Căn phòng ở Trung tâm Hỗ trợ việc làm nóng hầm hập bởi đám đông người đứng ngồi ngóng về phía quầy tiếp dân. Nhất cử nhất động của nhân viên trung tâm sau quầy kính đều được tầm ấy ánh mắt quan sát, mong cho nhanh đến lượt.
Ngoài sân chỗ đậu xe, các bé tuổi nhà trẻ theo ba mẹ đi khai hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp cũng ngóng qua cửa sổ nhìn vào phía trong quầy kính. Tú Di ngẫm trong đầu, may là cô đến từ 6 giờ sáng lấy số thứ tự, không thì giờ này vẫn còn đứng phía ngoài kia.
6 giờ sáng trung tâm còn đóng cửa, bên ngoài xe đã đậu chật lề đường chỉ chờ cánh cổng mở ra là ùa vào. Nhiều bộ cánh thời trang xen lẫn trong những bộ quần áo cũ kỹ, lam lũ đang sốt ruột chờ bóng dáng chú bảo vệ.
Di là người nhanh nhẹn nên cô biết cách lách đám đông để vào cửa trước, nhưng vào được trong trung tâm thì cái nhanh nhẹn của cô cũng phải bình đẳng trước đám đông. Mười mấy năm trước, Di đã đi nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng cô không khỏi ngạc nhiên vì số người đông không tưởng lần này.
Chiếc quạt sau ô kính các nhân viên trung tâm đang ngồi thổi phành phạch. Nhìn lại hai chiếc quạt phía mình đang mòn mỏi quay trái, quay phải Di muốn gạt những người ngồi phía sau, nhón chỉnh cho chạy hết công suất.
Nhưng cô vẫn ngồi yên. Một cô gái trẻ, tay ẵm con được khoảng 10 tháng trên tay trờ tới, khuôn mặt mệt mỏi và lo lắng. Nhìn bộ áo quần thì có lẽ dân quê mới lên thành phố, lần đầu khai bảo hiểm thất nghiệp.
“Alo, đang xin trợ cấp thất nghiệp hả?”, cô bạn bỏ phố về quê gọi điện, cả phòng đổ dồn ánh mắt về phía Di. Giọng cô bạn chan chát trong điện thoại: “Bỏ hết làm lại từ đầu đi. Bỏ thằng bồ mày luôn đi, chán lắm. Yêu mãi chả cưới, mày 40 rồi, còn trẻ nữa đâu. Về Hội An làm du lịch với tao.
Thất nghiệp thì làm tiếp tân nhà hàng, khách sạn hay đi bưng bê chờ việc cũng được. Lúc nào cũng có việc cho mày làm, mày có mất sức lao động đâu. Hội An thanh bình lắm, ít ai cày như điên giống như ở Sài Gòn. Ở đây nhà nào cũng cạnh ruộng, ra sân nhìn lúa vàng, rau xanh xen lẫn đẹp lắm.
Buồn thì đi ngắm Mặt trời buổi sáng sớm hay hoàng hôn ngoài biển. Biển lộng gió mát mẻ, tha hồ mà nằm dài ra bãi cát thư giãn. Ra đây vừa làm vừa chơi. Biết đâu lấy được ông nào 50 - 60 tuổi, làm bà chủ ruộng. Xưa gọi là điền chủ đấy”.
“Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây”, Di đùa để cô bạn bớt hăng tiết, để tạm lắng cơn tự dằn vặt mình.
***
Cô bé ngồi bên cạnh khều Di:
- Em không biết điền giấy xin trợ cấp thất nghiệp, chị chỉ em điền với.
Nhìn sang cô bé lọt thỏm trong chiếc áo chống nắng to đùng, đeo khẩu trang che kín khuôn mặt. Di nhớ lại thuở mới đi làm, mình lanh lợi hơn cô bé bên cạnh nhiều. Siêng năng, xông xáo, Di được sếp giao nhiều việc làm việc đến khuya. Cuối tuần cũng không ngại đến công ty.
Sau ba năm đi làm, Di chuyển từ công ty nhỏ sang công ty lớn. Sáng nào cũng khoe quần là áo lượt, khoe thời trang ở thang máy trong tòa nhà ở trung tâm thành phố. Mẹ Di ở quê tự hào về con gái, hay khoe hàng xóm “con gái tui giỏi lắm, nó đi làm được sếp tin yêu dữ lắm. Có lúc sếp giao tay hòm chìa khoá công ty luôn.”
Di sốt ruột vì phải chỉ dẫn cô bé trong khi bận đợi đến lượt mình nộp hồ sơ. Vừa chỉ cô bé, Di vừa đưa mắt tìm một điểm thu hút mình để khỏi gắt gỏng. Tờ quảng cáo tìm nhân lực xuất khẩu lao động trên tường ghi tiêu chuẩn sang nước ngoài làm việc.
À, Nhật Bản tuyển người lao động chân tay, y tá. Di chỉ biết tiếng Anh thôi, qua Nhật chắc phải làm vườn. Hồi nhỏ ở quê cũng phụ ba mẹ việc ruộng vườn, gần 20 năm nay Di chỉ ngồi cả ngày trong văn phòng, sức đâu mà đi hái trái thu hoạch vườn bên ấy.
***
Trong căn phòng nhốn nháo người xin trợ cấp thất nghiệp những khuôn mặt trung niên chiếm đa số đã tìm được đám đông cho mình. Nhiều nhóm rôm rả nhận ra đồng hương mà giờ mới biết mặt, biết tên. Cô gái trong bộ đầm linen xanh ngồi phía trước Di đang dán mắt vào điện thoại.
Chiếc túi đắt tiền bên hông là điều Di ao ước lâu nay, tưởng chừng mấy năm nữa sẽ có. Hay là làm quen với cô ấy, biết đâu có mối mang giới thiệu việc làm. Nhưng cô gái phía trước khăng khăng nhìn chăm chú vào điện thoại, cố gắng không để người xung quanh bắt chuyện.
Di nhìn các chị trạc tuổi ngồi xung quanh, tìm kiếm một chút lạc quan, rướn người qua phải nghe ngóng câu chuyện của nhóm phụ nữ trạc tuổi mình, mặc đồng phục như nhau. 5 chiếc áo chống nắng mà họ diện bất cứ nơi đâu đang tụ thành một nhóm.
- Tui đợi một năm rồi rút bảo hiểm một lần. Giờ chị định làm gì, có về quê không? Chị bảo mẫu hỏi chị công nhân hãng giày.
- Tui kiếm nhà máy làm tiếp, ráng làm cho đủ tuổi hưu. Tui mướn nhà hết 3 triệu rồi, nghỉ rồi tiền đâu trả. Mấy tháng này thất nghiệp may có ông bồ tui chạy xe tải hùn vô cũng đỡ. Chứ không chắc phải về quê rồi, lấy chỗ đâu cho con gái ở trọ đi học. Tui làm chỗ này hơn 10 năm rồi, nghỉ cũng tiếc lắm chứ.
Tuổi 40 hãnh tiến của phụ nữ trưởng thành đấy. Di, nhiều kinh nghiệm, không vướng bận gia đình con cái, từng là “nô bộc mà tư bản khoái” như cô và bạn bè hay kháo nhau khi nói về chuyện nghề, chuyện đời.
Công ty nào cũng muốn nhân viên cày sâu cuốc bẫm, cống hiến bất kể thời gian mà không đòi hỏi. Phụ nữ độc thân không gia đình đã từng là lợi thế khi cô đi xin việc, dù rằng Di vẫn hay nhận được câu hỏi: “Ở một mình có buồn không? Mai mốt già không có con cái thì ai chăm?”.
Vậy mà Di cũng đi qua 10 năm tích lũy được một chút mua nhà chung cư trả góp. Vẫn còn phải trả góp hơn 5 năm, Di chưa biết tính sao. Thất nghiệp rồi, đâu còn khoản lương mỗi tháng đắp vào. Mân mê tập hồ sơ trong tay, Di chợt nhớ ra lâu rồi mình không đi làm đẹp, móng tay quen với lớp sơn xanh đỏ đã vàng khô cứng.
***
- Chị bị công ty đuổi hả?
- Không có, quản lý chửi quá, kiếm chuyện hoài nên tui nghỉ. Tui phải ráng nhịn không gây lại. Mấy tháng đó, để lỡ mất hết quyền lợi thâm niên, bảo hiểm thì sao. Nó vin vô cớ này kia cắt hết. Thấy tui nộp đơn xin nghỉ là nó dịu lại liền. Vì mình tự nghỉ mình tự chịu, chứ nó cho nghỉ là nó phải đền mình sao.
Chị bảo mẫu thất nghiệp kiên nhẫn tra hỏi, chị công nhân hãng giày vẫn kiên nhẫn trả lời. Di bất giác nhìn sang chị công nhân, sao giống chuyện của mình. Mới ba tháng trước, mấy vị giám đốc nơi công ty Di làm lục tục kéo nhau nghỉ.
Chỉ còn một vị giám đốc điều hành và hai vị trưởng phòng ở lại làm nhân viên phải rên siết trước cách quản lý vắt chanh bỏ vỏ. Di vẫn là trưởng nhóm nhưng phải kiêm quản lý tất cả các nhóm chuyên môn.
Việc của của người trưởng phòng mới nghỉ đã vào tay cô. Lương thì bị giảm từ năm ngoái. Lúc đó, giám đốc công ty vẫn ngọt ngào “khi nào tình hình khá hơn, công ty có lãi lại thì sẽ trả đủ lương cho các bạn như cũ”. Riêng Di lại có lời hứa cất nhắc cô từ trưởng nhóm lên trưởng phòng.
Trong công ty ai cũng tin vào điều đó. Di cố gắng chăm chỉ hơn trước, đốc thúc người khác tăng năng suất trong khi nhiều người đã bỏ công ty vì chịu không nổi cường độ làm việc với mức lương ít ỏi.
Di tự nguyện kiêm thêm nhiệm vụ kéo khách về cho công ty. Vị giám đốc điều hành thường xuyên khen cô trong cuộc họp vì tinh thần cống hiến. Nửa năm sau, lời khen mất dần, thay vào đó là những lời bắt bẻ, chê bai gắt gỏng, mặc cho khối lượng công việc khổng lồ cô đã hoàn thành. Cứ vào họp là Di phải cãi nhau với cấp trên.
Di chán nản, âm thầm tìm công việc mới. Sức ép tuổi trung niên đi tìm việc đúng là quá sức của cô. Hàng ngàn đơn xin việc rải lên mạng không có hồi âm. Di có cảm tưởng như các công ty chỉ đăng quảng cáo tìm nhân viên khống, không biết họ có đọc hồ sơ của cô? Không muốn nhờ vả bạn bè nhưng Di cũng gọi cho cô bạn làm phòng nhân sự ở một công ty khác “bên mày có tuyển người thì nhớ báo tao”.
Bạn nói thẳng “bây giờ nhiều người xin mà ít việc. Việc mà người trẻ làm được là khó đến tay mình lắm. Người ta thà bỏ thời gian đào tạo người trẻ chứ ít muốn chọn người từ 40 trở lên. Huống chi bây giờ có công nghệ rồi, người ta sa thải hàng loạt kìa”.
Di tiếc lúc trước bỏ công ty lớn, xin vào công ty nhỏ để mong được thăng tiến. Lên được chức trưởng nhóm nhưng lương chẳng khá hơn việc cũ. Công ty cũ Di làm cũng từng sa thải hàng loạt, nhưng vì là công ty vốn nước ngoài, khi sa thải họ cũng phải đền bù thỏa đáng chứ không dám dùng thủ thuật để đuổi người.
Họ cũng sợ vướng vào luật lệ nước sở tại. Nhiều lúc bị giám đốc chê bai trước tập thể, Di chỉ muốn quăng tập hồ sơ trong tay vào mặt ông ta, rồi bước ra khỏi công ty. “Thà ông ta nói thẳng chị nghỉ đi.
Thà là thẳng thắn nói công ty đang khó khăn, hay chị lớn tuổi rồi chúng tôi không cần chị nữa thì vẫn còn tôn trọng mình”. Điều an ủi duy nhất đối với Di là cô không phải là người duy nhất bị lăng mạ trong các cuộc họp liên tiếp không hồi kết.
***
Di ở chung với người bạn trai nước ngoài, chia nhau chi phí mỗi tháng nên khoản tiền phòng thân không có được bao nhiêu. Tháng này Di không có việc làm, bạn trai cũng mở hầu bao trả hết.
Nhưng anh đe sẵn, “em ráng tìm việc. Anh không muốn quen bạn gái lợi dụng mình. Nhiều phụ nữ nghĩ đàn ông phải lo hết cho mình. Anh xem họ chỉ là gold digger - kẻ đào mỏ”. Di hiểu mình phải giải quyết cho xong chuyện này thật sớm.
Căn hộ anh thuê ngay trung tâm có lan can nhìn xuống hồ bơi và phía xa là dòng sông nấp sau rặng cây. Mấy hôm nay, Di thường trải tấm thảm yoga ngoài lan can rồi ngồi đó nhìn xuyên rặng cây.
Chỗ tập yoga thoáng gió này không còn là nơi Di lấy lại cảm giác sảng khoái sau mỗi ngày làm việc nữa, thay vào đó là nỗi lo cho những tháng sắp tới phải trả góp tiền mua nhà chung cư.
Di nghĩ nếu đá văng bạn trai vô cảm thì mình trở về căn hộ nhỏ xíu của mình, dù sao thì cả năm nay cũng không cho thuê được. Chi phí mỗi tháng chia với bạn trai đang như một gánh nặng. Nói anh sang nhà mình ở thì anh chê nhà xa, nhà xấu. Ăn món đạm bạc để tiết kiệm thì lại chê đồ dở, khó ăn.
Di cũng từng muốn rời khỏi bạn trai từ lâu vì cái tính chi li, chia lọ đường, đếm hũ mắm. Anh từng đuổi cô ra khỏi nhà, gọi cô là “đồ lợi dụng”. Cô đã trở lại vì anh ấy xin lỗi và vì thấy tuổi mình cũng khó tìm được người mới.
Không lẽ giờ lại ra đi vì chuyện tiền bạc? Công việc bấp bênh lại vác thêm gánh nặng thất tình nữa sao?. “Cứ xem anh như người đồng đội. Đồng đội thì có người này, người kia”, Di tự nhủ. Nhưng ở lại với kẻ coi thường mình thì cũng như muối mặt mỗi ngày. Nghĩ đến việc ôm hôn kẻ coi tiền hơn tình người mỗi sáng hắn ra khỏi nhà là Di muốn buồn nôn.
Thật ra không khí trong căn phòng đầy người rào rào tiếng nói chuyện đang tác động vào lồng ngực Di. Cô đã quen làm việc ngồi máy lạnh cả ngày, về nhà cũng mở máy lạnh. Cái nóng nực trong phòng đầy người và người đang làm cô choáng.
***
Cô bé ngồi bên cạnh lại khều Di, “em điền xong rồi chị xem lại hộ em với. Chị có định tìm việc ở đâu nữa không?”. Di không biết trả lời như thế nào, không lẽ nói mình tìm việc nửa năm rồi nhưng không kết quả. Di đánh trống lảng để cô bé đỡ phải ngạc nhiên, chị trông thế này mà khó tìm việc:
- Em có việc mới chưa?
- Em có, em mới làm việc trực tuyến. Em làm hơn 10 tiếng một ngày, thu nhập còn khá hơn công việc mới nghỉ. Hàng ngày cũng lên máy ngồi làm việc hành chính, được chấm công trực tuyến. Sức làm tới đâu thì làm tới đó.
Có điều giờ làm việc của em ngược với mọi người. Đêm mọi người ngủ thì em làm vì công ty ở nước ngoài. Khi nào tìm được việc chính thức thì em sẽ không nhận bảo hiểm thất nghiệp nữa.
Cô bé đoán ra suy nghĩ của Di nên tự nói tiếp để lấp đi khoảng trống ngại ngùng:
- Chị xin thử xem. Chị vào các trang tìm việc làm online uy tín, có việc làm theo giờ đấy ạ. Các công ty nước ngoài hay tuyển người làm việc tại nhà. Vì một công ty chỉ cần một người làm trong một số giờ thôi thì chị đăng ký làm theo giờ.
Giống như mấy anh xe ôm, chạy xe công nghệ ấy. Khi nào chị làm lâu, chị được nhiều phản hồi tốt từ các công ty thì sẽ có công ty tuyển chị về làm chính thức, cũng làm trực tuyến. Lúc đó chị sẽ có lương tháng, không phải nhận lương theo giờ nữa.
Giọng cô bé không còn lúng túng nữa mà năng động hẳn. Lúc này Di mới thấy cô bé tràn đầy năng lượng trong chiếc áo chống nắng to đùng, cũng chịu khó làm lụng như Di lúc còn trẻ. Di mỉm cười cảm ơn cô bé, đã đến lượt Di làm thủ tục.
Bước ra khỏi hàng ghế dày đặc người, Di nghĩ điều đầu tiên cần làm khi về đến nhà bạn trai là dọn hết đồ ra khỏi nhà hắn và trở về nhà mình. Di sẽ dọn bàn làm việc đến cạnh cửa sổ. Làm trực tuyến ở nhà sẽ tự do thoải mái hơn, dù không có những làn gió sông thổi mát.
***
- Ở đây có giới thiệu việc làm nè, chị coi thử coi có xin được chỗ nào không. Chứ tui là thấy khó rồi. Chắc giờ người ta chỉ cần bảo mẫu trẻ, có bằng cấp nên tui về quê luôn. Về quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Trẻ trẻ còn dễ kiếm việc, lớn tuổi rồi đi xin việc bị loại ngay vòng gửi xe. Tiếng chị bảo mẫu vẫn ồn ào, cắt đứt ánh mắt chờ đợi của chị công nhân hãng giày đang nhìn về phía quầy tiếp dân.
Đang sốt ruột sợ không kịp đón xe buýt về nên chị công nhân cộc lốc:
- Biết rồi.