Mắt xích quan trọng trong tự chủ đại học

GD&TĐ - Hội đồng trường được xem là một mắt xích quan trọng trong quản trị đại học, là một kênh giám sát quan trọng trong thực hiện quyền tự chủ của các trường ĐH. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có những điều chỉnh để có thể phát huy vai trò của Hội đồng trường cả trong hoạch định chiến lược phát triển, huy động tài chính, giám sát hay phản biện…

Xây dựng mô hình tự chủ bền vững sẽ giúp nhà trường phát triển đúng hướng. Ảnh: Q.Trung
Xây dựng mô hình tự chủ bền vững sẽ giúp nhà trường phát triển đúng hướng. Ảnh: Q.Trung

Từ quyết nghị đến quyết định

TS Nguyễn Sanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược – ĐH Huế thẳng thắn đặt vấn đề: “Nếu chủ tịch Hội đồng trường không tham gia bất cứ chức danh quản lý gì, cũng không phải là Bí thư Đảng ủy thì nói ai nghe? Tôi vừa là chủ tịch Hội đồng trường vừa là Bí thư Đảng ủy nhưng tôi nói có những cái không có ai nghe; phó khoa, trưởng khoa không thực hiện, vì tôi có phải là Ban giám hiệu đâu, tôi chỉ ra nghị quyết thôi. Trên thực tế, hiệu trưởng là người đứng đầu, đại diện pháp luật của nhà trường, là chủ tài khoản.

Trong đánh giá cán bộ công chức cuối năm, hiệu trưởng đánh giá chủ tịch Hội đồng trường trong khi Hội đồng trường phải đánh giá hiệu trưởng vì hiệu trưởng nằm trong nhiệm kỳ của Hội đồng trường, thậm chí là nhiệm kỳ ngắn hơn”. Cũng có ý kiến cho rằng, chủ tịch Hội đồng trường rất khó làm rõ vai trò của mình, vì thực tế phần lớn hiệu trưởng là Bí thư Đảng ủy trường, điều này làm cho vai trò của chủ tịch Hội đồng trường bị mờ nhạt. Vì thế, cơ cấu chủ tịch Hội đồng trường là Bí thư Đảng ủy và hiệu trưởng không phải là Bí thư Đảng ủy là thích hợp.

GS.TS KH Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, vai trò của Hội đồng trường và chủ tịch Hội đồng trường đã được làm rõ và khác rất nhiều so với trước. Chủ tịch Hội đồng trường quyết định rất nhiều thứ chứ không chỉ là quyết nghị như hồi xưa nữa”.

Hội đồng trường có thực quyền hơn khi được quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, các chức danh quản lý...; quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; quyết định chính sách học phí; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường. Hiệu trưởng trường ĐH công lập do hội đồng trường quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận... Đặc biệt, Luật này quy định nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng trường.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Như vậy, quy định của luật cũ trước đây là hiệu trưởng trường ĐH chỉ được giữ chức vụ này tối đa hai nhiệm kỳ đã bị bãi bỏ. Từ đây, GS.TSKH Bùi Văn Ga đặt vấn đề: “Quyền phải gắn liền với trách nhiệm. Vậy Hội đồng trường chịu trách nhiệm kiểu gì và chịu trách nhiệm tới đâu? Ví dụ quyết định đầu tư, nhân sự nếu sai chịu trách nhiệm đến đâu? Những điều này phải được làm rõ trong Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”.

Cơ cấu thành phần tham gia Hội đồng trường

Theo ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì Hội đồng trường ngoài vai trò giám sát, thông qua chiến lược phát triển của trường, còn tham gia vào việc “kéo” tài chính về cho nhà trường. Thế nên, nếu trong Hội đồng trường có thành phần ngoài trường tham gia thì sẽ khách quan hơn trong đánh giá.

Trong một lần trao đổi với lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ, Hội đồng trường của các trường ĐH ở nước ngoài, rất ít người làm công tác khoa học tham gia. Nguồn thu, ngân sách, tài sản hay định hướng phát triển của trường được những người nắm giữ vai trò thành viên hội đồng quyết định. Người quản trị trực tiếp sẽ tìm kiếm nguồn thu cho trường, tài sản của trường được mọi thành viên hội đồng gìn giữ, phát triển.

Theo TS Đặng Đức Long, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng), Hội đồng trường cần tự đánh giá hàng năm về hiệu quả của mình trong việc đáp ứng các mục tiêu chiến lược và các biện pháp thực hiện liên quan, và sự đóng góp của Hội đồng trường cho thành công của trường ĐH. Hội đồng trường ĐH cần kiểm chuẩn hiệu quả và các quy trình của mình so với các trường ĐH tương đương khác và các tổ chức có liên quan bên ngoài lĩnh vực giáo dục đại học.

Hiện nay, nhiều Hội đồng trường của các trường ĐH đã đảm bảo thành viên ngoài trường ĐH chiếm tỉ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của Hội đồng trường. Như Hội đồng trường ĐH Y Dược, ĐH Huế, có 4 ủy viên là người ngoài trường, bao gồm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên – Huế và một ủy viên đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế. Điều này sẽ tránh được nguy cơ Hội đồng trường hoạt động trong một môi trường khép kín và góp phần khuyến khích sự phát triển cũng như lối tư duy mở theo hướng tự chủ.

Trong khi đó, Hội đồng trường của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chỉ có 2 ủy viên là người ngoài trường, bao gồm 2 phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam – 2 địa phương có đông SV theo học tại trường và không có sự tham gia của doanh nghiệp.

Có một tâm lý chung, như ông Phan Thanh Bình đề cập, là nếu “trong Hội đồng trường có thành phần ngoài trường tham gia thì sẽ khách quan hơn trong đánh giá. Nhưng nếu mời doanh nghiệp tham gia, thì có một tâm lý là tiếng nói của đại diện doanh nghiệp phải có hiệu quả thì người ta mới tham gia. Trong khi trên thực tế, quá đông các vị trí chủ chốt của chính quyền tham gia vào Hội đồng trường thì ở ngoài sao vào được; đặt tình huống khi biểu quyết thì người ngoài chỉ là thiểu số, cũng gần như không thay đổi được gì”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.