Bông tai của cướp biển

GD&TĐ - Thời trang của cướp biển châu Âu là quần áo lòe loẹt, khăn rằn (bandana) và một phụ kiện tuyệt đối không được thiếu: Bông tai bằng vàng hoặc bạc.

Phác họa Edward Teach (hải tặc Râu Đen) cho thấy đeo khuyên tai bằng vàng lớn.
Phác họa Edward Teach (hải tặc Râu Đen) cho thấy đeo khuyên tai bằng vàng lớn.

So với tác phong đàn ông châu Âu trung – cận đại, nó trái ngược hoàn toàn. Vì lý do gì, cướp biển nhất định trưng diện khác người bình thường?

Phụ kiện… nổi loạn

Thời đại hoàng kim của cướp biển châu Âu kéo dài từ thế kỷ XVII – XVIII. Cùng thời kỳ, tại Anh và phần lớn châu Âu, xã hội quy định khắt khe tác phong ăn mặc. Họ đặt nguyên tắc riêng cho mỗi tầng lớp xã hội, giới tính và đặc biệt nghiêm cấm nam giới đeo trang sức. Người vi phạm phải đối mặt với 2 nguy cơ, phạt tiền hoặc phạt tù.

Hải tặc là những kẻ ngoài vòng pháp luật. Tất nhiên, quy định ăn mặc của xã hội không ảnh hưởng gì đến chúng. Trong khi đàn ông châu Âu bị gò ép trong hệ thống trang phục kiểu mẫu, hải tặc tha hồ thích mặc thế nào thì mặc. Mỗi khi lên bờ, vào thị trấn, chúng trộm cướp quần áo hoặc mua, trưng diện theo ý thích cá nhân.

Nhìn chung, hải tặc thích mặc “phi giới tính”. Cho dù là nam hay nữ cũng tùy hứng phối trang phục và mặc lẫn lộn của nhau. Phong cách thời trang thường thấy của hải tặc là quần áo lòe loẹt, khăn rằn (quấn đầu giữ tóc) và bông tai. Họ như thể thách thức tác phong ăn mặc truyền thống.

Trong “mô đen cướp biển”, bông tai nổi bật và nổi loạn nhất. Từ nhân vật viễn tưởng Jack Sparrow đến các hải tặc đời thực như Râu Đen (1680 - 1718), Thuyền trưởng Morgan (1635 - 1688)… đều thích thú đeo bông tai bằng vàng.

Một trong những câu hỏi quen thuộc của họ với thuộc hạ là “Ngươi thấy cái bông tai này có hợp với chiếc khăn rằn của ta không?”.

Ngoài yêu thích, cướp biển còn tự hào về bông tai. Họ xem chúng như vật mang dấu ấn, thành tựu, đôi khi còn khắc cả tên tuổi, quê quán lên trên nó. Một số tàu cướp biển biến bông tai thành phần thưởng, trao tặng cho thành viên trẻ lần đầu vượt qua đường xích đạo hoặc các vùng biển nguy hiểm, ví dụ như mũi Cape Horn (Nam Mỹ). 

Vật hậu tạ giá trị

Bông tai có thể là vật đại diện cho nỗi bất an và lời cầu xin chôn cất của cướp biển.
Bông tai có thể là vật đại diện cho nỗi bất an và lời cầu xin chôn cất của cướp biển.

Không ai chắc chắn, cướp biển bắt đầu đeo bông tai từ thời điểm nào và tại sao, nhưng suy đoán thì rất nhiều. Đầu tiên, người ta nghi ngờ cướp biển đeo bông tai vì… mê tín.

Họ tưởng các kim loại quý có tác dụng cải thiện thị lực, nên tích cực khoác đầy lên người. Bông tai chỉ là một trong các trang sức ưa dùng, ngoài ra còn có vòng tay, vòng cổ, khuyên mũi…

Trong giới cướp biển lưu truyền một mẹo chữa say sóng: Xỏ lỗ tai. Một số kẻ còn tin, bông tai là bùa hộ mệnh, có đeo thì sẽ không bị chết đuối.

Thứ hai, bông tai là giá treo nút tai bằng sáp ong. Tàu hải tặc thường sử dụng đại bác. Tiếng nổ của đạn đại bác cực lớn, khiến hải tặc phải chuẩn bị sẵn nút tai để bảo vệ tai. So với việc cầm nó trên tay hay đút trong túi quần, túi áo thì treo lên bông tai tiện dụng hơn.

Thứ ba, bông tai là tài vật dự phòng trường hợp tử vong. Vì ngoài vòng bảo vệ của pháp luật và lênh đênh trên biển, hải tặc nhiều khả năng bị giết hoặc qua đời cô độc, thi thể dần trôi dạt vào bờ. Bông tai bằng vàng hoặc bạc là vật có giá trị. Hải tặc hi vọng, người thấy xác của chúng sẽ nhận “lễ vật” này và an táng chúng tử tế.

Cũng vì mong muốn được chôn cất sau khi chết, hải tặc mới khắc tên tuổi, quê quán, nơi muốn nằm xuống vĩnh viễn… lên bông tai. Với các thuyền hải tặc, bông tai của thuyền viên cũng có thể là “vật hậu tạ giá trị”, để những người còn sống đem thi thể họ về quê hương chôn cất, thay vì vứt xuống biển hoặc chôn ở nước ngoài.

Trong 3 giả thuyết này, cái thứ 3 có vẻ thực tế nhất. “Hải tặc hay đạo tặc đều là những kẻ bị xã hội ruồng bỏ”, nhà sử học về cướp biển - Gail Selinger (Anh) cho biết. Đối với người dân thời trung – cận đại vốn căm thù hải tặc, cái chết của chúng có thể không là nỗi tiếc thương và chẳng ai buồn quan tâm chôn cất.

Vì thế, hải tặc phải viện đến tài vật. Vàng và bạc là tiền tệ chung, có thể tiêu thụ ở mọi nơi. Cướp biển không chỉ chuẩn bị trước hậu sự bằng bông tai, mà còn đục lỗ trên đồng xu, xỏ dây đeo quanh cổ hoặc tay. 

Ngộ nhận

Bông tai của cướp biển ảnh 2

Cho đến nay, thế giới vẫn chưa có bằng chứng nào xác thực văn hóa thời trang của cướp biển. Trong cuốn sách Cướp biển: Thời đại Hoàng kim (Pirate: The Golden Age), nhà văn Angus Konstam (1960, Anh) khẳng định: “Cướp biển đời thực không hề đeo bông tai hay quấn khăn rằn”.

Theo lý giải của Konstam, vào cuối thế kỷ XIX, họa sĩ người Mỹ - Howard Pyle (1853 – 1911) nhận được lời mời vẽ cướp biển cho sách dành cho thiếu nhi. Vì Pyle chưa từng thấy hải tặc nào, nên đã mượn hình ảnh người nông dân Tây Ban Nha và những tên cướp cạn, sáng tạo ra hình ảnh cướp biển.

Trong sáng tạo của Pyle, cướp biển đeo thắt lưng, quấn khăn trùm đầu, mặc cả váy và đeo bông tai. “Có vẻ như, hậu thế đã bị áp đặt bởi hình ảnh cướp biển trong tưởng tượng này của Pyle, tiếp tục tô đậm những nét khác người bình thường”, Konstam giải thích.

Bất kể vì lý do gì, bông tai cũng đã trở thành vật gắn liền với cướp biển. Dù là bây giờ hay sau này, thế giới cũng không thể tách rời nó khỏi chúng.

Theo Atlasobscura

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.