Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh vừa tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ VI, dưới sự chứng kiến của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh; Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại hội nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều giáo viên – giảng viên dạy tiếng Anh trên địa bàn Thành phố. Cùng đó, Đại hội còn chào đón đông đảo các bạn sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tới dự.
Tham dự Đại hội lần thứ VI của Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh còn có đại diện của khoảng 30 tổ chức, Trung tâm, Khoa tiếng Anh… Đây là các đơn vị liên kết đã đồng hành cùng Hội trong sứ mệnh phát triển công tác dạy và học tiếng Anh ở địa bàn Thành phố mang tên Bác.
Lễ chào cờ tại Đại hội lần thứ VI của Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh hôm 30-9. |
Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh là Hiệp hội tiếng Anh được thành lập đầu tiên tại Việt Nam. Hội được thành lập theo quyết định định số 5544 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005.
Hội quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giảng dạy Tiếng Anh, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả.
Hội liên tục cập nhật các thành tựu mới trong khu vực và thế giới thuộc lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, giúp hội viên cải tiến nội dung chương trình, giáo trình, hoàn thiện phương pháp giảng dạy và đánh giá nhằm ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Từ đây, góp phần nâng cao khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh phục vụ hiệu quả cho quá trình hội nhập.
TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2018-2023. |
Dù trải qua nhiệm kỳ V trong Đại dịch COVID-19 nhiều thách thức, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tích cực tổ chức các hội thảo chuyên đề và hội nghị khoa học cả trực tuyến lẫn trực tiếp miễn phí cho cộng đồng giáo viên. Cùng đó, Hội còn tham gia đồng tổ chức các sự kiện thúc đẩy việc dạy và học tiếng Anh cùng các tổ chức liên kết, theo đúng tinh thần và sứ mệnh được UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao phó.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội đã phối hợp với các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hơn 50 buổi hội thảo, chuyên đề và sinh hoạt chuyên môn hoàn toàn miễn phí cho giáo viên tiếng Anh, học viên cao học và sinh viên đại học ngành Lý luận và Giảng dạy tiếng Anh.
Đáng chú ý, trong năm 2022, Hội đã trở thành Thành viên chính thức của Hiệp Hội Giảng dạy Tiếng Anh Quốc tế (TESOL International Association), qua đó tạo điều kiện cho các Hội viên tiếp cận các nguồn tài nguyên, học liệu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh của thế giới.
Còn tại Đại hội lần thứ VI, các hội viên giáo viên giảng dạy tiếng Anh được chia sẻ chuyên môn qua chủ đề “THE EVOLVING LANDSCAPE OF AI-ASSISTED LANGUAGE TEACHING IN VIETNAM”.
Hội viên đã có dịp lắng nghe kinh nghiệm và thảo luận về những vấn đề nóng trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh cùng các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và chuyên gia giáo dục tiếng Anh hàng đầu. Khám phá những ứng dụng cụ thể của trí tuệ nhân tại (AI) trong lĩnh dạy ngôn ngữ và hiểu rõ hơn về những tiềm năng cùng thách thức trong việc giảng dạy ngôn ngữ với sự hỗ trợ của AI tại Việt Nam.
Ban lãnh đạo Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2023-2028. |
Tại kỳ Đại hội này, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF), được tín nhiệm tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2023-2028. Đại hội cũng bầu hai Phó Chủ tịch Hội là PGS-TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) và TS. Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc (cầm hoa ở giữa) nhận hoa chúc mừng tái đắc cử Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2023--2028. |
Hội thảo “The Evolving Landscape Of Ai-Assisted Language Teaching In Vietnam”
Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo đã tạo ra nhiều công cụ mạnh mẽ để hỗ trợ giáo dục ngôn ngữ. Sự kết hợp giữa AI và ngôn ngữ đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc dạy và học ngôn ngữ một cách hiệu quả.
ChatGPT được sử dụng như một trợ lý giảng dạy, giúp giáo viên tạo ra nội dung giảng dạy phong phú và tương tác với học sinh một cách tự nhiên.
Sự kết hợp này đã cải thiện trải nghiệm học tập của học sinh. Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng ChatGPT để cập nhật kiến thức và kỹ năng của họ, tạo ra tài liệu học tập và nâng cao trình độ chuyên môn. Công cụ này cũng có khả năng tạo ra bài kiểm tra và đánh giá chất lượng bài giảng và tài liệu giảng dạy.
Sự kết hợp giữa AI và giáo dục ngôn ngữ mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức mới đối với giáo viên và nhà quyết định chính sách. Hiểu rõ và tận dụng công nghệ này sẽ có tác động tích cực đến quá trình học tập và giảng dạy tiếng Anh trong tương lai.