1.
Trước giờ, Trung thu nào cả nhà cũng xuống phố mua sắm, xem múa lân và tối trăng tròn thì cùng nhau phá cỗ, tiếng cười vang cả xóm.
Năm nay, nhà chỉ còn hai mẹ con. Cu Ri cứ hỏi Trung thu này ba có về dẫn con đi coi múa lân, ăn bánh với mẹ con mình không? Tôi không biết nói sao, bảo để mẹ liên lạc ổng thử, dù tôi biết chắc người đàn ông phụ bạc ấy sẽ đưa cô gái trẻ đẹp và hai đứa con của cô ta đi chơi trăng…
Nhanh quá. Gã phủi áo ra đi vào mùa trăng khi con trai học lớp nhỡ. Năm nay Ri đã lớp 2, mỗi năm đôi lần, những dịp hiếu hỉ gã cũng về thăm con. Tội, gã ít về nhưng thằng nhỏ luôn miệng nhắc ba. Tôi cũng không nỡ gieo vào đầu con những ý nghĩ bi quan tàn nhẫn, cứ để con nghĩ tốt về ba, coi như gã và cả người làm mẹ như tôi đều có phước.
Đang ngồi dán mắt vào quảng cáo trên tivi, bỗng cu Ri quay lại hỏi: “Tết Đoàn viên là gì hả mẹ?”. Tôi trả lời cho xong chuyện, là tên gọi khác của Trung thu. Ri dường như chưa thỏa mãn với câu trả lời kiểu huề vốn, cong môi định hỏi vặn nhưng thấy mẹ buồn xo nên chuyển đề tài. Chắc là được di truyền sự nhạy cảm của mẹ, còn nhỏ nhưng luôn tỏ ra ý tứ.
Tôi cũng không biết nên vui hay buồn đây? Tôi không muốn con giống mình. Nhạy cảm quá thì dễ tổn thương, dễ làm mình chảy máu.
Như tôi bây giờ, dù biết cuộc hôn nhân đã qua là sai lầm, cuộc tình ấy chỉ có thể diễn tả bằng một câu, đến với nhau thì hạnh phúc, chia tay lại hạnh phúc hơn vậy mà vẫn đau khi nghe từ “Đoàn viên”. Nó làm vết thương trong tôi nhức nhối, khiến lòng tự tôn về giới bị miệt thị. Tôi bật khóc, không còn nước mắt để khóc mình nữa, tôi khóc cho tuổi thơ con.
2.
Đời người ta đâu chỉ buồn một lần.
Tôi có một cái nốt ruồi tròn vo đậu giữa trán. Hắn hay cốc vào cái nốt ruồi đó, bảo “búp bê ba mắt”. Ngày tôi còn một con mắt, điều đầu tiên làm tôi đau là nhớ tới cái hỗn danh “búp bê ba mắt” mà hắn thường gọi, rồi tủi thân, khóc nấc.
Cuộc đời xoáy còn mạnh hơn một quả bóng được sút căng, có phải cái đau lớn nhất của kiếp nhân sinh là không thể lường trước những việc sắp xảy ra? Chỉ vì một chút hiểu lầm thơ ngây mà tôi cự tuyệt hắn – mối tình đầu vừa chớm.
Ôm hồ sơ lên núi xin việc, yêu, lấy chồng, tôi để mọi thứ diễn ra cuống cuồng như một trận mưa đá. Nghĩ lại thấy hồi đó mình hồ đồ quá tay. Cái giá phải trả không hề nhỏ.
Vợ chồng chở nhau đi tìm niềm vui, chồng (cũ) tôi sần sần thì rất galant và lãng mạn nên gửi con cho nội rồi đùm tôi đi phố biển hẹn hò, gọi là hâm nóng tình yêu.
Có ai ngờ, xe tự lộn nhào, người thịt nát xương tan là tôi. Số phận đã khắc nghiệt tịch thu một con mắt, còn người đàn bà trẻ nõn xinh đẹp xưa nay “tranh tối tranh sáng” thì ngang nhiên lộ diện và cướp bố của con trai. Tôi đau như con ngựa trúng đao.
Một thời gian dài, ngôi nhà nhỏ có nhiều hoa cứ im ỉm đóng cửa. Cô giáo tới nhà thông tin con trai đi học có vẻ lơ đễnh, không lanh lợi vui đùa như mọi bận, cô cảnh báo coi chừng bé bị sốc, trầm cảm rồi qua tự kỉ.
Những lời của cô y như ca nước sôi tạt mạnh vào mặt, tôi đau quá mà tỉnh người.
3.
Sau khi bị hỏng một con mắt và con còn lại bị hiệu ứng lệch tròng thì tôi cực sợ ban đêm. Cũng tại con mắt quái ác, cứ rơi vào trạng thái ảnh bên Đông nhưng thấy bên Tây. Cơ khổ! Ba hai tuổi, tôi đường ngay ngõ thẳng không đi mà cứ đâm đầu vô gai, đau nhăn mặt mới nhớ không được phép đi nhanh.
Con người ta đâu có quyền bám chấp vào sợ hãi của mình mà tránh đối mặt với thực tế, dù là thực tế khốc liệt. Sợ nhất là phải ra đường vào ban đêm, đêm ở quê không có đèn đường, mùa Trung thu thì xe cộ, người ngựa chật như nêm. Nhưng đâu còn cách nào, tôi làm sao tước đi niềm vui Trung thu của con.
Đêm nay, nghe dân tình kháo nhau có đoàn lân to lắm ở dưới tỉnh về xóm núi múa. Nghe bảo ông chủ đoàn lân cũng là chủ của một lò võ. Vì hồi nhỏ thiệt thòi nên giờ muốn làm phúc cho trẻ em nghèo. Hóa ra, đời cũng còn có đàn ông tốt! - tôi trả lời vậy khi chị hàng xóm háo hức rủ tối đem con đi coi lân.
Thiệt là thảm hại cái bộ dạng tôi tay dắt con, tay cầm pin, quờ quạng, bước từng bước một đi tìm lân. Đội lân lớn đã lôi hết trẻ em trong xã theo chân. Ồn ào, náo nhiệt, ông bố bà mẹ nào cũng lấn lướt, đội con lên đầu để trẻ coi múa lân no mắt.
Giờ mới thấy, cuộc sống không thể thiếu đàn ông. Tôi không đủ sức để chen lấn, càng không thể bỏ thằng nhỏ lên đầu. Cu Ri đứng bên mẹ, không được xem lân nên cứ nhìn mấy nhỏ bạn đang ngồi chễm chệ trên đầu trên cổ những ông bố vĩ đại.
Thấy con thèm thuồng, trong tôi chỉ có một ý niệm là, giá còn gã, giá có bờ vai...
- Nhóc, leo lên đây coi nè!
Có tiếng nói ồm ồm như sấm, vừa nói vừa bế thốc cu Ri bỏ lên chiếc xe của đoàn lân. Không nhìn được rõ mặt nhưng thấy bộ dạng hết sức tự nhiên thì tôi hiểu đây là ông chủ của đoàn lân. Cu Ri ngồi trên xe, rất vui vẻ xem lân. Tôi đứng nhìn con, thấy thằng nhỏ vui nên cũng vui lây.
Không được rồi, người càng lúc càng đông, ai cũng chen nhau đứng, đoàn lân lớn lại chỉ về có một đêm nên đông người xem quá. Cu Ri loay hoay bám vào thành xe, đứng dậy, nhón gót lên, vẫn không thấy, cuối cùng ngồi xuống, chắc là mỏi nhừ (hay tủi thân) khóc hu hu.
Tôi thấy con như vậy thì nhào tới, vừa lúc đó một tốp người ùa vào, chặn hết lối đi. Khó quá, tôi phải lấy hết sức để ủi, miệng bai bải, cho qua chút. Tôi nói tôi nghe chứ tiếng trống lân, tiếng la hét của mấy nhỏ vang trời thì ai đâu để ý cái tiếng đã nghèn nghẹn của tôi. Nhưng con đang khóc. Không sợ va chạm nữa, tôi rướn ào tới. Rồi cũng len đến chiếc xe của đoàn lân.
Cu Ri đâu rồi? Đừng nói chen vào đoàn người rồi nha? Nhỏ giờ mẹ cưng như cum núm, đi học thì có người đưa đón, xóm này là vùng kinh tế mới, thằng nhỏ không có họ hàng, không quen đường sá, cứ theo đoàn lân thì biết đường nào mà về, rồi xe cộ đông đúc, rồi lỡ có người bắt cóc… hàng loạt những giả định hiện ra trong đầu. Tôi làm sao sống được mà không có con trai.
Nhớn nhác, căng con mắt bệnh hoạn ra tìm, vẫn không thấy gì ngoài những bóng người nhập nhoạng. Ri ơi, con ơi…!! Tôi vừa chen lấn vào đám đông, vừa kêu vừa khóc.
4.
Tôi chẳng biết mình đang đi đâu, chỉ bước theo tiếng trống lân. Vừa đi vừa quẹt nước mắt.
Những chiếc xe chạy ngược chiều rọi vào mặt, tôi vẫn để mặc mình khóc. Có tiếng nói khẽ, cổ lạc mất con rồi!
Lân đã rã thì người xem cũng lũ lượt về. Người ta về hết rồi, chỉ còn đoàn lân đang thu dọn đồ đạc lên xe, Ri của mẹ đâu rồi. Lạc mất con rồi, mới nghĩ thôi thì tôi đã hoàn toàn suy sụp, đôi chân mềm oặt, không thể đứng được nữa, tôi ngồi sụp xuống rìa đường, hu hu khóc.
- Mẹ, mẹ ơi, con nè, Ri của mẹ nè!
Nghe tiếng con, ngước lên nhìn thì thấy Ri phi từ cổ ông chủ đoàn lân chạy thẳng lại, ôm chầm tôi. Tôi ôm chặt con vào lòng, mẹ sợ con đi lạc…
- Có chú kia dẫn nên con mới dám đi.
Tôi lại tận chỗ, cảm ơn người lạ đó rồi đưa con về. Sao cái dáng ấy thấy quen quen, quen lắm, hình như người này đã từng xuất hiện đâu đó trong kí ức của mình. Nhăn mặt nghĩ, cố nhớ, vẫn không thể. Thôi, không nghĩ nữa, ai kệ họ.
Tôi dặn con:
- Bữa sau đừng có bỏ đi như vậy nha. Ai rủ cũng không đi, nói mẹ con sẽ khóc!
- Con nói mẹ sẽ khóc thì chú ấy bảo là bạn học cũ của mẹ đấy.
- Bạn học? Chú “dụ” cho con an tâm á. Mẹ không quen chú ấy.
- Nhưng mẹ đã kịp nhìn chú ấy đâu?
- Ờ…
- Mẹ, chú ấy bảo tối mai đội lân sẽ vào nhà mình múa đấy, mẹ cho không?
- Sao bảo lân chỉ về một đêm?
- Chú ấy nói, tối mai muốn tặng ai đó món quà Trung thu đặc biệt nên lại về nữa… Cho không mẹ?
- Thế cái vườn hoa trước sân của mẹ thì sao? Chắc tan tành quá. Tôi giả bộ khóc hu hu để cầu cứu, hy vọng con trai sẽ chiếu cố cái đam mê hoa lá của mẹ mà đừng đem lân về nhà!
- Thôi, mẹ đừng khóc, chú ấy bảo, Trung thu không được khóc!
Trung thu không được khóc! Ngày xưa, cũng có người từng nói với mình như thế khi Trung thu bị bệnh, không thể đi xem lân. Anh, gã trai cùng xóm ngày xưa không biết bây giờ thế nào rồi? Anh có mãi đứng phía sau em như đã từng hứa…
Tôi nghĩ xong thì đỏ mặt, hy vọng rồi lật đật thu vòi, hy vọng làm gì để thất vọng. Tôi bây giờ không đủ sức để có bất kì một mộng tưởng nhỏ nhoi nào về đàn ông nữa.
Ảnh minnh họa ITN. |
5.
Cuối cùng rồi cũng tới “tối mai”.
Từ chiều, cu Ri đã tắm rửa sớm sủa, áo quần bảnh bao, ăn cơm xong thì cứ ngồi trước hiên nhà hóng lân. Chỉ cần nghe một tiếng cắc tùng ở đâu đó vang lên thì mừng rỡ: “Mẹ ơi, lân tới”… Phải ba lần “mẹ ơi, lân tới…” cu Ri mới bình tĩnh, chống cằm ngồi đợi.
Tôi thấy con nóng gan nóng ruột đợi lân mà thương đứt ruột. Chỉ sợ chú nào đó vui miệng hứa bừa, báo hại thằng nhỏ không đi coi lân với bạn mà ngồi đợi, tội chết. Trẻ con được mấy mùa Trung thu?
Nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định lên khuôn, tối nay Trung thu, tôi sẽ chở con xuống dưới nông trường coi múa lân. Năm nào dưới đó người ta cũng rước đoàn lân to dưới phố về múa để phục vụ cho các em nhỏ.
Tôi mặc đồ xong, lại gạt chống định dắt xe. Cu Ri hỏi đi đâu, tôi bảo chở con đi coi lân siêu đẹp. Mẹ vừa nói xong thì Ri ré lên: “Lân tới thật rồi mẹ ơi, biết ngay, con đã sắp khóc thì chú ấy tới liền, Trung thu không được khóc mà!”.
Quả là món quà bất ngờ cho cu Ri thật. Đoàn lân đến một cách lặng lẽ, không cắc tùng nên Ri ta đang âu sầu, không để ý ra ngoài ngõ, đến khi đứng dậy cho mẹ dắt xe thì đoàn lân đã tràn vào sân.
Sau tiếng “ré” sung sướng của cu Ri thì tiếng cắc tùng đã nối tiếp. Lân nhảy, múa, uốn lượn, chồm tới, thoái lui, giỡn bóng, nằm ngủ, phóng sang tả, hất sang hữu. Trẻ nhỏ trong xóm cũng lần lượt kéo tới, đứng chen chúc nhau trong khu vườn nhỏ của tôi.
Cu Ri thấy nhà có bạn tới nhiều, mừng quá, đi qua đi lại, chào bạn này, nói chuyện bạn kia. Sau một hồi trao đổi gì đó, mấy nhóc đã nhào vô sân, cũng tiến thoái uốn lượn bên cạnh lân. Lân ta khoái chí, làm nhiều động tác để phối hợp ăn ý với mấy nhóc. Ông Địa cũng hoạt hơn, khịa mấy nhỏ trong sân, khịa luôn mấy nhỏ đứng xung quanh.
Chưa bao giờ (từ lúc gã đi) nhà tôi lại tưng bừng rộn rã đến vậy. Tôi đang khóc! Dù biết “Trung thu đừng có khóc” nhưng đây là những giọt nước mắt hạnh phúc. Tôi để nó long lanh trên má mình cho niềm vui đêm Trung thu thêm đáng nhớ.
Bỗng lân vờn qua chỗ tôi đứng, giọng trầm khàn: “Trung thu mà, đừng có khóc nữa!”.
Trời ơi, bao năm rồi tôi vẫn không quên giọng nói đó. Tôi đứng dựa cột mà bủn rủn tay chân. Ai đã đưa anh đến đây, chị Hằng hay bà Nguyệt? Để nguyên giọt nước trên má, tôi mỉm cười hạnh phúc. Cảm ơn cuộc đời, may mà có Trung thu…