Tự chủ đại học: Trông người, ngẫm ta

GD&TĐ - Chuyến đi học tập kinh nghiệm về quản trị và tự chủ ĐH tại Australia. Các thành viên đã tổng hợp lại những ghi nhận, phân tích sau chuyến đi, từ đó đưa ra một số bài học áp dụng cho đơn vị mình quản lý cũng như các trường ĐH tự chủ tại Việt Nam.

Các chuyên gia Việt Nam tìm hiểu kinh nghiệm của Australia về quản trị và quản lý chất lượng giáo dục đại học – trụ sở Bộ GD-ĐT Liên bang Australia
Các chuyên gia Việt Nam tìm hiểu kinh nghiệm của Australia về quản trị và quản lý chất lượng giáo dục đại học – trụ sở Bộ GD-ĐT Liên bang Australia

“Nút thắt” Hội đồng trường Việt Nam

Dưới góc độ nhìn nhận của một trường ĐH tự chủ, nhóm chuyên gia thấy rằng vai trò của Bộ GD - ĐT Australia là xây dựng và ban hành các chính sách về khung trình độ quốc gia; các khung văn bằng chứng chỉ; các chính sách đảm bảo chất lượng; các chính sách về phát triển GD, thu hút sinh viên quốc tế, hỗ trợ cho người học. Đặc biệt, Bộ GD - ĐT Australia không can thiệp vào hoạt động của các trường, không trực tiếp cấp kinh phí cho các trường ĐH. Các cơ quan khác ở Australia liên quan đến GD ĐH đều có vai trò, nhiệm vụ rõ ràng.

Vấn đề mấu chốt nhất trong quản trị ĐH là ở Hội đồng trường. Hội đồng trường ở Australia có quyền xây dựng chiến lược phát triển nhà trường; quyết định hiệu trưởng; phê duyệt kế hoạch tài chính; các giải pháp về quản lý rủi ro của nhà trường; mở ngành và các giải pháp nâng cao chất lượng; phê duyệt tiêu chuẩn chất lượng của nhà trường.

Cơ cấu tổ chức của Hội đồng trường ĐH tại Australia không nhiều như Việt Nam mà chỉ có 15 người và khác về cấu trúc. Trong trường có 7 thành viên gồm hiệu trưởng, 4 cán bộ giảng dạy do cán bộ giảng dạy bầu nhiệm kỳ 2 năm, 2 SV do SV bầu nhiệm kỳ 1 năm (ở Việt Nam nhiệm kỳ đều là 5 năm). Ngoài trường có 8 thành viên gồm Chủ tịch Hội đồng trường và 7 thành viên ngoài trường nhiệm kỳ 4 năm. Nhiệm kỳ các thành viên không nhất thiết trùng nhau. Hội đồng trường họp tối thiểu 6 lần/năm.

PGS Trần Văn Điền cho biết, Hội đồng trường ở Australia không hưởng lương mà hoạt động tự nguyện với uy tín và danh dự của mình. Tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường có quyền hạn và chế độ như một hiệu trưởng, sử dụng nguồn kinh phí của nhà trường để chi cho việc này. Khi nhận nguồn kinh phí từ hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường sẽ khó khăn trong việc ra các phán quyết. Đây đang là “nút thắt” cho vai trò Hội đồng trường trong tự chủ ĐH ở Việt Nam hiện nay.

Chúng tôi đề xuất các trường được tự chủ trong việc công nhận và phong các chức danh học hàm GS, PGS. Hiện Việt Nam có Hội đồng cấp quốc gia công nhận GS, PGS, sau đó trường bổ nhiệm. Câu chuyện này đang có mâu thuẫn, trên công nhận nhưng về trường lại không công nhận, không bổ nhiệm. 

PGS Trần Văn Điền –

Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên)

Hội đồng trường tại Australia có một hoạt động rất quan trọng là quản lý các rủi ro của nhà trường, trả lời các câu hỏi: Uy tín nhà trường hiện thế nào? Nguồn tài chính có đảm bảo bền vững? Quản trị nhà trường có hiệu quả không? Chất lượng giảng dạy, chất lượng cơ sở hạ tầng – đặc biệt về hạ tầng CNTT có đảm bảo? Đầu ra đào tạo có phù hợp với nhu cầu xã hội? Nguồn tuyển sinh giảm hay tăng? Triển khai các dự án lớn như thế nào?

Nhóm chuyên gia tổng kết: Cơ cấu của Hội đồng trường theo hướng tự chủ của Australia như sau: Hội đồng trường lựa chọn và quyết định hiệu trưởng, phần lớn hiệu trưởng là người ngoài trường. Trường quản lý theo 3 cấp: ĐH, khoa hoặc trường trực thuộc và bộ môn. Kế hoạch tài chính được xây dựng đến tận khoa và bộ môn trên cơ sở cân đối nguồn. Các trường ĐH được tự chủ hoàn toàn các mặt hoạt động về cơ cấu tổ chức, nhân sự; học thuật; tuyển sinh; tài chính.

Một số bài học áp dụng cho nhóm trường tự chủ

Đại diện nhóm chuyên gia, PGS Trần Văn Điền cho rằng, việc đầu tiên các trường ĐH tự chủ cần làm là củng cố lại năng lực của Hội đồng trường, mời Chủ tịch Hội đồng trường là người ngoài trường, có uy tín, không giới hạn tuổi lao động. Bên cạnh đó, không xây dựng chế độ bồi dưỡng cho Hội đồng trường mà hoạt động với uy tín và danh dự của các cá nhân, đóng góp cho nhà trường.

Theo nhóm nghiên cứu, các trường ĐH chỉ nên tổ chức theo 3 cấp quản lý: Trường ĐH, khoa hoặc trường trực thuộc và bộ môn. Những trường đang có 4 cấp quản lý thì nghiên cứu để trở thành 3 cấp để khẳng định với các ĐH vùng, ĐH quốc gia, cấp tự chủ là cấp nào, nếu không sẽ dẫn tới mâu thuẫn của 2 nhóm hội đồng. Đặc biệt, các trường tự chủ ở Australia vẫn được cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động, nhà trường được tự chủ trong việc sử dụng các nguồn thu. Trong khi đó, ở Việt Nam đưa ra khái niệm tự chủ, phương án đầu tiên là tự chủ tài chính.

Hiện các trường ĐH Australia xác định mức độ tự chủ không căn cứ vào mức độ tự chủ tài chính mà căn cứ vào khả năng đảm bảo chuẩn quốc gia của cơ sở GD ĐH, đạt chuẩn của chương trình kiểm định... Ở Việt Nam đang căn cứ quá nhiều vào chuẩn tài chính, vô tình khiến “đầu óc” của một cơ sở GD ĐH chỉ xoay chuyển quanh vấn đề làm sao để hoạt động có thu nhập, tăng nguồn thu nhà trường. Cần xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cụ thể công khai hỗ trợ quản lý hoạt động tự chủ của trường ĐH. Đã là trường công nên có chính sách áp dụng chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ