Sức hút Sư phạm

GD&TĐ - Trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, nhiều người lo lắng ngành Sư phạm sẽ rơi vào tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, điều lo lắng trên đã không xảy ra. Ngành Sư phạm vẫn có uy tín và sức hút riêng.

Ngành Sư phạm đang thay đổi cả về chất và lượng (ảnh minh họa)
Ngành Sư phạm đang thay đổi cả về chất và lượng (ảnh minh họa)

Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay có nhiều điểm mới. Trong đó, trình độ đại học Sư phạm chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.

Quy định này càng khiến nhiều người lo ngại rằng ngành Sư phạm sẽ ít thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, con số thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tổng số nguyện vọng đăng ký vào các trường sư phạm là 131.325 nguyện vọng, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm năm 2018 là 37.298 thí sinh. Như vậy, điều lo ngại trên đã không xảy ra.

Tiếp đó, sau khi thí sinh biết điểm và các trường đồng loạt được tự chủ công bố “điểm sàn”, nhưng riêng ngành Sư phạm phải tuân thủ quy định “điểm sàn” chung của Bộ GD&ĐT với mức điểm khá cao - 17 điểm (không nhân hệ số) đối các tổ hợp xét tuyển vào đại học sư phạm và 15 điểm vào hệ cao đẳng và hệ trung cấp là 13 điểm.

Mùa tuyển sinh năm nay, các trường đều kêu khó tuyển sinh và rất ít trường đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở mức 17 điểm (chủ yếu dao động từ 13 điểm - 16 điểm). Trong bối cảnh ấy, sự lo lắng của mọi người rằng, khối ngành Sư phạm sẽ “khan hiếm” thí sinh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế đó đã không xảy ra và điều lo lắng này đã không đến.

Cụ thể, mặc dù các ngành Sư phạm đều lấy điểm trúng tuyển đầu vào ở mức từ 17 điểm đến gần 24 điểm (tùy từng trường và tùy từng ngành), nhưng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và xác định nhập học rất lớn, thậm chí có nhiều thí sinh đoạt giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên.

Đơn cử như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh có hàng trăm thí sinh thuộc diện tuyển thẳng do đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi và cuộc thi về Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Điều đó chứng tỏ ngành Sư phạm vẫn có sức hút riêng. Nói như PGS.TS Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2, nghề dạy học chưa bao giờ hết sức hút đối với cộng đồng.

Ai cũng biết, ở thời điểm hiện tại, không riêng gì các ngành đào tạo Sư phạm mà nhiều trường đại học cũng đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra trong mùa tuyển sinh năm nay, càng củng cố niềm tin rằng, ngành Sư phạm vẫn có chỗ đứng quan trọng trong xã hội, vẫn có những người tài, người giỏi vào ngành Sư phạm.

Tuy nhiên, để ngành Sư phạm ngày càng có sức hút hơn nữa, thiết nghĩ nếu chỉ riêng ngành Giáo dục nỗ lực cũng chưa đủ mà cần có giải pháp đồng bộ, cả trong và ngoài ngành Giáo dục. Điều mà các cấp lãnh đạo, các chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục và các đại biểu Quốc hội mong muốn đó là, vấn đề “đầu ra”, việc làm và thu nhập của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp. Đây mới là phần gốc của vấn đề và nếu tháo gỡ được “nút thắt” này thì ngành Sư phạm sẽ có sức hút và sức bật mạnh mẽ.

Cùng với đó, các trường đại học sư phạm cũng cần đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng đầu ra. Mặt khác, cần tập trung thực hiện đào tạo theo hướng chất lượng thay cho số lượng.

Hiện nay, nhiều người đặt niềm tin vào Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây sẽ tháo gỡ được những khó khăn hiện hữu cho các trường sư phạm. Theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng để đóng học phí, chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định, giáo viên sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng đề xuất bổ sung quy định về chính sách lương nhà giáo theo hướng thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Cụ thể: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Thực hiện được điều này sẽ là giải pháp quan trọng tạo sức hút và sự cạnh tranh cho các trường Sư phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ