Nhằm đảm bảo quyền lợi của người học do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) đã có những điều chỉnh trong kế hoạch đào tạo, triển khai giảng dạy trực tuyến các học phần của học kỳ 2 năm học 2019 - 2020. Đồng thời để chia sẻ khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhà trường đã xem xét giữ nguyên mọi chính sách học bổng và hỗ trợ một phần học phí cho toàn bộ học viên, SV đang theo học tại trường.
Xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng phụ trách HUFLIT có cuộc trò chuyện với PV Báo Giáo dục & Thời đại.
Đào tạo online nhưng vẫn đảm bảo chất lượng
Thưa TS Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian qua việc dạy học trực tuyến tại HUFLIT đã được GV, SV đón nhận như thế nào?
- TS Nguyễn Anh Tuấn: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động của trường, đặc biệt là hoạt động giảng dạy. Ban đầu, chúng tôi chỉ lùi thời gian giảng dạy, nhưng dịch bệnh ngày càng phức tạp và kéo dài do đó chúng tôi quyết định triển khai dạy học trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ và duy trì nếp học tập, nghiên cứu cho học viên, SV. Quan điểm của chúng tôi là không khoanh tay đứng nhìn và không để thời gian trôi qua vô ích.
Mặc dù, công nghệ hiện đại đã hỗ trợ rất hiệu quả, nhưng không thể nào mang lại cảm giác “thật” như giảng dạy trực tiếp. Để giảm bớt những hạn chế trong giảng dạy trực tuyến, đem lại sự tương tác nhiều nhất có thể đối với sinh viên, đòi hỏi giảng viên phải làm quen và soạn lại bài giảng dựa trên các ứng dụng công nghệ mới, thường xuyên phản hồi sinh viên qua rất nhiều kênh email, tin nhắn, facebook… và do đó tải công việc của GV tăng lên.
Trong hơn 1 tháng qua, tôi đã thấy những đôi mắt thâm quầng của GV khi thức trắng đêm soạn lại giáo án, làm quen công nghệ. Có những email cầu cứu đội kỹ thuật trong nước mắt khi GV soạn bài giảng, ghi âm, ghi hình rồi bị mất sạch và làm lại từ đầu vào lúc nửa đêm.
Có GV vì tập trung, vì làm việc, giảng dạy trên máy tính quá nhiều đã phải vào viện để điều trị khô mắt và buộc ngưng sử dụng công nghệ trong ít nhất một tuần để phục hồi đôi mắt.
Ban đầu, GV và SV đều bỡ ngỡ, có người phản đối và muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên kịp thời của lãnh đạo trường, lãnh đạo khoa, cùng với những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ thầy cô giáo, chỉ sau 2 tuần làm quen, hầu hết thầy và trò đã thấy được những mặt tích cực và hứng thú với dạy và học trực tuyến.
Hiện nay, ngoại trừ những học phần thực hành, tất cả các học phần còn lại đã được tiến hành giảng dạy online. Hoạt động đào tạo đã đi vào nề nếp và đang diễn ra rất thuận lợi. Thậm chí, có nhiều SV mong muốn tiếp tục được học online khi nhà trường ra thông báo đi học tập trung vào giữa tháng 5.
Giữ ổn định nhân sự, lương và học bổng
Bên cạnh giữ việc đào tạo được diễn ra liên tục thì vấn đề về cơ sở vật chất, nhân sự và các chính sách lương thưởng của trường thì thế nào, thưa ông?
- Hoạt động giáo dục ĐH mang tính dài hạn, khác với các trung tâm đào tạo các lớp ngắn hạn, do vậy, tất cả các vấn đề cơ sở vật chất và con người được xây dựng, củng cố, duy trì và phát triển trong thời gian dài. Mặc dù đóng cửa nhưng nhà trường không thu hẹp cơ sở vật chất, không cắt giảm số lượng GV, NV để giảm chi phí do ảnh hưởng của dịch bệnh trong ngắn hạn.
Dù khó khăn, chúng tôi luôn nỗ lực để cân bằng quyền lợi của tất cả mọi người từ SV, GV cho đến người lao động. Ví như để đảm bảo chất lượng bài học tốt nhất cho SV, nhà trường đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, các phần mềm phục vụ việc dạy và học online. Thành lập đội ngũ có chuyên môn về Công nghệ thông tin, liên tục tiến hành các lớp tập huấn giảng dạy online cho GV.
Tất cả GV phải có thời gian luyện tập với các ứng dụng mới, soạn lại giáo án phù hợp sau đó mới đăng ký giảng dạy trực tuyến. Đối với GV, nhà trường vẫn duy trì đầy đủ chế độ lương, phúc lợi cho đến thời điểm hiện tại nhằm ổn định đời sống vật chất và tinh thần, giúp thầy cô an tâm giảng dạy, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Đại dịch Covid-19 tác động xấu lên toàn bộ nền kinh tế, nhà trường đã có những hỗ trợ nào đối với gia đình học viên, SV của mình?
- Nhằm chia sẻ khó khăn với người học và gia đình do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhà trường đã ban hành chính sách hỗ trợ 10% học phí, mọi chế độ học bổng cho sinh viên vẫn được duy trì, đồng thời nhà trường còn tiến hành hỗ trợ tiền mặt cho tất cả SV vùng hạn mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại sao là con số 10%, thưa ông?
- Mức giảm học phí này đã được chúng tôi xem xét, cân nhắc kỹ càng dựa trên tình hình tài chính, cũng như tính đến khả năng duy trì ổn định và phát triển lâu dài của nhà trường. HUFLIT cũng đã xem xét, tham khảo, học tập kinh nghiệm của một số trường đại học, các trường cũng giảm trong mức 10% đến 20% tùy vào mức đóng học phí và khả năng duy trì hệ thống.
Mọi chính sách của HUFLIT là chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và tuyệt đối không để bộ phận, cá nhân nào bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Vì thế, nhà trường rất mong nhận được sự chia sẻ, đồng hành của quý phụ huynh và SV trong việc thực hiện các quyết định của trường.
Xin cám ơn ông.