Tự chủ cần chi tiết hơn với từng cấp học

GD&TĐ - Tự chủ đã và đang trở thành nền tảng và động lực để xây dựng và phát triển nền giáo dục hướng đến hội nhập. Nhằm hoàn thiện hơn nữa các chính sách về Luật, Trường ĐH Luật TPHCM mới đây tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia góp ý các quy định về tự chủ và quản lý Nhà nước trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, việc thể chế hóa các quy định trong Luật về tự chủ trong nhà trường là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

TS Phạm Thị Ly - thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhìn nhận, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này có nhiều điểm tích cực và tiến bộ, quan trọng nhất là thừa nhận sự đa dạng trong hệ thống giáo dục (chẳng hạn như điều 14, điều 16). Tuy nhiên, vấn đề cần bàn là tư tưởng đó có thể hiện nhất quán trong quy định của Luật hay không.

“Tôi thấy mặc dù thừa nhận sự đa dạng nhưng hình như chưa đủ để thay đổi thực tế. Có những thực tế nếu chỉ dừng lại ở các quy định trong luật như hiện nay thì sẽ không giải quyết được. Chẳng hạn như vấn đề thu nhập giáo viên đã tồn tại lâu nay, hay như vấn đề tự chủ và quyền tự chủ của nhà trường. Thực tế mà nói mức độ tự chủ của các trường vẫn còn đang giới hạn nên Luật sửa đổi đặt ra vấn đề này rất đúng. Vì trước đây chỉ nói tự chủ đại học nhưng không nhắc gì tới phổ thông vì đặc thù của cấp học này.

Trong bối cảnh Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành với tinh thần trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục trong việc không chỉ lựa chọn sách giáo khoa, mà còn các phương pháp tiếp cận, nội dung thực hiện. Do đó, quyền tự chủ của các trường cần phải được khẳng định rõ hơn để các trường thực hiện được chủ trương của chương trình giáo dục tổng thể này” - TS Ly khẳng định.

Ngoài các kiến nghị, đóng góp về việc xây dựng cơ chế tự chủ, dân chủ trong nhà trường, nhiều đại biểu còn mong muốn Luật Giáo dục (sửa đổi) bổ sung thêm các quy định, khái niệm chi tiết hơn về hội đồng trường, về ban đại diện cha mẹ học sinh, tuyển dụng giáo viên trong các trường học bậc phổ thông, cũng như bổ sung thêm tinh thần khai phóng, tinh thần tự do học thuật… 

Cũng có chung góc nhìn giống TS Phạm Thị Ly, ThS Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, Chương trình Giáo dục phổ thông mới đòi hỏi điều kiện nhà trường phải được tự chủ về chuyên môn, tài chính và nhân sự. Hiện nay các trường mầm non cho đến THPT mới chỉ tự chủ về chuyên môn, còn về nhân sự và tài chính thì vẫn bị “trói buộc”. Điều này cần được sớm tháo gỡ và quy định rõ trong luật để các trường không lúng túng.

PGS. TS Nguyễn Văn Vân - nguyên trưởng Khoa Luật Thương mại Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng không nên cào bằng khái niệm tự chủ trong Luật cho mọi cấp học. Vì nếu thực hiện Luật như thế sẽ rất khó thực thi trong thực tế bởi mỗi cấp học có đặc thù riêng khác nhau.

“Tôi thấy chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa tự chủ với tự tìm nguồn thu. Ở giáo dục phổ thông chỉ dừng lại ở mức phân phối và kiểm soát nguồn thu. Giáo dục phổ thông phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước vì hưởng ngân sách của Nhà nước. Không nên đánh tráo khái niệm tự chủ, mà hiệu trưởng các trường phổ thông phải tự đi tìm nguồn thu… Luật phải quy định rõ việc này, nếu không sẽ hiểu lệch lạc khái niệm tự chủ và xã hội hóa giáo dục” - PGS.TS Nguyễn Văn Vân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.