Theo ông Daniel Brossler, mặc dù TT Joe Biden bày tỏ sẵn sàng cải thiện quan hệ với Đức nhưng những bất đồng liên quan đến Nord Stream 2 vẫn là một sự trở ngại.
“Ông Biden và Bộ trưởng Ngoại giao Antony Bliken nhiều lần nói rõ rằng họ quan tâm đến việc củng cố mối quan hệ của Mỹ với các đồng nghiệp của mình, đặc biệt là Đức, vốn bị cựu TT Trump đối xử tệ. Tuy nhiên, ví dụ về Nord Stream 2 cho thấy việc này khó khăn như thế nào để thay đổi trong thực tế” – tác giả nhấn mạnh.
Ông Brossler cảnh báo rằng nếu bật đèn xanh cho dự án này, TT Joe Biden có thể gây nguy hiểm cho sự đồng thuận ở một trong số ít lĩnh vực mà đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có chung lập trường.
Tác giả nhấn mạnh rằng hiện vẫn chưa rõ sự nhượng bộ của ông Biden là gì trước lập trường chắc chắn của Berlin về tương lai của Nord Stream 2. Ông khẳng định Đức cần nắm bắt cơ hội để mở rộng quan hệ với đối tác Mỹ và thành công đó chủ yếu phụ thuộc vào việc “liệu Đức có đưa ra lời đề nghị thú vị hay không”.
Trong khi đó các nghị sĩ Mỹ thúc giục ông Biden thực hiện các biện pháp trừng phạt để cản trở dự án Nord Stream 2.
Cuối tuần trước, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch và đồng nghiệp đảng Dân chủ Jeanne Shaheen đưa ra một bản ghi nhớ thúc giục TT Joe Biden thực hiện đầy đủ Đạo luật Bảo vệ An ninh Năng lượng của châu Âu (PEESA), trong đó cáo buộc Nga dùng “các đường ống xuất khẩu năng lượng của mình để khiến các quốc gia và khu vực phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga”. Bản ghi nhớ này mô tả Nord Stream 2 là một “công cụ địa chính trị mới mạnh mẽ của Nga, cho phép nước này tước bỏ phí vận chuyển của Ukraine, Slovakia và các quốc gia khác”.
“Nó sẽ ràng buộc Tây Âu với khí đốt Nga và tạo sự ép buộc chính trị đi kèm trong 40 năm tới” – bản ghi nhớ nói và cho rằng đường ống này là một “dự án nguy hiểm”.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng chính quyền ông Biden “sẽ giám sát hoạt động hoàn thành các chứng nhận đường ống và nếu hoạt động này diễn ra, họ sẽ quyết định khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt”.
Trước đó, ông Biden nói rằng Nord Stream 2 là một “thỏa thuận tồi tệ đối với châu Âu”, trong khi Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze khẳng định Berlin sẽ tiếp tục dựa vào khí đốt “cho tới khoảng năm 2040”.
Bức thư của các nghị sĩ gửi ông Biden trong bối cảnh có những lời kêu gọi EU áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống Nga và các công ty liên quan tới việc xây dựng đường ống – điều mà Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cảnh báo là có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế châu Âu.
Trong khi đó Thủ tướng Đức lên án các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ của Mỹ đối với các công ty tham gia thực hiện dự án Nord Stream 2 và cho rằng điều này không phù hợp.