Điều này đòi hỏi công tác truyền thông giáo dục phải thực sự chuyên nghiệp, bài bản để đáp ứng yêu cầu mới.
Sự cố luôn thường trực
Tốt nghiệp thạc sĩ về truyền thông toàn cầu tại ĐH Melbourne (Australia), kinh nghiệm 6 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông giáo dục, cô Trịnh Thị Phương Thảo (Trường Olympia, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: Sự nở rộ của các platform thông tin, đặc biệt là mạng xã hội dẫn tới sự phân tán của độc giả, tràn ngập của tin giả (fake news) và đặc biệt là nguy cơ khủng hoảng truyền thông có thể tới bất cứ lúc nào.
Chỉ ra 2 thách thức lớn cho người làm truyền thông giáo dục, điều đầu tiên cô Trịnh Thị Phương Thảo đề cập đến là khoảng cách giữa kỳ vọng của phụ huynh và năng lực của nhà trường. Theo đó, với sự du nhập của các lý thuyết giáo dục mới, kỳ vọng của phụ huynh với trường học ngày càng cao và liên tục thay đổi. Trong khi đó, nhà trường vốn là tổ chức chịu sự quản lý của nhiều cấp, bị chi phối bởi nhiều quy định pháp luật, văn bản hướng dẫn của các đơn vị quản lý và sự giới hạn của năng lực đội ngũ sư phạm. Phụ huynh ngày càng có xu hướng sử dụng “quyền năng của thượng đế” và xem mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường là một hợp đồng dịch vụ. Thực tế này chỉ có thể tháo gỡ nếu chúng ta có một triết lý giáo dục thật sự thông suốt và thuyết phục.
Thử thách thứ hai là nguy cơ xảy ra sự cố truyền thông chưa bao giờ thường trực như vậy trong lịch sử truyền thông giáo dục. Là lĩnh vực liên quan tới trẻ em ở mọi độ tuổi, các sự cố giáo dục có sức tác động ghê gớm với người tiêu thụ thông tin: Mọi người đều khiếp sợ khi nghĩ tới các sự cố đó có thể xảy ra với thành viên gia đình mình. Một động thái tăng/giảm học phí trong bối cảnh dạy học online do Covid-19 cũng khiến cả xã hội chú ý, tranh cãi. Tốc độ lan tỏa thông tin của mạng xã hội có thể khiến thầy cô giáo mất việc, một trường học đóng cửa trong 1 tuần. Những câu chuyện dàn dựng như cô giáo bắt học sinh đứng nắng ở cổng trường, đã phần nào cho thấy fake news có tác động ghê gớm trong lĩnh vực nhạy cảm này.
Từ năm 2009, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã thành lập đơn vị phụ trách truyền thông. Tuy vậy, theo chia sẻ của ông Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác Sinh viên, phụ trách truyền thông, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), thách thức với nhà trường nói riêng, cơ sở giáo dục công lập nói chung trong công tác truyền thông là vị trí việc làm cho hoạt động này. Phần lớn nhân sự phụ trách truyền thông của các đơn vị là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản. Công tác truyền thông nội bộ còn yếu, mới chỉ chú trọng truyền thông bên ngoài thông qua các kênh truyền thống như báo chí, fanpage.
“Nếu không có đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp, giải quyết khủng hoảng truyền thông sẽ kém hiệu quả, kéo theo nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực khác. Truyền thông có tính 2 mặt, nếu làm tốt sẽ mang lại hiệu quả lớn trong phát triển nhà trường, ngược lại rất dễ dẫn đến khủng hoảng truyền thông và kéo lùi sự phát triển của đơn vị đó”, ông Nguyễn Vinh San chia sẻ.
Thầy Trần Văn Hân - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp cũng nhìn thấy thách thức của công tác truyền thông giáo dục trong bối cảnh công nghệ và Internet, mạng xã hội phát triển. Bên cạnh đó, thầy Hân còn cho rằng, công tác truyền thông tại trường chưa chuyên nghiệp, thiếu bài bản, chưa tạo sự kết nối, lan tỏa, ảnh hưởng tốt ra bên ngoài, cũng như tại trường. Công tác truyền thông của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn mơ hồ, chung chung, chưa rõ nét.
Chú trọng truyền thông nội bộ
Nhận thức rõ vai trò truyền thông, ông Nguyễn Vinh San cho biết: Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã đưa truyền thông vào chiến lược phát triển, xem truyền thông là một lĩnh vực cốt yếu trong xu thế tự chủ ĐH. Các kênh truyền thông được đa dạng hóa, như xây dựng fanpage chính thống, website, kênh YouTube, chủ động phối hợp thông tin với báo chí (đặc biệt là báo ngành). Kênh truyền thông nội bộ cũng được chú trọng, như các trang thông báo, hệ thống bảng biểu, group mail, Zalo của cán bộ viên chức, người học…
“Nhà trường đã xây dựng đơn vị phụ trách truyền thông chuyên trách với nhân sự được đào tạo về truyền thông, báo chí. Hằng năm, bộ phận truyền thông được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ truyền thông. Trường cũng chủ động công khai, minh bạch, công bố thông tin hoạt động ra cộng đồng xã hội”, ông Nguyễn Vinh San chia sẻ.
Về nội dung này, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế cho hay: Thông tin của ngành đến với báo chí, truyền thông đầy đủ, chính xác thông qua các cuộc tiếp xúc. Năm học qua, sở GD&ĐT tổ chức gặp mặt hơn 100 nhà báo dịp chuẩn bị kết thúc năm học, khai giảng năm học mới. Qua hai đợt tiếp xúc, cùng sự hợp tác liên tục trong năm học, thông qua báo chí, tình hình hoạt động giáo dục của địa phương cũng như các chủ trương lớn của ngành đã đến với người dân, cộng đồng nhanh và đầy đủ nhất. Nhờ vậy, sự đồng thuận của người dân với GD-ĐT cải thiện đáng kể, tạo ra hiệu ứng tốt cho phát triển giáo dục.
Chia sẻ riêng về công tác truyền thông cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT - sự kiện luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội - ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng: “Các sở GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch truyền thông cho kỳ thi của địa phương, liên kết với kế hoạch truyền thông của Bộ GD&ĐT về kỳ thi; phân công người phụ trách, có kiểm đếm, rõ tiến độ… Các sở GD&ĐT phân công cán bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo, đài kịp thời, đầy đủ, chính xác trước, trong và sau kỳ thi. Tập huấn cho cán bộ làm công tác truyền thông, kể cả thành viên Ban Chỉ đạo thi về kỹ năng tiếp xúc báo chí, nghiệp vụ cung cấp thông tin, bảo đảm tính minh bạch, kịp thời, chính xác nhưng không gây hoang mang dư luận. Lựa chọn hình thức cung cấp thông tin phù hợp với từng thời điểm: Khi nào dùng văn bản, khi nào trả lời trực tiếp, hay tổ chức họp báo… Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan báo đài địa phương và Trung ương trên địa bàn”.