Phát biểu trong chuyến thăm nhà máy sữa ở miền đông đất nước hôm qua (28/8), ông Lukashenko đe dọa cắt các tuyến đường vận chuyển qua Belarus và tẩy chay các cảng của Litva nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt.
Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời ông Lukashenko cho biết: “Tôi đã chỉ thị cho chính phủ đệ trình đề xuất định hướng lại tất cả các luồng thương mại từ các cảng của Litva sang các cảng khác”.
Ông Lukashenko đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong 26 năm cầm quyền của mình. Ông đã ra lệnh 50% quân đội của đất nước 9,5 triệu dân sẵn sàng chiến đấu để đối phó với những gì ông cho là mối đe dọa từ phương Tây. Ông cho biết đã thống nhất với TT Nga Putin rằng 2 nước có thể đoàn kết quân đội trong trường hợp có mối đe dọa từ phương Tây. Tuy nhiên, ông nói rằng chưa có binh sĩ Nga nào sang Belarus.
Các bộ trưởng Ngoại giao thuộc Liên minh châu Âu đã tìm các biện pháp trừng phạt chống lại Belarus nhằm gây áp lực buộc ông Lukashenko tổ chức lại bầu cử. Ông Lukashenko phủ nhận việc gian lận bầu cử và kiên quyết bác bỏ lời kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới của phe đối lập.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với báo giới rằng bà cố gắng điện đàm với ông Lukshenko nhưng ông đã từ chối. Nói về lực lượng cảnh sát dự bị mà ông Putin cho biết đã được thành lập theo yêu cầu của ông Lukashenko, bà Merkel nói: “Tôi hy vọng những binh sĩ này sẽ không được triển khai”.
Các bộ trưởng của Liên minh châu Âu đang xem xét lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với tối đa 20 người chịu trách nhiệm về một cuộc trấn áp người biểu tình 2 tuần sau cuộc bầu cử ngày 9/8 mà họ cho là có gian lận.
Liên minh châu Âu có lệnh cấm vũ khí với Belarus, nhưng vào năm 2015, trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ với ông Lukashenko, khối này đã nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế có từ năm 2004.
Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây muốn có một thái độ hợp lý với một phong trào ủng hộ dân chủ mới ra đời của Belarus vì lo ngại có thể kích hoạt một cuộc đàn áp do Nga hậu thuẫn. Bên cạnh đó là nỗi lo gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng.
Belarus là đầu mối dẫn dầu xuất khẩu của Nga sang châu Âu thông qua đường ống Druzhba. Việc cung cấp năng lượng vẫn diễn ra trôi chảy – các nhà điều hành đường ống dẫn dầu và khí đốt của Ba Lan nói với Reuters.