Tự chủ đã khiến các trường đại học Việt Nam sáng tạo ra tri thức

GD&TĐ - Sứ mệnh quan trọng nhất của trường đại học là sáng tạo ra tri thức. Muốn vậy, trường đại học phải có quyền tự do học thuật, tự chủ về chuyên môn, khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường.

Cán bộ, sinh viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên-ĐHQG TPHCM trong một giờ thực hành
Cán bộ, sinh viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên-ĐHQG TPHCM trong một giờ thực hành

Sau 5 năm quyết liệt đổi mới và mở rộng cơ chế tự chủ trong các trường đại học, hệ thống giáo dục đại học đã ghi nhận những chuyển biến đậm nét.

Tự chủ giúp nâng tầm hệ thống GDĐH Việt Nam

Nhìn nhận từ nhiều khía cạnh, TS Trần Đình Lý- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết bước đầu cơ chế tự chủ đại học đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực mà quan trọng nhất là đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường thí điểm.

Từ năm 2015, cả nước có 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, sau 5 năm hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam.

“Giai đoạn đầu của tiến trình tự chủ không ít trường còn gặp khó khăn. Nhưng bằng sự tháo gỡ một cách quyết liệt từ Bộ GD&ĐT, nhất là khi Luật GDĐH sửa đổi đi vào cuộc sống, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH ngày càng hoàn thiện, đã tạo cơ sở pháp lý cho GDĐH phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Đáng ghi nhận nhất chính là việc chất lượng đào tạo của các trường theo cơ chế tự chủ được nâng lên rõ rệt. Minh chứng cho điều đó là các trường đã mạnh dạn tham gia kiểm định và xếp hạng đánh giá ở các tổ chức xếp hạng trong và ngoài nước. Đặc biệt hơn, từ việc được ‘cởi trói” toàn diện về mặt cơ chế quản trị đã giúp các trường tự tin nâng chuẩn đầu ra từng ngành nghề đào tạo, đẩy mạnh kiểm định chất lượng đào tạo ngành, cơ sở giáo dục… từ đó tham gia và hội nhập sâu hơn với giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới”- TS Lý nói.

Thực tế, từ khi tổng kết 2 năm giai đoạn thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ (2015-2017) các vướng mắc trong tiến trình tự chủ của các trường đã được gỡ bỏ rất nhiều. Ngoài việc chủ động về tài chính, nhân sự, tuyển sinh và mở ngành, các trường theo đuổi cơ chế tự chủ cũng dần hình thành cho mình một không gian học thuật, NCKH tiện cận với các chuẩn mực khu vực và quốc tế.

Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), với cơ chế thí điểm tự chủ, Trường không chỉ đổi mới toàn diện chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, mà còn dần có chỗ đứng về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực  trên bản đồ khu vực và thế giới. Hiện nay trường đạt chuẩn kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA, FIBAA, thuộc Top 600 trường tốt nhất Châu Á (theo bảng xếp hạng của QS) và là một trong số các trường đại học VIệt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất.

Không chỉ khối các trường công lập, nhiều trường tư thục cũng tham gia sâu vào công tác kiểm định chất lượng ngành nghề đào tạo, cơ sở giáo dục ở nhiều tổ chức kiểm định uy tín trên thế giới như ĐH Nguyễn Tất Thành, HUTECH, ĐH Lạc Hồng… Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trường ngoài công lập đầu tiên đạt chuẩn kiểm định 4 sao của tổ chức QS Anh quốc, Top 12 đại học Việt Nam tại bảng xếp hạng thế giới URAP 2020, 5 chương trình đạt chuẩn AUN-QA…

Sinh viên với công tác NCKH
Sinh viên với công tác NCKH

Gia nhập bảng xếp hạng thế giới

Theo TS Trần Đình Lý, việc hệ thống GDĐH ngày một theo xu thế tự chủ đã mang đến những thay đổi rất rõ không chỉ về chất lượng đào tạo, hàm lượng công bố khoa học (thông qua số bài báo quốc tế) trong toàn hệ thống, mà còn  mang đến sự lột xác thật sự trong cơ chế quản trị nơi nhiều trường.   

“Chính việc thay đổi cơ chế quản trị, định hướng đúng đắn cho từng giai đoạn phát triển của nhà trường trên nền tảng khoa học, hội nhập, kiểm định và xếp hạng đã giúp cho nhiều trường định vị được thương hiệu và chất lượng học thuật với hệ thống các trường đại học trong khu vực và thế giới.  

Cách đây 3-5 năm, không ai dám nghĩ chúng ta có nhiều trường có mặt trong các bảng xếp hạng trong khu vực và quốc tế như hiện nay. Nhưng đến 2019, 2020 với sự tham gia tích cực của các trường tự chủ như Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ĐH Mở TPHCM hay các trường tư thục như Đại học Phenikaa, Đại học Duy Tân… cũng như sự quan tâm nhiều hơn của các đơn vị như ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên… đã giúp cho nhiều đại học của Việt Nam hiện diện trên bảng xếp hạng thế giới”- TS Lý nói.

Thống kê mới nhất từ bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2021 (của QS World University Rankings 2021 – QS WUR 2021) xếp hạng cho 1.002 trường trong tổng số 1.604 cơ sở giáo dục thuộc 93 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, Việt Nam có 2 trường là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM lọt Top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.

“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 cùng với Nghị định 99 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dân thi hành một số điều của Luật này có hiệu lực từ 15/2/2020 đã đánh dấu sự thay đổi và tạo điều kiện về hành lang pháp lý thông thoáng cho các trường đại học có định hướng phát triển mạnh mẽ hơn, được quyền tự quyết định nhiều hơn.

Từ thực tế thực hiện từ thí điểm đến nhân rộng như hiện nay cho thấy, tự chủ đại học mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Điều này đòi hỏi các trường đại học phải nỗ lực, thay đổi để đạt được các mục tiêu đặt ra, ngày càng phát triển. Khi đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, được nhiều người học, đối tác trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ… biết đến và lựa chọn thì vấn đề tài chính sẽ được giải quyết”, TS Trần Đình Lý khẳng định.

Còn thống kê của bảng xếp hạng uy tín của Times Higher Education (THE) công bố top 500 trường đại học hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi năm 2020, Việt Nam có 3 trường đại học được xếp hạng. Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 201-250; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 251-300; tiếp theo là Đại học Quốc gia TPHCM thuộc nhóm 401-500.  Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn được xếp top 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng các đại học có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2020 (THE Impact Rankings).

Đây rõ ràng là những chuyển động mang tín hiệu đầy tích cực cho một chặng đường 6 năm mà ngành giáo dục nói chung, hệ thống GDĐH Việt Nam nói riêng miệt mài theo đuổi. Theo TS Trần Đình Lý, hiện nay, phần lớn các trường đại học theo cơ chế thí điểm tự chủ được nhìn nhận ở 4 khía cạnh: chương trình đào tạo, nhân sự, học thuật và tài chính. Khi được tự chủ, nhà trường tự cân đối nguồn lực về con người, tài chính và vật chất để thực hiện việc đổi mới chương trình đào tạo, thúc đẩy công tác NCKH cũng như xây dựng văn hóa và môi trường học thuật, nghiên cứu.

"Về tự chủ đại học theo Luật giáo dục đại học, sẽ triển khai một cách gấp rút nhưng phải căn cơ, tránh trường hợp có những đổ vỡ, rối loạn. Một trong những nội dung tôi đặc biệt quan tâm là hội đồng trường, làm sao để hội đồng trường chuyển đổi từ không thực quyền sang thực quyền. 

Tâm điểm nữa của tự chủ đại học là phải nâng chất lượng đội ngũ, tăng cường quản lý chất lượng, chú trọng kiểm định chương trình, chuẩn đầu ra, siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, sửa các quy chế đào tạo, tạo điều kiện tự chủ cho các trường nhưng các trường phải đảm bảo chất lượng, nghĩa là tăng tự chủ nhưng cũng phải đi cùng với tăng trách nhiệm giải trình" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.