Tự chủ tài chính trong đại học - Đòn bẩy nâng cao chất lượng đào tạo

GD&TĐ - Giáo dục đại học đang nỗ lực hết mình để phát triển hòa nhập với khu vực và thế giới, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, đặc biệt trong đó là tự chủ tài chính là điều cần thiết.

Tự chủ tài chính trong đại học - Đòn bẩy nâng cao chất lượng đào tạo

Điều này sẽ giúp các trường sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, thích ứng nhanh và kịp thời với những yêu cầu mới như xây dựng nội dung chương trình, trang thiết bị phục vụ đào tạo cho đến việc quy hoạch, tuyển dụng và sử dụng huy động nguồn nhân lực, chất xám sao cho các hoạt động học thuật, đào tạo và đặc biệt là nghiên cứu khoa học cho hiệu quả.

Đòn bẩy cho chất lượng

Tự chủ tài chính trong giáo dục đại học không còn là điều mới mẻ. Từ năm 2005, Bộ GD&ĐT đã giao thí điểm tự chủ tài chính cho 5 trường đại học công lập. Theo đó, các trường này phải tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên như một doanh nghiệp Nhà nước và có thể tự xây dựng định mức chi cao hơn quy định Nhà nước.

Tuy nhiên, nguồn thu học phí hệ chính quy vẫn phải tuân theo các định mức khung theo Quyết định 70 và Nghị định 49. Theo ý kiến của một số trường, điều này khiến các trường phần nào bị bó buộc khi ở đây, trường học khác với doanh nghiệp là khi được giao tự chủ thì Nhà nước không khống chế nguồn thu, chỉ kiểm soát việc chi đối với doanh nghiệp; còn đối với trường đại học thì tuy được giao tự chủ nhưng Nhà nước lại khống chế mức thu.

Có một nghịch lý đang diễn ra ở một số trường công lập là do bị khống chế trần học phí quá thấp, nên học phí thu được trên đầu sinh viên không đủ đáp ứng các điều kiện đảm bảo các điều kiện đào tạo khiến các trường công lập phải tận dụng mọi phương cách để tăng nguồn thu, từ việc mở rộng hệ tại chức đến các chương trình liên kết nước ngoài, chương trình chất lượng cao. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Đã có không ít ý kiến về việc để đảm bảo chất lượng đào tạo theo yêu cầu thì việc nâng mức học phí sao cho bù đắp chi phí đào tạo đại học là điều cần phải tính đến. Thực tế đây là điều nên làm vì ngân sách Nhà nước không chỉ không thể bao cấp đủ, hơn nữa đây còn là bất hợp lý mà chúng ta đang thực hiện khi bao cấp dàn trải cho tất cả sinh viên.

Điều mà các nước tiên tiến cũng không làm vậy, mà họ chỉ hỗ trợ tín dụng, còn người học sẽ phải có trách nhiệm trả nợ khi tốt nghiệp. Tuy nhiên cũng còn có những quan ngại về việc những con em gia đình nghèo, học giỏi sẽ khó khăn trong chi trả.

Về việc này, theo nhiều chuyên gia tuyển sinh thì đối tượng này nên đưa vào diện hỗ trợ chi trả từ ngân sách Nhà nước theo diện thu hút nhân tài, sinh viên vùng dân tộc đối tượng chính sách cũng có chính sách hỗ trợ riêng, còn với các đối tượng khác thì nên thực hiện theo cơ chế thị trường.

Học phí gắn liền chất lượng và trách nhiệm

Hiện nay, Chính phủ đã cho phép một số trường đại học công lập tự chủ thu học phí cao hơn so với Nghị định 49/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên không phải không có những ý kiến phản hồi về việc học phí thu cao hơn nhưng các trường chưa có đổi thay gì để nâng cao chất lượng đào tạo như mục đích đặt ra.

Có không ít ý kiến từ sinh viên, phụ huynh phàn nàn về việc học phí tăng nhưng các điều kiện đào tạo không được cải thiện. Đây là một thực tế mà các trường phải nhìn nhận vì giờ đây giám sát hoạt động của các trường không chỉ là cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn là chính những người đi học, những sinh viên của các trường đó.

Thế nên, bên cạnh việc được giao quyền tự chủ tài chính, hay nâng mức thu học phí thì các trường này cũng cần xây dựng những tiêu chí đào tạo chất lượng cao phù hợp. Nhà trường phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo và công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính. Cùng với đó là việc các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi cho người học.

Theo TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: Tự chủ tài chính, tự chủ về mức thu học phí cho các trường đại học công lập là điều nên làm sớm, vì nếu không thì trong một môi trường cạnh tranh, các trường bị gò bó về các điều kiện tài chính sẽ không có những quyết sách kịp thời.

Để việc điều hành các hoạt động đạt hiệu quả cao nhất thì Nhà nước nên giao toàn quyền tự chủ tài chính cho các trường vì tất cả đều liên quan đến tài chính, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đứng với cương vị giám sát, nếu thấy trường nào có biểu hiện sai thì “tuýt còi”.

Thêm nữa, điều hành hoạt động ở trường đại học còn có Hội đồng trường, khi tổ chức này thể hiện quyền lực và trách nhiệm của mình, sẽ giám sát phê duyệt tham gia quản trị thu chi sử dụng, thì chắc chắn các nguồn tài chính cũng như việc sử dụng sẽ đạt được hiệu quả cao và tránh được những quan ngại về thất thoát và sai phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.