Hà là mẹ của 36 đứa con. 36 đứa con không kêu Hà là mẹ mà kêu là cô. Cô ơi… cô ơi. Nghe dễ thương gì đâu. Đấy là những lúc chúng ngoan ngoãn thôi, còn những lúc nghịch ngợm thì thôi rồi, không hiền lành được nữa, phải “trợn mắt, phùng mang” (như các chị đồng nghiệp diễn tả) mà đe, rồi thì phân tích, khuyên nhủ...
Làm giáo viên chủ nhiệm cũng phải sử dụng đủ chiêu trò đấy em ơi. Chị đồng nghiệp tâm sự. Cứ làm đi rồi sẽ quen, sẽ có kinh nghiệm. Học sinh mỗi đứa một tính, mình phải quan sát, nắm được tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của chúng là gì thì mới quản lí lớp tốt được.
Tháng đầu tiên, lớp Hà đội sổ thi đua. Về đến nhà, Hà đổ vật ra giường, chẳng muốn ăn uống, cũng chẳng tha thiết tắm rửa, chỉ muốn ngủ một giấc thật dài, quên hết mọi chuyện. Mẹ khuyên mãi chẳng được đành để mặc cô con gái muốn làm gì thì làm. Giờ mới hiểu hết câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.
Chúng nghịch ngợm kinh khủng. Nhất là bộ ba anh chàng “ngự lâm pháo thủ” (biệt danh Hà đặt cho chúng). Trốn học như ăn cơm bữa. Sáng mặc đồng phục nghiêm chỉnh đến trường, đầu giờ có mặt cho cô điểm danh xong lại tót ngay xuống sân, chẳng biết bằng cách gì mà mượn được đồng phục của mấy học sinh đi học thể dục, thế là thay ra ngay và cúp cua ra quán cà phê ngồi, hết giờ lại về nhà trong vai con ngoan trò giỏi.
Nghe mấy học sinh khác trong lớp kể lại chiến tích năm lớp 7 của ba anh chàng mà Hà chỉ biết ngán ngẩm thầm. Cúp cua là chuyện như cơm bữa. Còn đua xe, lạng lách gây tai nạn nữa cơ. Rồi thì thuốc lá điện tử. Hẹn bạn ra đánh hội đồng. Nói chung, chẳng thứ gì mà ba chàng chưa thử qua. Đúng kiểu học sinh cá biệt. Thiệt là đau đầu.
Mấy chị đồng nghiệp mỗi lần gặp Hà với gương mặt chẳng mấy vui vẻ toàn động viên: Thôi cố lên em ạ, chịu đựng chúng nó một năm chứ không có cách gì giáo dục được đâu. Hà chưa tin lắm. Trường là nơi giáo dục học sinh cơ mà, sao lại không thể giáo dục được. Ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, Hà rất thích môn tâm lý học lứa tuổi.
Cái giai đoạn dậy thì này thường hay bị khủng hoảng, thay đổi tính cách, thích chứng tỏ. Những học sinh nghịch ngợm là những em có vấn đề về tâm lý cần phải được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn. Hà tin rằng mình sẽ tìm ra cách giúp các em nhận thức được đúng sai, tự giác học tập và thay đổi tính cách.
Dù đồng nghiệp nhìn Hà cười thương hại, Hà cũng sẽ không bỏ cuộc. Giáo viên mới thì sao, dù chưa có kinh nghiệm nhưng Hà có tình yêu thương. Tình yêu thương có thể thay đổi thế giới, Hà tin là vậy.
Bước đầu, Hà gặp riêng từng em một, giải thích, khuyên nhủ. Cô hy vọng qua việc phân tích đúng sai, các em sẽ hiểu được và thay đổi. Mỗi ngày, Hà đều đến lớp sớm hơn mười lăm phút, nhắc nhở lớp trực nhật, canh gặp ba học sinh cá biệt để tâm sự, nói chuyện. Nhưng đã là học sinh cá biệt thì đâu có dễ mà gặp.
Đúng chuông reo mới tà tà đi vào lớp. Nói chuyện với cô mà mắt chúng nhìn đi đâu ấy, chẳng thèm nhìn cô nửa ánh mắt. Có khi chúng nhướng mắt tỏ thái độ khi cô đề cập đến cha mẹ gia đình sẽ buồn bã, thất vọng khi thấy con hư. Hà còn nghe tụi nhỏ kháo nhau rằng ba học sinh ấy thách cô quản lí được chúng. Cô phải kiềm chế bản thân hết mức mới không xử phạt ba đứa.
Tuần thứ hai lớp Hà đội sổ thi đua.
Rồi tuần ba, tuần bốn… cũng y chang vậy. Luôn luôn là bị trừ điểm vì học sinh cúp học, trốn tiết đi chơi.
Đồng nghiệp ai cũng nhìn Hà bằng con mắt thương hại khi thầy hiệu phó mời cô lên phòng làm việc. Thầy bảo em phải gặp phụ huynh, giáo viên không phải là ông bụt, bà tiên để có thể giơ đũa thần là học sinh từ cá biệt chuyển sang ngoan ngoãn được.
Giáo dục là cả một quá trình dài, rất dài, có khi thất bại nữa chứ không phải bao giờ cũng thành công. Nhưng chúng ta là nhà giáo, chúng ta phải kiên nhẫn và vị tha. Các em chỉ cần thay đổi 1/10 thôi cũng đã là thành công rồi, sau này ra đời, cọ xát thực tế, tự bản thân các em thay đổi.
Gia đình, nhà trường không thể dạy được thì chỉ còn cách để xã hội dạy bảo. Nên em đừng quá thất vọng khi các em chưa thay đổi. Hãy kiên trì, thật kiên trì nhé. Hà vâng vâng dạ dạ suốt buổi nói chuyện. Cô biết bản thân thiếu kinh nghiệm thực tế, mà chỉ lòng nhiệt thành thôi thì chưa đủ để giải quyết vấn đề.
Vừa may, cô bạn cùng khóa nhắn tin rủ Hà tham gia group giáo viên. Đây là nhóm Zalo của các giáo viên để vừa trao đổi chuyên môn vừa trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, chủ nhiệm lớp. Hà đem vấn đề của lớp mình ra xin ý kiến, thế là rất nhiều thầy cô đi trước góp ý cách giải quyết. Hà như được mở rộng tầm mắt, vô cùng vui mừng.
Việc đầu tiên là gọi điện cho phụ huynh để phối hợp tìm hiểu gốc rễ lí do vì sao ba em này lại ngỗ nghịch. Thường học sinh cá biệt hay gặp vấn đề về tâm lý, mà vấn đề ấy 90% là xuất phát từ gia đình. Chỉ khi giải quyết được cái gốc mới mong thay đổi được các em.
Những thầy cô đi trước đã chỉ bảo Hà như thế. Quả nhiên gia đình ba em này có vấn đề vì gọi hẹn mãi mà phụ huynh cứ lần lữa từ chối, có em thì phụ huynh chẳng thèm nghe máy, nhắn tin cũng chẳng thèm trả lời. Hà nhận ra gia đình của các em chẳng hề quan tâm gì đến việc học hành của con cái, hèn chi các em lại vô tư cúp học mấy năm trời.
Đành phải dùng biện pháp tiếp theo là tìm đến tận nhà, “canh” để gặp được phụ huynh. Biện pháp này thì hơi nhiêu khê chút. Đầu tiên là phải lân la dò hỏi các em khác trong lớp xem ai biết nhà của ba học sinh kia không. May quá, lớp trưởng ở gần nhà Lâm – anh chàng “đầu sỏ” của trò cúp học, hút thuốc. Qua lời kể của lớp trưởng, Hà biết được ba mẹ Lâm đã ly dị, Lâm ở cùng ba và mẹ kế.
- Bạn Lâm hồi nhỏ toàn bị em bạn ấy đánh á cô, nhưng ba với mẹ kế toàn bênh em bạn ấy nên đánh bạn ấy, đổ lỗi cho bạn ấy. Có lần Lâm trốn đi mấy ngày, lang thang ở hết nhà bạn này đến bạn khác, ba bạn ấy cũng chẳng thèm đi tìm. Sau ba mẹ mấy bạn kia phải dắt Lâm đến tận nhà trả thì ba bạn ấy mới lôi vào đánh cho một trận tội tập tành đi bụi.
Hà nghe mà thương quá. Không ngờ Lâm lại có hoàn cảnh đáng thương như vậy. Nắm được gốc rễ vấn đề, Hà liền ra quán cà phê, đề nghị được gặp riêng Lâm. Nó hơi ngạc nhiên trước thái độ lạ của cô giáo nhưng vẫn đồng ý qua bàn riêng nói chuyện. Hà đề nghị kèm cho Lâm học, miễn phí hoàn toàn:
- Em cứ yên tâm. Cô sẽ kèm ba đứa học. Cô nghĩ sau khi lấy lại kiến thức căn bản, ba em sẽ tự tin vào lớp học cùng các bạn. Mỗi chiều tới nhà cô nhé. Chiều nào cô cũng rảnh đấy.
Ba đứa thì chỉ mình Lâm tới. Không sao, bắt đầu với anh chàng “chủ soái” này vậy. Nếu Lâm thay đổi được thì hai bạn kia cũng sẽ ít nhiều thay đổi theo vì ít ra hoàn cảnh gia đình hai bạn ấy đỡ phức tạp hơn Lâm, chỉ là ba mẹ bận làm ăn quá bỏ bê con cái thôi.
Ngày đầu tiên, Hà nhờ Lâm cùng làm việc lặt vặt trong nhà. Cô trả công sòng phẳng nhé. Yên tâm. Thằng bé nghe trả công thì gật đầu với hai phần tin tưởng tám phần nghi ngờ. Vừa làm việc, Hà vừa gợi chuyện phiếm để nói.
Chuyện đâu đâu ngoài xã hội, rồi các lớp trong khối, tới các bạn trong lớp nhằm tìm hiểu xem cách suy nghĩ của Lâm như thế nào. Không ngờ thằng bé lại sáng dạ hơn Hà tưởng. Nó có những nhận định, cách giải quyết vấn đề khác hẳn các bạn đồng trang lứa, có phần già dặn hơn.
Qua những lần làm việc trả công như thế, Hà nhận thấy Lâm dần dần có cảm tình với cô hơn. Đáng mừng hơn là hai bạn kia nghe Lâm kể cũng tới nhà cô giáo, giúp việc để được trả công. Thế là bước một đã tạm thành công. Sang bước hai: Nhờ chấm bài tập của các bạn khác. Vẫn trả công đàng hoàng nếu như chấm đúng.
Muốn chấm đúng thì phải có kiến thức, thế là ba anh chàng vật vã tìm hiểu, cứ cô ơi, chỗ này đúng chưa. Cơ hội đến rồi, Hà liền nhân cơ hội đó mà giảng giải, giúp các em hiểu được công thức, cách giải. Dần dần, ba đứa đã biết nhận ra lỗi sai của bạn, nhưng sửa sao cho đúng thì vẫn còn vấp lên vấp xuống.
Vài tháng sau, ba đứa đã “cô ơi, cô à” rồi. Nghe tiếng kêu của ba đứa như tiếng ríu rít của bầy sẻ nhỏ. Cơ hội thực hiện bước ba đây rồi. Hà tặng quà và tổ chức sinh nhật cho từng đứa. Đứa nào đứa nấy rưng rưng khi được tổ chức sinh nhật.
- Ba mẹ em chưa bao giờ nhớ ngày sinh của em. – Mắt Lâm đỏ hoe.
Hà vuốt tóc em, dỗ dành:
- Từ nay, mỗi năm cô đều sẽ làm sinh nhật cho em và hai bạn nhé.
Ba đứa ôm cô khóc. Hà cũng khóc. Thì ra cái chúng cần là tình thương gia đình.
Thế là ba đứa học sinh cá biệt bắt đầu ít cúp học hơn, bởi những lần chúng cúp học, cô Hà sẽ buồn buồn nhìn chúng. Cô không mắng, cũng chẳng giải thích, răn đe. Cô chỉ im lặng buồn bã nhìn chúng. Ánh mắt thất vọng của cô làm ba đứa cụp mắt không dám nhìn thẳng.
Từ đó, chúng đến lớp đầy đủ. Giờ ra chơi nào, cô cũng xuống lớp, cô nhờ các bạn học giỏi bộ môn phụ đạo cho ba đứa. Cô còn thuyết phục vài bạn học giỏi trong lớp đến nhà cô kèm các bộ môn cho ba đứa. Dĩ nhiên, mỗi lần đứa nào được điểm 9, 10 cô đều có phần thưởng.
Thấm thoắt cũng gần kết thúc năm học. Giáo viên bộ môn nào cũng ngạc nhiên trước sự tiến bộ của ba học sinh cá biệt. Dẫu học lực các em vẫn chỉ là đạt nhưng bảng điểm chỉ lưa thưa vài con điểm dưới trung bình mà thôi và không phải phiền thầy cô bộ môn vất vả ôn thi lại.
Thầy hiệu phó lại mời Hà lên gặp riêng. Lần này thầy nhìn Hà mỉm cười:
- Chúc mừng em, phụ huynh gửi thư cảm ơn nhà trường, khen cô chủ nhiệm rất nhiều.
- Dạ, em cảm ơn thầy. Em cũng chỉ cố gắng làm tròn vai trò người giáo viên chủ nhiệm thôi ạ. Em còn phải học hỏi các anh chị đồng nghiệp nhiều ạ.
Buổi liên hoan cuối năm diễn ra thật ấm áp. Cô mời cả lớp uống nước mía và ăn bánh tráng trộn. “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” tặng cô Hà một chiếc hộp bí mật, không cho cô mở ra trước cả lớp, dặn cô đến nửa đêm mới được mở.
Các bạn trong lớp rần rần đoán ba đứa lại định chơi khăm cô mới khăng khăng bắt cô hứa nửa đêm mới được mở. Hà hứa, còn ngoéo tay thề và bảo đúng nửa đêm sẽ mở quà, quay video làm bằng chứng gửi ba đứa, nhưng cả ba phải hứa với cô hè sang nhà cô chơi nữa nhé.
Nửa đêm hôm ấy, Hà đặt điện thoại lên bàn bật chế độ quay video, cô hồi hộp mở quà. Nhớ lời ba đứa dặn phải tắt hết đèn, Hà thắp một ngọn nến nhỏ để điện thoại có thể quay phim được. Khi Hà vừa mở nắp hộp giấy ra, bao nhiêu là ngôi sao sáng lấp lánh.
Ôi đẹp quá, một cái chuông gió với rất nhiều ngôi sao lớn nhỏ, có những ngôi sao được sơn dạ quang phát sáng. Hèn chi chúng dặn Hà phải mở nửa đêm, lại phải tắt hết đèn. Hà vui mừng cầm món quà trên tay nâng niu. Không ngờ ba anh chàng ngỗ nghịch lại tâm lý như vậy.
Còn có một mảnh giấy dưới đáy hộp nữa chứ, vỏn vẹn một câu ngắn: “Tụi em mua quà bằng tiền công cô trả đấy ạ. Vui vẻ nhé cô”. Dễ thương quá. Hà treo chuông gió lên trần nhà. Trong bóng đêm, một bầu trời sao hy vọng lấp lánh. Ừ, đừng bao giờ từ bỏ hy vọng, có phải các em muốn gửi gắm tới cô thông điệp ấy không? Hà tự hỏi rồi lại tự mỉm cười. Những vì sao xanh theo cô bay vào giấc ngủ…