Tự chữa táo bón tại nhà, bé trai 4 tuổi nguy kịch

Thấy con trai bị táo bón lâu ngày, gia đình đun nước lá lộc mại lấy nước uống, hậu quả trẻ đi tiểu cả máu đỏ tươi.

Tự chữa táo bón tại nhà, bé trai 4 tuổi nguy kịch

Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Sản Nhi Quảng Ninh vừa tiếp nhận bệnh nhi Phạm Minh T. (4 tuổi, Hải Hà, Quảng Ninh) bị ngộ độc do uống lá lộc mại trị táo bón.

Gia đình bé cho biết, bé T. bị táo bón lâu ngày, đã dùng men tiêu hóa nhưng không khỏi, sau đó nghe theo lời hàng xóm, dùng 4 lá lộc mại để đun lấy nước uống.

Tự chữa táo bón tại nhà, bé trai 4 tuổi nguy kịch-1
Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi T. đã qua cơn nguy kịch.

Tuy  nhiên sau uống nước lá, trẻ xuất hiện đại tiện phân lỏng nhiều lần, kèm nước tiểu màu đỏ sậm, nên gia đình cho nhập viện kiểm tra.

Tại BV, bác sĩ xác định trẻ đái máu đỏ tươi cả bãi, kèm đau bụng âm ỉ, đại tiện phân lỏng nhiều lần, không ăn uống được.

Kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm cho thấy thể trạng trẻ yếu, da xanh, niêm mạc nhợt, chỉ số huyết sắc tố (Hb) xuống rất thấp, ở mức 66 g/l...

Qua hội chẩn chuyên khoa, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị thiếu máu nặng/tan máu cấp, được chỉ định truyền máu cấp cứu và nhập Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tích cực.

Bệnh nhi sau đó được truyền máu, thở oxy, bù dịch điện giải, truyền 250ml máu toàn phần O, tiêm kháng sinh chống bội nhiễm.

Sau 4 ngày nhập viện điều trị tích cực, bệnh nhi được truyền tiếp 3 đơn vị hồng cầu, lợi tiểu. Hiện tình trạng của trẻ đã ổn định, qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục được theo dõi.

Bác sĩ khuyến cáo, lá lộc mại (lá mót) là loại lá rất độc và có thể gây tử vong rất nhanh nếu như ăn và uống với số lượng lớn.

Tự chữa táo bón tại nhà, bé trai 4 tuổi nguy kịch-2
Lá lộc mại được người dân nhiều nơi đun nước uống chữa táo bón.

Đến nay, y văn Việt Nam chưa ghi nhận nghiên cứu về loại cây này. Do có tác dụng nhuận tràng khi dùng liều nhỏ và tác dụng tẩy khi dùng liều lớn, người dân một số nơi thường mách nhau dùng lá này chữa táo bón, kiết lỵ…

Tuy nhiên, nếu dùng với số lượng lớn, lá cây lộc mại có thể gây ngộ độc. Các biểu hiện thường gặp sau khi ăn là nhịp tim nhanh, bệnh nhân mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài lỏng hoặc táo bón. Trẻ có nước tiểu màu đỏ, đái vặt và buốt.

Đa phần các bệnh nhân khi vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng. Trường hợp trẻ đến muộn, bị tan máu quá nhiều không kịp truyền máu có thể tử vong.

Theo Tin tức online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ