Nữ bác sĩ từ chối điều trị ung thư để sinh con: Điều kỳ diệu đã không xảy ra!

Bị ung thư đã di căn, nữ bác sĩ trẻ vẫn chấp nhận từ chối điều trị bệnh với mong muốn tiếp tục thiên chức làm mẹ, sinh thêm cô công chúa thứ 2. Nhưng điều kỳ diệu đã không xảy ra.

Nữ bác sĩ từ chối điều trị ung thư để sinh con: Điều kỳ diệu đã không xảy ra!

Theo thông tin được biết, chị Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai) phát hiện mình bị ung thư hiếm gặp đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 16/11. 

Trước đó, PV Gia Đình Mới đã thông tin, cô bác sĩ tài giỏi Nguyễn Thị Hạnh sinh ra ở một vùng nông thôn tỉnh Ninh Bình, cô bé Hạnh mộc mạc, giản dị như chính mảnh đất mình được sinh ra.

Cô gái nhỏ bé nhưng bằng sự nỗ lực vượt khó phi thường, Hạnh đỗ Đại học Y Hà Nội và tự mở ra cho mình một tương lai xán lạn.

 Chân dung bác sĩ Hạnh

Chân dung bác sĩ Hạnh.

Ngày đỗ đại học, Hạnh khăn gói ra Thủ đô, miệt mài 7 năm trên giảng đường để lấy tấm bằng tốt nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, cô gái Ninh Bình tiếp tục đào tạo bác sĩ nội trú chuyên ngành Nội xương khớp. Với tấm bằng giỏi của lớp bác sĩ nội trú, chị vinh dự được bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận làm việc tại khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai.

Cô gái 18 tuổi năm nào giờ đã trưởng thành về mọi mặt, Hạnh lập gia đình, có hai cô con gái bé bỏng. Nghề nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc, tưởng chừng với tất cả những điều đã có, nữ bác sĩ sẽ được sống một cuộc đời hạnh phúc.

Thế nhưng, số phận lại không mỉm cười với chị, như người ta vẫn nói niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau 1 năm ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú, chị bị thai lưu em bé thứ hai dù đã mang thai con được gần 6 tháng.

Chưa dừng ở đó, “nỗi đau chồng chất nỗi đau” khi mà cùng ngày mất con, chị phát hiện ra mình bị ung thư.

Nếu người ta phát hiện ung thư đã là “cửa tử”, thì với chị nó còn quái ác hơn vì đó là căn bệnh ung thư tuyến vỏ thượng thận – một loại ung thư hiếm gặp không đáp ứng với hoá chất và xạ trị. Tức là, cơ hội điều trị bị thu hẹp hơn rất nhiều.

Chị phẫu thuật trải qua 2 đợt phẫu thuật. Để tránh di căn ra toàn bộ cơ thể cần phải dùng hóa chất. Nhưng chị vẫn muốn làm mẹ thêm lần nữa.

Vậy là, đứng giữa quyết định điều trị hóa chất giảm nhẹ bệnh và thiên chức của mình, chị đã từ chối những lần điều trị, chấp nhận những cơn đau giằng xé để có thêm cô công chúa thứ hai sau này.

Ai cũng cho rằng, cuộc sống chỉ thử thách con người có hạn, nghĩa là với bác sĩ Hạnh, bao nhiêu đó đã đủ cho một đời người. Nhưng điều tồi tệ một lần nữa lại đến với chị, khi một ngày, nữ bác sĩ kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm thì phát hiện ra mình đã bị di căn nhiều nơi trung thất, phổi và ổ bụng với nhiều khối u kích thước rất lớn gần 10 cm.

Cánh cửa cuộc đời lại đóng sập, nhưng chị vẫn mạnh mẽ, vẫn phi thường. Bác sĩ Hạnh đi làm đều đặn, vẫn chăm sóc bệnh nhân chu đáo không một lời than vãn.

Chỉ sau khi hội chẩn quyết định phương pháp điều trị đã rõ ràng, chị Hạnh mới thổn thức với đồng nghiệp: “Anh chị ơi em vẫn chưa cho gia đình biết, em sợ bố mẹ sẽ buồn, em muốn được chăm bố mẹ lúc tuổi già, em phải thế nào với hai đứa con còn quá nhỏ của em đây?”.

Trong căn nhà đã cũ, chỉ tồn tại duy nhất chiếc tivi từ lâu. Chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy, căn nhà ấy chẳng thể đủ vững về kinh tế để "chèo léo" cho căn bệnh hiểm nghèo tàn ác kia. Cuộc chiến đấu của chị, ngày mai hay vài năm nữa, chắc chắn một điều, ngoài sức lực, nó còn cần rất nhiều chi phí phải trang trải.

Hai đứa con thơ vẫn chờ mẹ, cha mẹ già ở quê vẫn ngóng con, mong rằng, cuộc đời an ủi chị, giúp chị sẽ bình an “trở về”.

Thế nhưng, với tin buồn hôm nay, mọi hy vọng đã chấm hết.

Theo Giadinhmoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...