Giờ G đã điểm nhưng vẫn còn khá nhiều trường chưa đạt chỉ tiêu tuyển sinh như mong muốn.
Không chỉ riêng một số ngành khó, trường đặc thù mà với cả trường đại học đào tạo đa ngành, đa nghề, tỷ lệ sinh viên xác nhận nhập học còn thấp. Đáng chú ý, nhiều thí sinh dù có trong danh sách trúng tuyển của Bộ GD&ĐT nhưng vẫn không chọn nhập học. Tình hình này khiến nhiều trường, cả công lẫn tư, phải sốt ruột lên thông báo xét tuyển bổ sung.
Tỷ lệ nhập học là chỉ số thật nhất ghi nhận sinh viên chọn theo học ở một trường. Thế nhưng trong các mùa tuyển sinh gần đây, có không ít em từ chối nhập học đợt 1. Nhìn trên số liệu trúng tuyển, hầu hết đơn vị đều trong tình trạng đủ chỉ tiêu, nhưng chỉ đến khi gần nhập học, có trường chưa đạt 1/2.
Đáng chú ý, bên cạnh những thí sinh từ chối xác nhận nhập học đợt 1, trước đó, ngay từ khâu đăng ký thi và xét tuyển đại học, nhiều người không chọn đại học làm con đường lập thân, lập nghiệp.
Năm 2023, cả nước có gần 292.000 thí sinh không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, đồng nghĩa từ bỏ cơ hội vào đại học. Trong giai đoạn 2020 - 2023, số thí không đăng ký xét tuyển đại học luôn nằm trong khoảng 1/4 - 1/3 tổng số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp cùng năm.
Có nhiều lý do khiến thí sinh không chọn đăng ký vào đại học hay từ chối xác nhận nhập học như: Thay đổi mục tiêu tương lai, du học, học nghề, xuất khẩu lao động, đi làm ngay hay muốn nhập học vào trường khác bằng nguyện vọng bổ sung... Trong đó đáng chú ý là nhóm lý do liên quan đến yếu tố tài chính.
Một thí sinh vừa từ chối nhập học đợt 1 ở trường đại học tầm trung cho biết học phí, chi phí sinh hoạt khi theo học cao là rào cản chính khiến em quyết định chuyển hướng sang cao đẳng nghề gần nhà.
“Em vẫn đăng ký xét tuyển đại học để chứng minh rằng mình đủ năng lực vào trường mơ ước. Nhưng với học phí, chi phí sinh hoạt một năm trung bình 70 - 80 triệu đồng, gia đình em không kham nổi, nên từ chối nhập học”, thí sinh cho biết.
Từ chối vào đại học để tìm một kênh học tập khác tiết kiệm chi phí hơn, hay vào đời sớm để có thu nhập… là thực tế của nhiều học sinh khó khăn. Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ nhập học thấp chủ yếu rơi vào vùng trung du, miền núi nơi còn nhiều khó khăn.
Thống kê năm 2022, tốp 10 tỉnh thành có tỷ lệ nhập học thấp nhất hầu hết đều rơi vào vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó 6 tỉnh có tỷ lệ nhập học thấp hơn mức bình quân toàn quốc đến 20%. Các tỉnh thành có truyền thống xuất khẩu lao động như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng nằm ở nhóm có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp, dù đây là đất học.
Từ chối đường vào đại học là quyền của người trẻ và đó cũng là chuyện bình thường vì mỗi người có lựa chọn khác nhau. Thế nhưng khi sự từ chối đó là việc “đặng chẳng đừng”, có liên quan đến điều kiện kinh tế để theo học đại học cho thấy đã đến lúc chính sách tài chính đại học cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Thực tế tự chủ đại học đã kéo theo học phí tăng cao, đang đẩy gánh nặng về phía người dân. Nếu không tăng học phí, các trường đại học lại oằn mình trước chi phí và bài toán đầu tư phát triển, bởi trăm sự đều trông vào học phí. Vì thế, cần sớm có giải pháp đồng bộ, để những thách thức trong tự chủ đại học không giới hạn cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh khó khăn.