Từ chối đăng kiểm đối với chủ phương tiện do chưa nộp phạt là trái luật

GD&TĐ - Thời gian qua, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đương bộ với hình thức dùng camera ghi hình xe đậu, dừng sai quy định, cũng như ghi hình xe chạy quá tốc độ và tiến hành xử phạt nguội phổ biến tại các thành phố lớn; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông xử lý các hành vi vi phạm, giảm tiêu cực phát sinh và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông…

Từ chối đăng kiểm đối với chủ phương tiện do chưa nộp phạt là trái luật

Tuy nhiên, việc xử phạt này chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, không thể xác định được người có hành vi vi phạm, người vi phạm né tránh, không chấp hành thường xuyên xảy ra hoặc khi mua bán xe ô tô, chủ mới không biết chủ cũ bị xử phạt…nên đã gây ra nhiều rắc rối cho các chủ phương tiện.

Cách làm này dẫn đến nhiều chủ xe ô tô bị cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm xe với lý do chưa chấp hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nguyên nhân chưa nộp phạt có thể là do chính chủ xe ô tô không biết mình bị xử phạt, cố ý không chấp hành nộp phạt hoặc có thể do người khác sử dụng phương tiện vi phạm mà chủ xe ô tô không biết…

Nhưng vấn đề đặt ra là, liệu cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm do chủ xe chưa chấp hành nộp phạt có phù hợp với pháp luật hay không? Có đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đăng kiểm hay không?

Có ý kiến cho rằng, cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm đối với chủ xe chưa chấp hành nộp phạt là cần thiết, để người vi phạm chấp hành quyết định xử phạt một cách nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Tuy nhiên, việc làm trên của cơ quan đăng kiểm là không đúng quy định của pháp luật, chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan đăng kiểm với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông…

Theo quy định, cơ quan đăng kiểm có nhiệm vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy tại địa phương theo các quy định của pháp luật …chứ không có chức năng bắt buộc chủ xe chấp hành quyết định xử phạt hành chính, sau đó mới tiến hành thủ tục đăng kiểm. Do đó, cần thiết phải chấn chỉnh, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền.

Bên cạnh đó, việc phạt nguội trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera giám sát là cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Do đó, muốn xử phạt và để người vi phạm chấp hành quyết định xử phạt nguội được thực hiện nghiêm túc, trước hết cần tăng cường công tác quản lý phương tiện và chủ phương tiện được chặt chẽ, đầy đủ, đồng thời, quyết định xử phạt nguội phải được gửi ngay, trực tiếp đến chủ phương tiện để chấp hành trong thời hạn luật định.

Nếu chủ phương tiện không chấp hành thì người ra quyết định xử phạt phải có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thi hành theo quy định, không nên phạt cho tồn tại dẫn đến tồn đọng các quyết định xử phạt ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

Nói tóm lại việc xử phạt, cưỡng chế chấp hành quyết định xử phạt là trách nhiệm của người ban hành quyết định xử phạt (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông…) chứ không phải trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm.

Vì vậy, cần phải chấm dứt ngay tình trạng cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm vì chủ ô tô chưa nộp phạt như thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…