Truyện ngắn: Trăng treo trên sông

GD&TĐ - Xâm xẩm tối. Ánh Mặt trời đỏ rực sau một ngày thiêu đốt đã chậm rãi theo đường mòn phía Tây lặn xuống. Trăng nhú lên đầu bãi xa.

Truyện ngắn: Trăng treo trên sông

Xâm xẩm tối. Ánh Mặt trời đỏ rực sau một ngày thiêu đốt đã chậm rãi theo đường mòn phía Tây lặn xuống. Trăng nhú lên đầu bãi xa. Mùa này, nước ngập đến tận những ngôi nhà nhỏ mé sông. Ánh đèn trên khu làng bè bắt đầu bật lên. Màu vàng vọt rọi từng bóng người trên những ngôi nhà nổi.

Không gian tĩnh mịch. Dường như những bóng đèn không tích đủ năng lượng cho một ngày, mọi thứ mập mờ, mập mờ. Tiếng tắc kè vang xa trên đám ngô đang trổ bông. Một vài tiếng ì oạp dưới sông. Chắc giờ này vẫn còn mấy người kéo cá, tranh thủ nốt khi có ánh trăng để kiếm chác chút đỉnh, ngày mai lên bờ bán kiếm tiền đong gạo.

Thằng Diêm theo ba từ sáng. Nó vác chiếc thùng nhỏ, bỏ mấy chiếc lá phía trong, bò dưới đoạn sông cạn để tìm mấy con ngao, con hến. Đôi tay nó quờ quạng dưới lớp bùn nhão nhoét, đen và hôi.

Cái đầu nó lúc nào cũng ướt rượt, được che chiếc nón lá dừa. Bộ quần áo rộng thùng thình, được mấy cô chú trên bờ mang xuống từ thiện. Chỉ chực có nước xô tới thôi, nó muốn tụt văng ra xa, theo mấy khóm lục bình về tận hạ nguồn. Ba ngồi trên chiếc thuyền lá, thả lưới, lâu lâu ngoái lại ngó nghiêng xem thằng con ở đâu, đặng dặn nó chỉ được quanh quẩn gần bờ.

Mặc dù ba tuổi, Diêm đã được ba cho tập bơi, cho ngồi trên chiếc thuyền thúng long nhong giữa sông. Nhưng ba vẫn luôn nơm nớp lo sợ về những con nước của con sông này. Kể từ ngày thằng Thiềng hàng xóm ra đi vì một cơn lũ cuốn, ba Diêm luôn ám ảnh về những dự cảm, ngập ngừng dưới đây.

Mặc dù điều kiện gia đình eo hẹp, nhưng ông luôn mong những đứa con của mình được tới trường đủ đầy. Chỉ dịp hè, chúng tạm rời xa ghế nhà trường, ở nhà phụ ba má kiếm chút đỉnh. Nhiều hôm thấy con người ta vác cặp đi học, tung ta tung tẩy trên con đường làng, lòng ông không khỏi chùng xuống.

Nhà người ta có điều kiện đã hè rồi con cái vẫn được đi học thêm, học bớt. Đứa học Toán, đứa học tiếng Anh. Vài lần thằng Diêm cũng ngỏ ý muốn đi học, nhưng thấy ba má dưới sông cực, nó lại nín thinh, câu nói ngập ngừng nơi khóe miệng.

Mấy nay trời chuyển mưa lớn, những dèo cá trên sông dập dềnh. Trở lại những năm ngấp ngoải trước, cá trở mình, quẫy đạp trong tuyệt vọng. Bao đêm rồi, mưa vẫn ràn rạt trên mái tôn vàng khu sông nước.

Lũ nhóc xăng xái chạy ra sau bếp, lấy ca, xô, hứng nước mưa. Người lớn vội vàng tìm mấy tấm nilon, che lên phía trên để buổi tối ngủ không bị dột. Nước đục ngầu từ phía thượng nguồn đổ về. Mấy nay theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, những ngôi nhà nhỏ, sức chịu lực kém sẽ phải di dời vào khúc sông vắng, tránh trường hợp nước lớn, xô vỡ bè.

Nhưng phần vì tiếc đàn cá đang độ lớn, phần vì cắm sào trên sông một khu vực đã ổn định nên nhiều nhà dùng dằng, không muốn rời đi. Tuần rồi, hai ba chục nhà lên ngân hàng nông nghiệp, nhận tiền đền bù ngư cụ, chấp thuận di dời bè.

Nhưng nói là nói thế, một vài hộ nhận tiền xong, quay ngược lại trả nợ ngân hàng về vụ cá chết năm trước, còn được bao nhiêu gom về sống qua ngày nơi chốn cũ. Biết là Nhà nước tạo điều kiện cho mình gần bờ hơn mỗi ngày, nhưng mọi chuyện cứ thế ngập ngừng theo con nước trôi.

Một tuần nay bầu trời xám xịt, ánh trăng mờ đục không còn treo lập lờ dưới sông. Tiếng lộp độp trên mái nhà hằng đêm. Phía dèo bãi trước đã có lác đác vài hộ kêu cá chết. Những con cá diêu hồng, cá lăng, oằn mình trong dòng nước đục ngầu. Cố ngoi chiếc đầu lên để hít chút không khí cuối cùng rồi chìm hẳn xuống dèo, chờ tới ngày mai, nổi trắng trên một khúc sông.

Điệp khúc cá ăn sổ đỏ, cá ăn nhà, ăn đất ở, lại tiếp tục diễn ra trên khu vực làng bè. Diêm và mấy đứa bạn cùng trang lứa mang giỏ lớn sau lưng, lò dò sang khu vực dèo cá chết để xem còn bòn mót được những con nào ngấp ngoải, xin đưa lên bờ bán kiếm tiền mua sách vở, đồ dùng học tập và nộp tiền học phí hằng tháng. Tiếng ba gọi với theo:

- Đi cẩn thận nghe con, người ta cho thì lấy, không thì thôi, đừng có cố chui vào trong đó, nó tóm cổ ném xuống sông đấy.

Diêm cười hì hì, vâng dạ rối rít:

- Dạ con biết rồi ba, tụi con đi mót cá quen rồi, thấy mặt là cho liền hà. Không để chi uổng, rồi nó chết hết, không kịp bán thì chỉ đưa lên bờ làm phân thôi. Mót được con nào hay con đó, mấy nữa hôi rình cả một khúc sông, mình cũng ngửi chứ ai ngửi.

Thằng nhóc đáp lời ba gọn lỏn rồi nhào ra phía đám lục bình, kéo cái chậu lớn ngồi lên đó, lấy tay chèo đi nhanh chóng. Nó khua khua chiếc tay chèo nho nhỏ, ba vót dành riêng cho nó. Để mỗi khi cần đi lại trên sông, nó tự lấy ra, rồi lấy “đồ nghề” của mình để đi, khỏi phải nhờ tới người lớn lần nữa. Với tay ngắt một cọng cỏ mọc gần đám lục bình, nó ngậm ngang miệng, hệt một anh nông dân làng chài thực thụ.

* * *

Những người dân xóm bè, sống tập trung ven khu vực sông La Ngà. Ngày nắng, phụ nữ lên bờ nhận lục bình khô về đan giỏ. Đàn ông đi kéo lưới, kiếm cá. Những người khá giả hơn ở trên bờ xuống sông đầu tư nuôi cá dèo.

Ngoài giờ đi kéo cá, những người đàn ông da đen, lực lưỡng xin vào xưởng bốc vác cám, cho ra sông để những chủ dèo cá cho ăn hằng ngày. Một vài hộ khá giả hơn, sau bao năm kéo lưới, cũng có chút kinh nghiệm nên tự làm dèo nuôi. Bao nhiêu tiền cám, thức ăn, thuốc men đều lên đại lý trên bờ mua thiếu.

Tới lúc thu hoạch, lấy tiền cá trả tiền nợ cũ, còn bao nhiêu lại tiếp tục đầu tư xoay vòng. Cứ như thế được mấy năm yên bình, một số hộ trên làng bè khấm khá hẳn lên. Nhà lắp sẵn vô tuyến, đầu tư thêm vài ba dèo nuôi cá số lượng lớn.

Chia từng thể loại cá: Dèo này nuôi cá lăng, dèo kia nuôi cá diêu hồng. Những buổi sáng khi ông mặt trời nhú khỏi đám cây xanh phía Đông, rẽ một màu đo đỏ, vàng vàng dát lấp lánh trên sông, người ta nghe lũ cá quẫy đạp ràn rạt. Chúng nổi lên ăn cám buổi sáng.

Những con cá lăng, cá diêu hồng tung tăng, con đớp con quẫy, rộn ràng. Những người nuôi cá trên sông cũng mong tới lúc thu hoạch, thương lái mua được giá, thì bà con bớt khổ.

Nhưng ông trời, chẳng ưu ái làng bè được bao lâu. Năm trước mưa lớn tràn về đột ngột, lũ cá chết trong tức tưởi. Những hộ dân trên bè ì oạp kéo cá, lựa được ít những con còn hấp hối, đưa lên bờ.

Còn lại chẳng cứu được, người đứng hình chôn chân dưới sông, người âm thầm bỏ xứ mà đi. Ấy vậy mà cũng không có dấu hiệu ngưng, khi thấy ông trời năm nay có vẻ ổn định hơn một chút là mọi người lại xúm xít nhau lên bờ mua giống về nuôi. Bao nhiêu kinh nghiệm xương máu chưa làm cho người dân nản chí.

* * *

Nhà Diêm đợt ấy cũng theo phong trào, lên ngân hàng mượn tiền về đầu tư, được lứa đầu suôn sẻ, ba Diêm lấy tiền trả nợ, sửa sang lại mái nhà, mua cho mỗi đứa một chiếc cặp xinh xắn, bộ quần áo gọn gàng để tới trường. Nhà bốn anh chị em, Diêm là anh cả, lần đầu tiên sau bao năm đi học, nó có đủ đầy cặp sách và quần áo. Nhìn lũ nhóc vui râm ran, ba Diêm cũng không khỏi xúc động.

Những đêm trăng thanh bình, anh ngồi ngoài mái hiên, nhìn mấy đứa nhỏ chơi đùa, khao khát một ngày được lên bờ, cất ngôi nhà nhỏ, cho lũ nhóc thuận tiện đến trường. Ở dưới sông, năm nào chúng cũng phải tự mình bơi thuyền thúng vào bờ đi học, có hôm được bác trưởng khu tập hợp lại một lần, chở cả nhóm lên bờ, rồi lại quay ngược trở về chở tiếp.

Sự nghiệp học hành của lũ nhỏ cũng gian nan. Bao lần ba má tụi nhỏ xung quanh bắt nghỉ, vì nhà đông con, điều kiện kinh tế không có. Lại thêm việc đưa đón đi học hằng ngày, vùng sông nước, bất tiện, cũng chẳng ai có tiền nhiều để phụ bác trưởng khu chạy lên chạy xuống đổ xăng dầu. Huống chi mấy đứa đi học tốn thêm khoản này, khoản nọ.

Thôi thì cứ tặc lưỡi cho qua, mấy đứa làng bè ngơ ngác theo con nước trôi. Những khao khát bé nhỏ, khiêm nhường dường như đối với chúng cũng là xa xỉ. Những đứa trẻ ngang tuổi Diêm, đen ngòm và xấu xí. Chúng thường nhìn vào đám bạn ở trên vùng đất liền, với ánh mắt thèm thuồng và ganh tỵ.

Những đôi bàn tay nhỏ xíu, đen đúa vân vê chiếc áo đến trường muốn rách ra. Mấy đứa thiếu ăn, còi cọc, cảm giác chúng bơi trong bộ đồng phục đến trường, nặng nề với chiếc cặp choán gần hết cả người.

* * *

Có một đám ma trên sông, buổi sáng ấy, khi cả xóm bè đang chìm vào giấc ngủ thì nghe có tiếng la thất thanh. Phía bên kia dòng có người quẫn trí thắt cổ tự tử, nghe đâu cũng vì vụ cá chết, không còn đường lùi, xã hội đen xuống tận nhà dọa chém. Cha mẹ con cái ly tán.

Người chạy được thì gieo mình xuống sông, lặn trong đám lục bình, bò lên bờ và biệt tích. Người ở lại chỉ biết nhìn lên trời khấn vái, mong cho bọn đòi nợ cho khất thêm. Nhưng bọn xã hội đen, chúng nề hà ai bao giờ, thiếu nợ thì xiết, hết đồ xiết thì dọa dẫm, đòi chém, đòi giết. Nhiều người không chịu nổi áp lực. Đành buông xuôi.

Khung cảnh đám tang trên sông não nề, tiếng kèn, tiếng trống thê lương. Vài tiếng khóc ỉ ôi, nương theo con nước chảy. Đám lục bình dạt theo từng đợt đi của con thuyền lớn. Có lẽ khi chết rồi, người ta mới được đưa lên bờ, mang vào khu nghĩa địa của xã. Ở đó, người ta quy hoạch sẵn mộ huyệt, cũng bỏ ra một ít tiền để mua huyệt. Nhà nào quá nghèo, đành nương nhờ cửa Phật. Ông thầy chùa sẽ cho yên nghỉ trên nghĩa địa của chùa, rồi làm công quả, trả dần cho thầy.

* * *

Diêm còn quá nhỏ để hiểu những gì đang diễn ra trên dòng sông này. Hằng đêm, sau một ngày mệt mỏi lội sông, nó thường lấy chiếc ghế vuông ra ngồi trước cửa nhà ngắm trăng. Ánh trăng bàng bạc, rọi xuống lòng sông sâu thẳm. Khi tròn xoe, khi lại lưỡi liềm.

Trăng chòng chành trên sóng nước khi vô tình có một con thuyền đi qua, khua mái chèo. Nó cứ ước, giá mọi thứ yên bình như trăng, không có những ngày bão bùng, không có những khô cằn nắng gắt, để lũ nhóc như nó được đến trường thường xuyên, ba mẹ bớt lo toan muộn phiền…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.