Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hàng năm được truyền từ xa do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng hoan nghênh việc quay trở lại “chủ nghĩa đa phương” này của Mỹ.
Thực hiện bài phát biểu quốc tế quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại kể từ khi trở thành tổng thống, ông Biden nói rằng các đồng minh truyền thống của Mỹ một lần nữa nên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Washington.
“Tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới: Nước Mỹ đã trở lại. Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại” – ông Biden nói từ Nhà trắng – “Mỹ quyết tâm tái liên kết với châu Âu, tham khảo ý kiến của các bạn, lấy lại vị trí lãnh đạo đáng tin cậy của chúng tôi”.
Trước đó ông Biden đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo nhóm G7, cho biết chính quyền ông một lần nữa nhấn mạnh việc xây dựng liên minh, trái ngược với chính sách biệt lập của ông Trump với cách đối xử thô bạo với các đối tác Mỹ. Ông Biden nói rằng sức mạnh tập thể là cách duy nhất để thành công khi một cuộc cạnh tranh trên toàn thế giới giữa dân chủ và chuyên quyền đang ở “điểm uốn”.
Mối đe dọa từ Nga, Trung Quốc
Ông Biden cho biết, ông không tìm kiếm việc trở lại “các khối cứng nhắc của Chiến tranh Lạnh”, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải cùng nhau giải quyết các vấn đề như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu dù vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc về các vấn đề khác.
Theo TT Mỹ, việc nước này quay lại Hiệp định khí hậu Paris là bằng chứng cho ý định của Washington. “Chúng ta không thể trì hoãn hoặc làm việc ở mức tối thiểu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu” – ông Biden nói và gọi đây là một “cuộc khủng hoảng toàn cầu”.
Tuy nhiên, ông Biden đưa ra cảnh báo gay gắt về các mối đe dọa mà ông cho là từ Nga và Trung Quốc.
Theo TT Mỹ, Nga tấn công nền dân chủ và “vũ khí hóa tham nhũng” để “làm suy yếu hệ thống quản lý của chúng ta”. “Điện Kremlin bắt nạt và đe dọa các quốc gia riêng lẻ dễ dàng hơn nhiều so với đàm phán với một cộng đồng xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ, đoàn kết chặt chẽ” – ông nói.
Tương tự, các đối tác Mỹ nên cùng nhau chống lại “những lạm dụng và ép buộc kinh tế của Trung Quốc vốn làm xói mòn nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế” – theo TT Joe Biden: “Các công ty Trung Quốc nên tuân thủ theo tiêu chuẩn như các công ty Mỹ và châu Âu đang phải đối mặt các giới hạn nghiêm trọng khi hiện diện tại Trung Quốc”.
Về vấn đề Iran, ông Biden nhắc lại cam kết quay lại đàm phán quốc tế với Tehran về chương trình hạt nhân nhưng cho biết “chúng tôi phải giải quyết các hoạt động gây bất ổn của Iran trên khắp Trung Đông”.
Sự xoay trục của ông Biden nhận được đánh giá tốt ở châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng “rõ ràng chủ nghĩa đa phương sẽ một lần nữa có cơ hội mạnh mẽ hơn”.