi hành. Ngày 6/8 cùng năm, ông đến Tây Úc và lập tức bắt tay vào việc điều tra, lập hồ sơ chi tiết về hệ động – thực vật Australia. Phụ giúp ông là thư ký kiêm họa sĩ James Brand.

Suốt 4 tháng cuối năm 1699, Dampier và Brand tích cực khám phá các quần đảo, vịnh, lập biểu đồ eo biển… Tháng 2/1701, Roebuck gặp bão và bị hư hỏng nặng. Dampier không còn cách nào khác là phải trở về Anh. Kết quả của hơn 1 năm điều tra tự nhiên tại Australia là tập hồ sơ dày, bao gồm từ các ghi chép về động – thực vật đến biểu đồ đường biển, gió mùa, dòng hải lưu…

Tuy bị thất lạc khá nhiều do Roebuck gặp nạn nhưng ông vẫn giữ được một số mẫu vật, trong đó có nhiều mẫu vật thực vật mà sau này, vào năm 1999, Australia đã mượn từ Anh để kỷ niệm năm thứ 300.

Cũng trong năm 1701, Dampier được bổ nhiệm làm chỉ huy tàu chiến St George 24 khẩu pháo, thủy thủ đoàn 120 người chống lại Tây Ban Nha. Ông giao chiến với thủy quân Tây Ban Nha vài lần, nhưng không lần nào giành chiến thắng, cuối cùng trở về Anh trong thất bại vào năm 1707.

Năm 1708, Dampier lần nữa lên tàu chiến nhưng với tư cách thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, ông vẫn không giành được thắng lợi nào đáng kể trước thủy quân Tây Ban Nha. Khoảng đầu năm 1715, ông mất không rõ nguyên nhân, tài sản để lại chỉ là khoản nợ gần 2.000 bảng Anh.

Trái với sự nghiệp hải tặc hay hải quân chỉ toàn tuột dốc, sự nghiệp khám phá đời sống tự nhiên của Dampier vô cùng rực rỡ. Năm 1699, ông xuất bản cuốn sách thứ 2, “Hành trình và Kinh nghiệm” (Voyages and Descriptions), cung cấp thêm tư liệu kể về chuyến đi vòng quanh thế giới đầu tiên của mình, đặc biệt là kinh nghiệm nhận biết gió. Ông chính là người đầu tiên nhận ra, bão lốc nhiệt đới và bão cuồng phong là một, chỉ khác ở cách gọi tên.

Năm 1703, Dampier xuất bản cuốn sách thứ 3, “Hành trình đến New Holland” (A Voyage to New Holland), kể lại cuộc phiêu lưu khám phá Australia được Chính phủ Anh tài trợ. Trong cuộc đời của mình, ông đã 3 lần vòng quanh thế giới, so sánh và đối chiếu hệ động – thực vật trên toàn cầu.

Ngoài 3 tác phẩm chính kể trên, Dampier còn xuất bản thêm các phần phụ lục và một số cuốn sách khác. Nhờ có ông, thế giới đương thời có thêm nhiều hiểu biết về biển và đất liền, động vật và thực vật, văn hóa và địa lý… Đến tận bây giờ, di sản khám phá tự nhiên, văn hóa của ông vẫn là tri thức và nguồn cảm hứng bất tận cho giới nghiên cứu và sáng tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ