Tự chủ tài chính: Chuyển từ “bao cấp” sang cơ chế đặt hàng

GD&TĐ - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” về tự chủ đại học; trong đó có nội dung về tài chính. Từ góc nhìn của chuyên gia và qua nghiên cứu của một số nước, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục gợi ý, cần tăng quyền tự chủ cho các trường đại học và chuyển từ cơ chế “bao cấp” sang cơ chế “đặt hàng”.

Tự chủ tài chính:  Chuyển từ  “bao cấp” sang cơ chế đặt hàng

Kinh nghiệm quốc tế

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết: Trong 40 năm qua, giáo dục đại học ở Vương quốc Anh đã chuyển từ một hệ thống được tài trợ công sang một hệ thống công/tư hỗn hợp, như một thị trường tiêu dùng dựa trên vốn vay, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng chi phí bao gồm: Cả sinh viên tốt nghiệp và trường đại học. Tuy nhiên, tài chính giáo dục đại học Anh vẫn phải chịu sự kiểm soát mạnh mẽ của chính phủ. Điều này một phần được thực hiện gián tiếp thông qua các đánh giá so sánh về hiệu suất thể chế giúp phân biệt các trường đại học công, xác định các mục tiêu chung và một hệ thống phân cấp dựa trên hiệu suất đo được.

“Các trường đại học vẫn phụ thuộc một phần vào nguồn ngân sách của Chính phủ dưới hình thức hỗ trợ liên quan đến nghiên cứu, trợ cấp giảng dạy và trợ cấp của hệ thống cho vay thông qua việc không trả nợ” - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết, đồng thời dẫn giải: Theo nghiên cứu của Simon Marginson (Simon M, 2018) về tài chính giáo dục đại học Anh, năm 2012 có tài trợ tối đa £ 9.000 cho sinh viên toàn thời gian và £ 6.750 cho sinh viên bán thời gian tại Anh.

Sinh viên bán thời gian bắt đầu trả nợ bốn năm sau khi bắt đầu khóa học của họ. Sau 15 năm giảm ngân sách cho sinh viên, tổng kinh phí toàn hệ thống tăng 50% trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2015 và mỗi nguồn tài trợ sinh viên cũng tăng. Thông qua các đánh giá nghiên cứu quốc gia định kỳ của Chính phủ, các trường đại học nghiên cứu được hưởng lợi nhiều nhất từ kinh phí được phân bổ.

Còn tại Nhật Bản, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết: Những thay đổi đã xảy ra trong các cơ chế tài chính của Nhật Bản trong những thập kỷ qua là rõ ràng và đáng kể. Trước hết, xu hướng thị trường hóa giáo dục đại học có ý nghĩa không chỉ đối với các tổ chức tư nhân phản ứng nhanh hơn với thị trường, mà còn cả với các trường đại học công lập. Xu hướng chung là giảm tài trợ công cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đại học công lập quốc gia và địa phương, tăng tỷ trọng tài trợ cạnh tranh ở cấp quốc gia. Từ đó khuyến khích các tổ chức cá nhân đa dạng hóa các kênh tạo doanh thu và kích thích sự cộng tác và hợp tác của chính quyền, thị trường lao động của các ngành công nghiệp và trường đại học...

Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, mặc dù xu hướng thị trường hóa gần giống như ở nhiều nước OECD khác, nhưng chính quyền trung ương ở Nhật Bản vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ và duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Các chính sách và chiến lược cải cách, các dự án hoặc chương trình quốc gia, đặc biệt là sử dụng các ràng buộc và ưu đãi tài chính. Trong thực tế, Chính phủ đã thay đổi mối quan hệ của mình với các trường đại học, cao đẳng và gây ảnh hưởng theo các hình thức mới. Trong đó, các ràng buộc về tài chính và ưu đãi thường được xem là đặc biệt hiệu quả.

Những thay đổi về cơ chế tài chính giáo dục đại học Nhật Bản có thể được coi là phản ứng của cả Chính phủ và các tổ chức cá nhân để đối phó với những thách thức trong một kỷ nguyên mới của giáo dục đại học. Trong đó, các trường đại học công lập quốc gia và địa phương, chính quyền trung ương dường như đóng vai trò quyết định hơn trong việc khởi xướng và kích thích những thay đổi này.

Cuối cùng, tầm quan trọng của chi tiêu công, đặc biệt là tài trợ từ chính quyền trung ương, đến hoạt động, mở rộng quy mô và đảm bảo chất lượng của tất cả các lĩnh vực và loại hình tổ chức giáo dục đại học không thể được đánh giá quá cao. Các vai trò rõ ràng và mạnh mẽ của chính quyền trung ương về quy mô của từng ngành và loại hình tổ chức giáo dục đại học, khuôn khổ đảm bảo chất lượng và sắp xếp quản trị ở cấp độ thể chế có thể được coi là một trong những đặc điểm nổi bật nhất các cơ chế tài chính của Nhật Bản so với nhiều nước phương Tây.

Thay đổi cơ chế, tăng quyền tự chủ

“Cần xếp loại cơ sở giáo dục đại học công lập dựa trên các tiêu chí phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng quy định. Việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước được tính toán dựa trên hạng trường và các ngành nghề trường đào tạo, có liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên hay không”. PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền

“Cần xếp loại cơ sở giáo dục đại học công lập dựa trên các tiêu chí phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng quy định. Việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước được tính toán dựa trên hạng trường và các ngành nghề trường đào tạo, có liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên hay không”.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền 

Xuất phát từ các vấn đề của quản lý tài chính trường học, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, ở Việt Nam cần thay đổi căn bản cơ chế, chính sách và quản trị tài chính của các trường đại học công lập theo hướng tự chủ như trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một đó điều của Luật Giáo dục đại học đã đề cập.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền đề xuất: Thứ nhất cần thay đổi cơ chế đầu tư cho giáo dục, từ chủ yếu ngân sách Nhà nước cấp cho các trường sang đa dạng hóa nguồn thu cho các trường song Nhà nước vẫn kiểm soát chặt chẽ về tài chính đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Chúng ta có thể tham khảo từ mô hình Nhật Bản.

Thứ hai, ngân sách Nhà nước chủ phân bổ cho các ngành ưu tiên theo cơ chế đặt hàng, có tài trợ có hợp đồng. Theo đó, cần phân bổ kinh phí chi thường xuyên đảm bảo chi phí đơn vị tối thiểu cho các ngành/chuyên ngành theo hình thức lập và giao dự toán dựa trên chương trình, dự án hoặc kế hoạch của Nhà nước và định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đào tạo do Nhà nước quy định cho các ngành ưu tiên.

Thứ ba, xếp loại cơ sở giáo dục đại học công lập theo tiêu chí phân biệt điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Cụ thể, Nhà nước cần quy định về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo các tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện nghiêm túc kiểm định chất lượng tất cả các trường đại học. Trường đại học nào không thực hiện kiểm định thì không được cấp ngân sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ