Tiếng nói từ con số

GD&TĐ - Hơn 800.000 góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đó là con số biết nói. Điều đó cho thấy, giáo dục đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của xã hội; và ngành Giáo dục cũng chủ động, tích cực xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Luật này.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Hiếm có dự thảo luật nào như dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trước khi được thông qua lại được thảo luận kỹ tại 3 kỳ họp của Quốc hội như thế. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được thảo luận sôi nổi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Và cũng hiếm có luật nào lại được xin ý kiến rộng rãi nhân dân đến thế: Từ các tầng lớp nhân sĩ, tri thức, chuyên gia, các bộ ngành, chính quyền, đoàn thể… cho đến phụ huynh, HSSV, giáo viên và quần chúng nhân dân.

Không chỉ là nhân sĩ, tri thức, chuyên gia… mà rất nhiều phụ huynh, học sinh hân hoan khi được tham gia đóng góp ý kiến của mình vào một dự án luật lớn như dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây cũng là lần đầu tiên học sinh được tham gia xây dựng chính sách mà đối tượng thụ hưởng chính là các em.

Suốt 1 tháng nay, bất kể buổi tối hay thứ 7, Chủ nhật, liên tục hầu như ngày nào cũng có các hội nghị, hội thảo hoặc tọa đàm góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Các hoạt động này diễn ra sâu rộng từ Bắc tới Nam. Điều đó cho thấy, tinh thần cầu thị, lắng nghe và sẵn sàng tiếp thu của Bộ GD&ĐT để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua. Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ mong muốn phát huy được sức mạnh trí tuệ tập thể và của mọi tầng lớp nhân dân, nhằm xây dựng Luật tốt nhất, thiết thực nhất và khả thi nhất.

Ai cũng biết, việc xây dựng Luật không thể “ngồi trong phòng lạnh” và càng không thể ngồi một chỗ để viết ra chính sách. Do đó, quan điểm của Bộ GD&ĐT là, chính sách phải đi từ thực tiễn của cuộc sống và đóng góp thiết thực cho thực tiễn. Đây là lý do vì sao ngành Giáo dục đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân; đồng thời đánh giá tác động của từng chính sách mới trước khi đưa vào dự thảo Luật.

Nói một cách khác, khi xây dựng Luật phải đi sâu, đi sát vào thực tiễn, để khi Luật được ban hành sẽ đảm bảo tính khả thi. Vì thế, khi xây dựng dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Ban soạn thảo đã xác định: Luật phải đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, thiết thực. Đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật. Mặt khác, tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới GD-ĐT, huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong GD-ĐT.

Có thể nói, Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa là Luật khung, làm nền tảng cho các luật chuyên ngành, vừa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các cấp học khác như: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, nhà giáo và người học. Do vậy, Bộ GD&ĐT rất cầu thị, lắng nghe và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của xã hội, để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét. Và nếu dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được hoàn thiện, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân và đồng bào cử tri cả nước thì dự kiến Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV tới đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.