Cùng với kết quả này, năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình giáo dục mầm non; Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT ngày 25/01/2017 về triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020.
Các địa phương tăng cường các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non ; thực hiện các chuyên đề đổi mới hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ phù hợp với thực tế của địa phương như: giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ học thông qua hoạt động vui chơi, giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống, giáo dục phát triển vận động cho trẻ; thực hiện các giải pháp tăng cường các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non .
Tỷ lệ trẻ đến trường các độ tuổi đều tăng, vượt kế hoạch đề ra đầu năm học 2016 - 2017. Trẻ em vùng dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt; trẻ em khuyết tật được tạo điều kiện chăm sóc, giáo dục. Công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, cả nước có 5.712 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 38,1%, tăng 659 trường (3,4%) so với năm học trước . Năm học 2016 - 2017, có 13 tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đến nay 100% các tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập.
Công tác đảm bảo an toàn cho trẻ về thể chất được các địa phương thực hiện nghiêm túc; phối hợp với ngành y tế của tỉnh chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đến nay, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục mầm non; 100% trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng; tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ tại trường, lớp mầm non đảm bảo cơ cấu dinh dưỡng phù hợp với nhóm tuổi và điều kiện thực tiễn của từng địa phương; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân giảm, thừa cân béo phì được kiểm soát.
So sánh tỷ lệ huy động trẻ đến trường với năm học 2015 - 2016 . Nguồn: Báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non, 2017 |
Bên cạnh kết quả đạt được, khó khăn của giáo dục mầm non vẫn là thiếu trường lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; vùng núi cao, vùng sông nước vẫn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ; giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tại một số địa phương còn hạn chế. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực thực hành, kỹ năng tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở một bộ phận giáo viên còn hạn chế do đó ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ…