Truyền thông giáo dục: Đi trước một bước

GD&TĐ - Vai trò quan trọng của công tác truyền thông trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT - nhân tố không thể thiếu giúp sự nghiệp đổi mới giáo dục đi tới thành công. 

Sinh viên chia sẻ kỹ năng tác nghiệp.
Sinh viên chia sẻ kỹ năng tác nghiệp.

Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) khi trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại,

Lúng túng trước sự cố truyền thông

- Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của truyền thông trong triển khai đổi mới GD. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho truyền thông giáo dục dường như ít được nói tới. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Cùng xu thế phát triển của công nghệ hiện đại, nền tảng mạng xã hội phát triển rất nhanh, thông tin nhiều và đa chiều. Trong đó, có nhiều nội dung thiếu chính xác, không được kiểm chứng... Những thông tin đó thường lan truyền rất nhanh và dư luận xã hội bị cuốn theo, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội, thậm chí làm nản lòng những người làm giáo dục, đặc biệt là các thầy cô giáo, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở tầm vĩ mô.

Thời gian qua, sự nghiệp giáo dục nước ta đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, nhưng do công tác truyền thông chưa đủ ngưỡng để xã hội quan tâm và trở thành dòng chủ lưu tích cực. Bên cạnh đó, khi xuất hiện những vấn đề mang tính nhỏ lẻ, cá biệt sai trái ở khía cạnh nào đó thì lại bị thổi phồng. Cũng có vấn đề giáo dục do chưa cung cấp thông tin đầy đủ dẫn đến chưa được hiểu đúng, chưa rõ… lại bị xuyên tạc bóp méo. Trước thông tin có tính tiêu cực như vậy, trong ngành Giáo dục lại thiếu tiếng nói phản biện từ đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trước hết phải nói đến đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông giáo dục từ Trung ương tới địa phương còn hạn chế, do đó không tránh khỏi lúng túng khi xử lý sự cố truyền thông trong giáo dục.

- Giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém là gì, thưa ông?

- Mỗi giải pháp đưa ra tương ứng với các thách thức, khó khăn đề cập ở trên. Nhưng quan trọng nhất vẫn là làm chủ thông tin, chủ động thông tin một cách minh bạch, chính xác, kịp thời. Nguồn thông tin phải được chủ động cung cấp trước hết từ trong ngành Giáo dục, là thông tin chính thống, có cơ sở khoa học, thực tiễn. Khi đã làm chủ thông tin, chủ động cung cấp thông tin sẽ loại trừ được dư luận suy diễn, phản bác thông tin sai trái, xuyên tạc. Xã hội có cơ sở để hiểu đúng, hiểu rõ hơn, sâu hơn hoạt động của ngành Giáo dục và tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công.

Nếu không chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác hoặc né tránh cung cấp thông tin thì các cơ quan truyền thông sẽ tự tìm kiếm thông tin. Và với góc nhìn khác nhau từ những thông tin thu được, nhất là những thông tin trên mạng xã hội không được kiểm chứng, họ sẽ đưa ra nhận định có khi không có lợi cho ngành Giáo dục. Thực tiễn cho thấy, thông tin xấu có tốc độ lan truyền gấp nhiều lần tin tốt và dư luận hay bị cuốn theo dòng thông tin xấu.

Chúng ta tôn trọng sự thật, trân trọng ý kiến phản biện xã hội, nhưng không chấp nhận ý kiến khích bác, phản động, cố tình bóp méo, chính trị hóa hoạt động bình thường của giáo dục... Chúng ta không thể làm ngơ trước những thông tin xấu độc, sai sự thật đối với sự nghiệp giáo dục của toàn Đảng, toàn dân.

Để giúp công tác truyền thông giáo dục tốt hơn, không ai làm tốt hơn chính là những người trong ngành, những cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên… Đây chính là lực lượng vô cùng đông đảo, quan trọng. Họ hiểu, nắm vững nhất thực trạng giáo dục ở cơ sở, nói lên tiếng nói từ cơ sở, những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc… trong giáo dục. Đồng thời, họ là người trực tiếp truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới giáo dục đến phụ huynh, học sinh, sinh viên.

Do đó, cần khơi dậy tiềm năng của chính đội ngũ cán bộ, giáo viên, để họ sẵn sàng, mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình ở cơ sở, lên tiếng phản bác những thông tin xuyên tạc sai sự thật. Như vậy, cần có cơ chế chính sách phát huy dân chủ cơ sở, đẩy mạnh truyền thông. Trong đó, nhấn mạnh truyền thông nội bộ, bảo đảm chủ trương đổi mới, quy định, các hoạt động lớn của ngành đến từng cán bộ, giáo viên, người lao động trong các cấp quản lý và cơ sở trường học, truyền thông gương người tốt, việc tốt trong quá trình thực hiện đổi mới GD-ĐT...

Tôi cũng cho rằng, rất cần quy chế phối hợp tạo sự liên kết chặt chẽ, rõ ràng giữa cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý Nhà nước, để truyền thông đi trước, đi cùng, đi sau trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là của ngành Giáo dục. Truyền thông trước để định hướng dư luận xã hội. Truyền thông trong quá trình triển khai để khằng định những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và truyền thông sau để người dân hiểu được, chia sẻ, đồng thuận, rút kinh nghiệm để thực hiện công việc tiếp theo được tốt hơn.

TS Nguyễn Đắc Hưng. Ảnh: TG
TS Nguyễn Đắc Hưng. Ảnh: TG    

Chủ động cung cấp thông tin

- Đội ngũ phóng viên làm công tác GD đóng vai trò quan trọng giúp truyền tải thông tin chính thống, tin cậy đến nhân dân. Theo ông, phải làm sao để có được sự đồng hành của đội ngũ này?

- Báo chí luôn cần thông tin chính thống, cập nhật, chính xác. Nếu ngành GD chủ động cung cấp thông tin thời sự, kịp thời, tôi tin sẽ nhận được sự đồng hành, chia sẻ của báo chí nói chung, đội ngũ phóng viên theo dõi giáo dục nói riêng.

Nhân đây, tôi cũng muốn gửi gắm đến đội ngũ những người làm báo về giáo dục. Phóng viên giáo dục bên cạnh nắm bắt chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về GD-ĐT, cần đi sâu sát thực tiễn cơ sở và cập nhật thông tin chính xác, đầy đủ, có phân tích trên cơ sở khoa học. Tránh đưa ra nhận định chủ quan, để đánh giá đúng cái được, chưa được, những thành công, hạn chế của ngành Giáo dục. Từ đó, đưa ra giải pháp giúp ngành tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế.

Toàn ngành đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và đây là công việc chưa có tiền lệ, chắc chắn kết quả không thể thấy rõ nét trong 1 - 2 năm. Tôi mong các nhà báo chia sẻ với ngành, để người dân có thông tin chính xác, an tâm, tin tưởng vào chủ trương, đường lối phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước và có niềm tin sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT sẽ thành công. Cùng chung sức giúp đỡ, hỗ trợ ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Đồng thời tham gia đấu tranh, phản bác những tư tưởng sai trái, độc hại gây hoang mang trong xã hội, cản trở sự nghiệp đổi mới giáo dục.

- Xin cảm ơn ông!

“Để sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vai trò công tác truyền thông rất quan trọng. Bởi những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục cần được truyền thông để xã hội hiểu, tạo đồng thuận trong xã hội. Từ đó, cùng chia sẻ, chung sức, chung lòng với ngành Giáo dục”. - TS Nguyễn Đắc Hưng  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ