Kỳ thi “2 trong 1” bắt đầu áp dụng từ năm 2015. Với ưu điểm cơ bản là 1 lần tổ chức thi nhưng với hai mục đích: kết quả thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Do vậy, kỳ thi rất ngắn gọn, nhẹ nhàng, tiết kiệm kinh phí cho xã hội, đặc biệt người học đỡ vất vả; giải quyết được bức xúc lớn của xã hội khi đó.
Bản chất của vấn đề này là: tổ chức một kỳ thi quốc gia nhưng với hai mục đích: lấy kết quả để tốt nghiệp THPT đồng thời dùng kết quả đó làm căn cứ để các trường ĐH xét tuyển sinh vào ĐH. Có 2 loại cụm thi: 1 dành cho HS chỉ có mục đích tốt nghiệp THPT, do địa phương chủ trì; 1 dành cho HS vừa có mục đích tốt nghiệp THPT vừa có mục đích vào ĐH, do trường ĐH chủ trì.
Năm 2016, Kỳ thi này tiếp tục được thực hiện thành công và được xã hội đồng thuận, tin tưởng. Năm 2017, với một số đổi mới như: kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành, do tỉnh chủ trì, các trường đại học phối hợp và áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các môn thi, trừ Ngữ văn; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có 1 mã đề thi riêng; kết quả làm bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính. Kỳ thi đã được tổ chức tốt với những ưu điểm của nó: tính khách quan, tính chính xác và nhanh, gọn .
Vẫn giữ ổn định phương thức như 2017, năm 2018 việc tổ chức thực hiện kỳ thi THPT quốc gia nói chung là rất tốt. Tuy nhiên đã phát hiện những sai phạm trong khâu chấm thi ở một số địa phương. Sai phạm này do yếu tố con người: đó là sự gian lận thuộc về phẩm chất, đạo đức của một số cán bộ, nhân viên có trách nhiệm trong kỳ thi gây ra.
TS Trịnh Ngọc Thạch |
Bởi vậy, quan điểm của TS Trịnh Ngọc Thạch, với mục đích, mục tiêu đặt ra, kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” vẫn còn giá trị. Chúng ta không nên vội vàng đổi mới mà nên củng cố, sửa chữa lại những khâu còn yếu, có kẽ hở làm phát sinh tiêu cực, đặc biệt là khâu chấm thi. Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra của địa phương và của Bộ GD&ĐT.
“Có ý kiến cho rằng nên để Bộ GD&ĐT chấm thi, cũng có ý kiến giao việc chấm thi về trường đại học. Nhưng theo tôi, dù chấm ở đâu thì công tác an ninh, kiểm soát cũng là quan trọng. Đặc biệt, cần nghiêm trị với những đối tượng có vi phạm. Về những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La vừa qua, Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các cơ quan lien quan đã chỉ đạo và thực hiện xử lý rất nghiêm minh, chúng tôi rất ủng hộ” – TS Trịnh Ngọc Thạch chia sẻ.
Nói riêng về trách nhiệm trong việc để xảy ra sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, TS Trịnh Ngọc Thạch cho biết: thường thì những vấn đề tiêu cực xẩy ra trong Giáo dục thì dư luận xã hội hay quy về Bộ GD&ĐT, xem như là đầu mối để xảy ra tiêu cực. Nhưng trên thực tế không phải như vậy. Chính phủ đã phân cấp rất rõ vai trò quản lý giữa Bộ với UBND tỉnh/thành phố. Vừa qua, lỗi của tỉnh thể hiện rất rõ. Nên cần nghiêm túc xử lý vai trò và trách nhiệm này.