Theo khẳng định của ông Quách Tuấn Ngọc, công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đắc lực cho các kỳ thi. Không có các hệ thống thông tin quản lý thì kỳ thi của chúng ta cực kỳ vất vả. Công tác xét tuyển năm nay êm tới mức độ “không có một tiếng ồn” đó là nhờ hệ thống CNTT.
"Các thí sinh được đăng ký tới “n” nguyện vọng, nhưng hệ thống phát hiện ra thí sinh trúng tuyển ở bất kì một trường thứ nào đó trong danh sách đăng ký là hệ thống chấm dứt luôn. Năm 2015 hệ thống “sập” vì lần đầu tiên tham gia, chưa có kinh nghiệm. Đến năm nay rất trơn tru...
TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Quang Khánh/báo Đai biểu Nhân dân |
Có thể nói vai trò công nghệ thông tin là không thể thiếu được trong công tác thi và càng ngày càng hoàn thiện. Điều mà thời chúng tôi làm “3 chung” nằm mơ cũng chưa có được" - ông Ngọc nhận định.
Đến từ cơ sở giáo dục ĐH, ông Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội - tại tọa đàm cũng đề cập nhiều đến công tác xét tuyển. Theo ông Đức, từ khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi gọi nôm na là “2 trong 1” thì trường rất nhàn bởi vì các khâu lọc điểm Bộ GD&ĐT đã làm hết, trường chỉ xét từ trên xuống.
"Năm nay chúng tôi tuyển 8.500 chỉ tiêu, hiện đã tuyển được 8.700, việc lựa chọn học sinh rất tốt, bảo đảm đủ số lượng và có chất lượng" - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội |
Tuy nhiên, đại diện đến từ ĐHQG Hà Nội cũng tiết lộ, 2 năm vừa qua, số thí sinh bỏ học sau năm thứ nhất của ĐHQG Hà Nội rất nhiều, vào khoảng 700 em/năm, chiếm khoảng 10%. Có thể một trong các nguyên nhân là do ở ĐHQG Hà Nội, năm đầu sinh viên phải học các môn cơ bản rất nặng. Một điểm đáng chú ý nữa là xu hướng lựa chọn ngành ngành xã hội nhân văn rất lớn.
"Chưa bao giờ tỷ lệ này bùng nổ như bây giờ, cho thấy xu hướng học sinh đang lựa chọn những ngành dễ học. Đây là vấn đề cần được cảnh báo!" - ông Đức cho hay.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Đình Đức cũng cho rằng, phải làm rõ triết lý đổi mới về Luật Giáo dục ĐH, triết lý đổi mới trong thi cử, từ đó mới có định hướng và đưa ra kế hoạch hành động. Việc đổi mới có 4 vấn đề:
Thứ nhất: Giáo dục ĐH Việt Nam phải hội nhập giáo dục thế giới. Thứ 2: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang rất mạnh mẽ nên giáo dục phải khác, người học phải có kiến thức rộng hơn để làm việc ở bất kỳ chỗ nào, phải gắn với phát triển bền vững và có cơ hội làm việc toàn cầu. Thứ ba là tự chủ đại học. Thứ tư là phải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cuối cùng giáo dục ĐH là phải đào tạo và bồi dưỡng nhân tài.