Truyện ngắn: Con đường hoa mười giờ

GD&TĐ - Ở cái xóm rạch dừa người ta đã quen với hình ảnh ông Bảy Thiệt nhổ cỏ dọc hai bên đường rồi lại xới đất vun trồng những bờ hoa mười giờ...

Truyện ngắn: Con đường hoa mười giờ

Tôi là dân Sài Gòn chính hiệu, quanh năm đã quá quen với những con đường đông đúc nghẹt người qua lại. Không khí thành phố từ buổi sớm mai cho đến nửa đêm về khuya dù có bớt khói bụi nhưng cũng thoáng mùi xe máy, mùi thức ăn, mùi của đủ thứ mùi, không bao giờ có được không khí trong lành thoáng đãng của vùng quê.

Khẽ nhắm mắt hít một hơi thật sâu, mùi hương của những cánh hoa buổi sớm mai chớm nở, mùi của sương sớm tinh khôi đọng trên phiến lá. Êm dịu và thư thái. Tôi thật sự thích không khí và phong cảnh nơi này. Vùng quê của anh bạn đồng nghiệp mà lần đầu tiên tôi có dịp đến thăm.

“Chú em là người nơi khác đến đúng không? Lần sau có ra đường sớm nhớ lấy đèn pin soi sáng, đêm hôm Mặt trời chưa lên mấy người đi làm sớm đụng đó”.

Tôi giật mình quay phắt đầu lại nhìn. Một người đàn ông đang ngồi trên cái ghế nhỏ, đầu đội đèn pha vừa đủ sáng, tay thì đang nhổ từng cây cỏ nhỏ ven đường. Tôi đứng ngẩn ngơ nên không phát hiện ra người đàn ông này xuất hiện từ lúc nào. Thế nhưng thứ làm tôi ngạc nhiên hơn là mới giờ này ông ấy đã đi làm cỏ sớm vậy sao?. Chẳng lẽ người ở quê ai cũng có thói quen thức sớm làm việc khi gà còn chưa kịp gáy.

Tôi có tính tò mò nên lân la đến hỏi thăm. Hỏi ra mới biết, ông tên Thiệt, người ta thường gọi là ông Bảy Thiệt. Nhà ông ở ngay ngã ba xóm rạch dừa. Tôi là người ở xa tới nên cũng chẳng rõ chỗ ông nói là chỗ nào, chắc phải chờ về hỏi lại anh bạn đồng nghiệp.

Ông Bảy Thiệt cũng thân thiện và vui tính. Tôi nhớ có bài hát có câu “người miền Tây chất phác thật thà” quả không sai. Tôi và ông chỉ vừa nói chuyện dăm ba câu mà thấy hợp nhau đến lạ. Ông còn vui vẻ mời tôi đến nhà chơi lai rai vài ly rượu.

Ông có nghề nấu rượu nếp gia truyền nổi danh nhất xứ rạch dừa. Tôi không phải kẻ nghiện rượu nhưng cũng không từ chối lời mời của ông. Đáng tiếc sáng sớm tôi còn phải bận rộn với công việc theo kế hoạch nên không thể đến thăm nhà ông ngay được. Tôi hẹn ông vào buổi chiều mai.

Ông bảo chỉ cần hỏi người dân ở đây nhà ông Bảy Thiệt rượu nếp ở đâu thì ai cũng biết. Mặt trời vừa ló rạng, tôi chào tạm biệt ông rồi cất bước đi bộ về nhà anh bạn. Giờ tôi mới để ý mình đã đi bộ một đoạn khá xa, cũng may trước nhà bạn tôi có cổng rào hoa giấy đủ màu sắc đặc biệt bắt mắt nên tôi không phải đi lạc. Vừa về đến cổng đã gửi thấy mùi thơm của hành phi, bụng tôi rạo rực vì đói.

“Anh Phong đi một vòng về chắc đói rồi đúng không?. Nhanh vào ăn sáng nè, sáng nay vợ chồng em đãi anh món cháo cua đồng”. Thằng Lợi em trai của bạn tôi cười tươi giới thiệu.

“Sáng ăn cháo tốt cho dạ dày anh Phong nhỉ”, Thuận bạn tôi cũng chen lời.

Tôi cười cười gật đầu rồi kéo ghế ngồi xuống. Ở Sài Gòn không phải tôi chưa từng ăn cháo cua nhưng không hiểu vì sao tô cháo cua trước mặt có hương vị thơm ngon hơn nhiều. Có lẽ vì cua vừa được bắt từ đồng về và rau đắng cũng vừa được hái ngoài vườn vào. Tươi mới là điều tô cháo ở Sài Gòn ít khi làm được. Tôi vừa ăn sáng vừa hỏi về “người bạn” tôi vừa quen lúc đi dạo buổi sớm mai.

“Ông Bảy Thiệt sao? Anh vừa về đã biết đến ông ấy rồi hả?”, Thuận ngạc nhiên hỏi tôi.

Còn Lợi dường như đã đoán ra được điều gì mỉm cười bảo tôi.

“Anh đi bộ gặp ổng đang đội đèn nhổ cỏ đúng không?”.

Tôi gật đầu như gà mổ thóc. Thuận cũng tò mò chờ Lợi tiếp lời.

Thì ra, ở cái xóm rạch dừa người ta đã quen với hình ảnh ông Bảy Thiệt nhổ cỏ dọc hai bên đường rồi lại xới đất vun trồng những bờ hoa mười giờ đủ màu xinh xắn. Rạng sáng ba bốn giờ là ông đội đèn cùng với ghế ngồi và một con dao nhỏ đi dọc con đường khắp xóm nhổ cỏ.

Đến khi sáng trắng, ánh nắng nóng hầm hập rọi vào lưng vào mặt ông mới về nhà. Đến chiều năm giờ ông lại đi tiếp, lần này đem theo một bao hoa mười giờ để trồng xuống những nơi ban sáng đã nhổ cỏ.

Lúc đầu ai cũng bảo ông làm chuyện tào lao, muốn làm cỏ trồng hoa thì trồng ở sân nhà, vườn nhà, không ai mượn mà đi khắp dọc đường nẻo xóm. Ông bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu bàn tán cười khinh, vẫn tiếp tục công việc đó hàng ngày.

“Ông Bảy này cũng rảnh rang quá hé. Nhưng mà công nhận đường vào xóm rạch dừa sạch sẽ và xinh đẹp hơn xưa nhiều”, Thuận gật gù đánh giá.

Sau bữa sáng tôi và Thuận đi lên ủy ban xã để làm việc. Tôi cố gắng hoàn tất công việc trong hôm nay để ngày mai có nhiều thời gian đến thăm nhà ông Bảy Thiệt. Tôi thật sự muốn đến để hỏi ông nhiều điều tôi đang thắc mắc về con người ông. Tôi nghĩ, chỉ cần chịu hỏi thì ông sẽ trả lời hết.

* * *

Ông Bảy rót ly rượu thơm mùi nếp mới nồng nàn đặt trước mặt tôi. Tôi nhận lấy đưa lên mũi hít nhẹ, cảm nhận rõ hơn mùi thơm quyến rũ của rượu nếp. Ông Bảy cũng rót cho mình một ly rồi đưa cụng nhẹ vào ly tôi, nhướng mày bảo tôi uống thử. Tôi chần chừ nhẹ nhàng nhấm nháp thì ông Bảy đã tuôn ực một phát cạn ly rồi đặt xuống bàn cái cộp.

Ông bóc con khô cá lòng tong cho vào miệng nhai nhóp nhép. Tôi cũng không để thua tuôn hết ly rượu vào bụng, nhăn mặt và cắn răng hít hà. Sức nóng từ cổ họng chạy rần rần xuống bụng, cả vùng bụng lập tức nóng ran. Ông Bảy nhìn tôi vỗ đùi cười khoái chí. Tôi ngượng ngùng gãi đầu, thật sự tôi không có thói quen uống rượu, thỉnh thoảng chỉ làm vài lon bia với bạn bè là cùng. Nhưng có tí men vào tôi cũng mạnh dạn hơn.

“Chú Bảy nhổ cỏ khắp cùng làng cuối xóm không sợ người ta nói mình làm chuyện tầm phào hả? Làm cỏ đường đi thì trước nhà ai người đó làm chứ, mình làm giùm người ta có khi người ta cũng không mang ơn mà”.

“Ơn nghĩa gì chú em. Tôi làm vì muốn đường quê mình sạch sẽ thôi”.

“Vậy còn việc trồng hoa mười giờ thì sao chú?”

“Chú em không thấy đẹp hả?”

Tôi thành thật gật đầu. Đẹp chứ. Sao lại không? Cỏ mọc um tùm có chỗ chòm lên cả đường đan vừa xấu vừa nguy hiểm. Tôi nghe Lợi kể trước khi con đường trồng đầy hoa mười giờ hai bên, trong mấy lùm cỏ bên đường rắn độc trú ẩn cũng không ít. Đã có mấy vụ người dân buổi tối đi làm về bị rắn cắn rồi.

Ông Bảy uống hết ly rượu này đến ly rượu khác. Tôi im lặng đang muốn hỏi tiếp sao ông lại chấp nhận chịu cực khổ, lời ra tiếng vào. Có lẽ ông đoán được suy nghĩ của tôi nên ông hỏi ngược lại.

“Chú em lập quỹ từ thiện ở vùng quê tôi là vì sao? Chẳng có người thân, chỉ là những người xa lạ thì việc gì chú phải cho gạo cho mì hàng tháng chứ?”.

Tôi chưng hửng. Tự nhiên bị hỏi khó nhất thời tôi cũng ngập ngừng. Có lẽ ông biết tôi là người lập quỹ từ thiện vì sáng hôm qua ông cũng có mặt ở ủy ban. Tôi cười tự rót cho mình ly rượu rồi chậm rãi trải lòng mình. Tôi là đứa trẻ mồ côi không cha, không mẹ được quý sơ ở nhà dòng Sài Gòn nuôi lớn.

Từ nhỏ, tôi đã được quý sơ dạy dỗ rất nhiều về lòng thương người và sẻ chia. Tôi được ăn học đến nơi đến chốn cũng là nhờ quý ân nhân gần xa giúp đỡ. Họ cũng là những người xa lạ không họ hàng thân thích với tôi nhưng bằng tấm lòng yêu thương và thiện nguyện, bác ái đã giúp đỡ cho tôi và nhiều trẻ em cùng cảnh ngộ khác thành người có ích cho xã hội.

Tôi mang ơn họ và sau khi đã thành tài, có công việc ổn định, tiền lương dư dả, tôi quyết định giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong phạm vi khả năng của mình. Không vì lý do gì cả, cũng không mong họ mang ơn tôi.

Tôi chỉ muốn cuộc sống của họ sẽ đỡ vất vả hơn phần nào là tôi đã thấy vui vẻ. Tôi vừa dứt lời thì ông Bảy cũng rót thêm cho tôi ly rượu nữa. Chỉ vài ly mà tôi đã ngà ngà say. Tôi vừa đặt ly rượu đã cạn xuống bàn thì ông Bảy mắt nhìn xa xăm chậm rãi bảo tôi.

“Vợ tôi mất vì lúc đi chợ sớm không may dẫm phải rắn độc. Bả cũng thích hoa mười giờ”.

Hóa ra ông Bảy sẵn sàng bỏ qua lời dèm pha của mọi người là vì lý do sâu xa này. Vậy mà mấy ai có hiểu. Ông Bảy lại nói thêm rằng ông không muốn bất cứ ai phải rời bỏ trần thế giống như vợ ông nữa.

Ai nói mặc kệ ai, miễn sao việc mình làm không thẹn với lòng và còn có ích cho xã hội. Rồi ông lại cười. Ông bảo có mấy lần ông nhổ cỏ trồng hoa hăng say quá nên đi hơi xa nhà. Có mấy người chủ nhà thương lấy xe ra đưa ông về. Có người còn bảo ông đoạn còn lại trước nhà họ để họ tự nhổ cỏ trồng hoa được rồi.

Lại nói có lần ông còn được mời uống cà phê nước trà sáng sớm với chủ nhà. Bánh với nước uống cũng được người ta cho nhiều lắm. Mà ông nói không nhận thì họ lại bảo ông khinh khi chảnh chọe. Bởi vậy, mấy hôm sau đó vừa tờ mờ sáng là ông đi về, sợ phải phiền người ta biếu quà.

“Phải ở đâu cũng có người như chú Bảy thì đường sá Việt Nam mình sạch đẹp biết mấy”.

“Ý thức thôi chú em. Người ta không vứt rác bừa bãi đã là may mắn lắm rồi”.

Ông cười cười lại ực tiếp ly rượu nữa. Tôi nghĩ thầm quả nhiên người nấu rượu không biết xỉn bao giờ. Uống rượu như uống nước.

“Chú Bảy uống ít thôi, uống nhiều không tốt cho sức khỏe đâu”.

Nào ngờ ông Bảy thì thầm tâm sự với tôi. Ông bảo, bình thường ông không có rượu để uống đâu. Vì nấu được bao nhiêu con trai ông cũng đem đi giao bán cho người ta hết rồi. Hôm nay được lúc nhà có khách nên được vu vi chừa lại một ít.

Mặt trời dần lặn xuống sau bờ dừa, tôi chào tạm biệt ông Bảy ra về. Bước chân liêu xiêu đi trên con đường tràn ngập hoa mười giờ. Tôi mỉm cười, có lẽ đây là con đường đẹp nhất mà tôi từng đi qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ