Truyện ngắn: Thằng… 'ba trợn'

GD&TĐ - Cái ngõ nhỏ chỉ khoảng hơn chục gia đình từ xưa tới nay sống yên bình. Bỗng dưng xuất hiện một thằng 'ba trợn' đến thuê trọ nhà bà Sinh cuối ngõ.

Truyện ngắn: Thằng… 'ba trợn'

Gọi nó là thằng “ba trợn” bởi trông mặt mũi dữ tợn, cái đầu cạo trọc lốc; hai cánh tay, bắp đùi xăm trổ nhằng nhịt, đen ngòm.

Có hôm, nó cởi trần trùng trục, để lộ sau lưng hình xăm con hổ đang nhe nanh, khoe vuốt như muốn nuốt chửng tất thảy những ai dám đối đầu với nó. Phát khiếp! Đúng là kiếp nạn! Rồi cả ngõ sẽ khổ sở với thằng “lưu manh” này cho mà xem.

Các cụ nói cấm có sai: “Nhìn mặt mà bắt hình dong”! Được một tuần nó chuyển đến ngõ thì bắt đầu sinh chuyện, lộ ra bản chất đầu gấu lưu manh. Chả là, cậu sinh viên ở cùng nhà trọ với nó, phường đã thông báo giờ quy định đem rác ra để đầu ngõ là mười tám giờ hằng ngày; thế mà mới sáng sớm, cậu ý đã kéo túi rác to tướng, vứt chềnh ềnh trước ngõ.

Khổ, chưa kịp chạy vụt vào phòng thì bắt gặp thằng ba trợn từ đâu đi về bắt quả tang. Nó quát lớn làm cả ngõ giật mình: “Thằng kia, quay lại nhặt túi rác lên. Một là mày cầm ra đầu phố, có cái thùng rác để đó bỏ vào; hai là, mang vào phòng trọ, đúng giờ mang ra... Nhanh!”.

Cậu sinh viên nhìn nó sợ xanh mắt mèo. Mặt đỏ tía tai. Vâng vâng, dạ dạ làm theo. Đúng là “cá lớn nuốt cá bé”, thấy thằng bé sinh viên nhà quê, hiền lành thì bắt nạt. Có phải là việc của nó đâu chứ! Đầu gấu, xưng hùm xưng bá thì ra ngoài đường thi thố với mấy thằng đầu trộm đuôi cướp xem. Đồ hèn!... Nghĩ vậy thôi, chứ cả ngõ ai cũng im thin thít.

Dại gì mà đi bênh vực cái thằng oắt sinh viên ấy, để thằng ba trợn nó ngứa mắt, cà khịa cho thì dại. Vả lại, mấy cô cậu sinh viên thuê trọ nhà bà Sinh cũng không có ý thức. Người lớn trong ngõ đã nhắc nhở nhiều lần về việc giữ gìn trật tự vệ sinh chung, nhưng “nước đổ lá khoai”. Cô cậu miệng thì vâng, dạ lễ phép, nhưng “chứng nào tật ấy”.

Có hôm túi rác đựng đủ thứ, nào vỏ mỳ tôm, vỏ trứng, chai lọ mắm tôm, mắm tép... thậm chí cả băng vệ sinh phụ nữ thay ra nhét trong túi rác vứt đầu ngõ. Xe máy chẹt vào, túi ni lông bung ra, cuốn vào chân chống giữa xe máy, kéo xèn xẹt, rải đủ thứ bẩn thỉu suốt chiều dài con ngõ.

Gọi chúng nó ra khắc phục hậu quả, đứa nào cũng lắc đầu vẻ vô can: “Cháu không vứt”, “Túi này không phải của cháu”. Thế là, cả ngõ đành chịu thua, thôi thì mỗi người một cái chổi, trước cửa nhà ai người ấy dọn cho nhanh.

Nhưng được cái, từ hôm thằng ba trợn quát nạt cậu sinh viên, cả nhóm cô cậu thuê trọ, chẳng ai bảo ai, không đứa nào dám vứt rác ra đầu ngõ nữa.

Một tuần trôi qua, hôm ấy vào giờ trưa, anh Tính, nhà ở giữa ngõ kéo một nhóm bạn cùng cơ quan về ăn uống. Cơm no, rượu say, lần nào cũng như lần nào, anh Tính bật bộ dàn karaoke để bạn bè hát. Thế là, cả ngõ trở thành cái phòng hát nhà anh Tính, ồn ã bởi đủ thứ âm thanh.

Các cháu sinh viên ôm sách vở, ra vườn hoa gần đó ngồi học. Còn các ông, các bà, nhất là nhà có trẻ nhỏ thì đóng cửa kín mít. Nhưng làm sao ngăn được tiếng ồn từ một dàn âm thanh công suất lớn tràn vào. Tiếng nhạc chát chúa, thi thoảng, một ông nào đó kích động bởi ma men rú lên cái giọng khàn đặc, nghe đến rợn tai!

Ông Hòe, trước đây là nhà giáo, lại cao tuổi nhất trong xóm, sát vách nhà anh Tính bị tra tấn nặng nhất. Vào một ngày thấy anh Tính vui vẻ, ông Hòe nhẹ nhàng góp ý; anh Tính đáp lại: “Cụ ơi, nhà con con hát chứ có chạy sang nhà cụ đâu. Vả lại, thi thoảng mới có khách khứa đến chơi. Hàng xóm láng giềng, phải thông cảm cho nhau mới sống được. Cũng giống như những hôm nhà cụ có giỗ, con cháu cụ để xe máy bành trướng chắn hết cửa ra vào nhà con, con lẳng lặng đem xe đi gửi mới chui được vào nhà... Thử hỏi, lúc đó, nếu con xồng xộc sang bảo con cháu cụ để xe ra chỗ khác, cụ có vừa lòng không?!”.

Từ đợt ấy, ông Hòe không dám góp ý nữa, ông lấy hai miếng bông gòn nhét chặt vào lỗ tai mỗi khi nhạc bên nhà anh Tính nổi lên. Còn những hộ khác thì nghĩ: Ông Hòe uy tín thế không nói được thì thôi, dại gì mà góp ý lại mất lòng.

Ấy thế mà thằng ba trợn nó nói được. Nhà anh Tính đang bao nhiêu khách khứa, nó xộc sang gõ cửa ầm ầm: “Ông tôn trọng bà con một chút, giờ nghỉ trưa mà hát hò như vậy ai nghỉ được...”.

Anh Tính và mấy ông bạn mặt đỏ phừng phừng định sửng cồ, nhưng nhìn thấy hàng lông mày rậm rạp, đôi mắt xếch ngược dữ dằn của nó tự nhiên thấy chờn. Người nọ đẩy người kia đi vào nhà, đóng cửa, tắt nhạc. Bị mất sĩ diện với bạn bè, từ bữa đó, anh Tính thù thằng ba trợn lắm, nhưng cũng chẳng làm gì được nó.

Gặp bà con trong ngõ, anh chỉ dám xì xào vào tai: “Nó là thằng lưu manh, phường trộm cướp... Họp tổ dân phố, bà con phải đồng thanh phản ánh với cảnh sát khu vực tống khứ nó đi chỗ khác...”.

Nhiều người gật gù tỏ ý đồng tình, nhưng thực ra, họ đang mở cờ trong bụng. Anh Tính cũng ngang ngược lắm, phải “lấy độc trị độc” như thế, bà con mới yên ổn. Rõ ràng từ bữa đó, anh Tính không rủ bạn bè về hát hò quậy phá như trước.

“Này, bác tổ trưởng, tôi có việc phản ánh gấp với bác. Sáng nay, có hai thằng mặt mày gớm ghiếc vào ngõ, cứ loay hoay bên chiếc xe máy của mấy cô cậu sinh viên. Tôi nhìn nó, nó lườm lại tôi như đe dọa. Cái thằng ba trợn thuê trọ nhà bà Sinh chạy ra nói gì với hai thằng ấy. Rồi cả bọn kéo nhau đi đâu. Thế có phải chúng nó cùng đồng bọn với nhau không! Bác không tin, tôi về “chếch cam” trước cửa nhà tôi cho bác xem làm bằng chứng...”.

Anh Tính hả hê khi bác tổ trưởng hứa sẽ báo cáo việc này lên đích thân đồng chí Trưởng Công an phường. Chứng cứ rõ rành rành như thế, anh Tính chắc mẩm sẽ nhổ được cái gai mà bấy lâu nay anh đã phải ấm ức chịu đựng từ khi thằng ba trợn xuất hiện.

* * *

“Cháy...! Bà con ơi có cháy ở tầng hai nhà anh Tính”. “Lửa to quá ối bà con ơi... Có bóng người ở tầng ba... Đúng rồi, thằng Bột, con anh Tính mắc kẹt trong nhà...”. Tiếng la hét thất thanh: “Ai cứu cháu bé với... Vợ chồng anh Tính không có nhà”… Chẳng ai dám xông vào đám lửa đang bùng lên dữ dội.

Ông Hòe có mấy đứa cháu to khỏe, nhưng bố nó hét như mệnh lệnh: Thằng lớn vào cõng ông ra ngoài, thằng hai chịu trách nhiệm di chuyển mấy cái xe máy, thằng út cùng bố tháo, ôm cái vô tuyến... Chạy được tí tài sản nào, hay cái đó, kiểu này, thể nào lửa cũng bén sang nhà mình.

Chả riêng gì nhà ông Hòe, cả ngõ nhốn nháo rối như canh hẹ. Điện đã bị ngắt, ngõ tối om. Người chạy ngược, kẻ chạy xuôi, hết ra lại vào chỉ để ngó nghiêng sang nhà anh Tính xem lửa đã bùng tới đâu. Họ sợ lửa thiêu trụi cả ngõ. Họ lo lắng cho gia đình mình, tâm trí đâu mà lo cho người khác.

Bỗng từ đâu, thằng ba trợn kiếm được cái thang nhôm lao vào ngõ như tên bắn. Nó trèo hàng rào nhảy vào sân nhà anh Tính. Được mấy cậu sinh viên giúp sức, chiếc thang được ghé lên thành tường rào rung lên bần bật.

Thằng ba trợn cởi trần trùng trục, mặc đúng chiếc quần đùi lao lên thang, leo thoăn thoắt, tay cầm chiếc búa hướng tới cửa sổ tầng ba. Lửa từ tầng hai như sắp cuốn vào chiếc quần đùi của nó. Mặc kệ! Nó bất chấp nguy hiểm để leo lên. Tới nơi, nó ra sức phang vào chiếc song sắt cửa sổ làm những chiếc vít nở bắt vào tường bật tung. Nó dùng hết sức bẻ cong chấn song, đủ để thằng Bột chui ra.

Lúc này, tiếng còi cứu hỏa mới vang lên, bước chân người rầm rập chạy vào ngõ, ánh đèn xanh đỏ từ những chiếc xe cảnh sát quét ngang dọc xuống nền ngõ lênh láng nước. Đám cháy cơ bản đã được dập tắt! Mãi tới lúc này, vợ chồng anh Tính mới hốt hoảng về tới nhà, chị vợ anh Tính ngửa mặt nhìn khói vẫn còn nghi ngút tủa ra.

Toàn bộ mặt tiền ngôi nhà đã bị cháy xém, ám khói. Trong cơn tuyệt vọng, chị hét lên: “Ối con ơi! Bột ơi... Con đâu rồi... Bột ơi”, rồi ngất lịm trong tiếng nấc.

“Thằng Bột được cứu rồi. Xe cấp cứu đưa nó đến bệnh viện rồi. Nó không sao đâu, chỉ hoảng loạn chút thôi. Rồi nó sẽ ổn...”.

“Ai cứu nó?” - anh Tính hỏi!

“Cái anh xăm trổ trọ bên nhà bà Sinh cứu nó đấy. Không có anh ý, giờ này thằng Bột thành than rồi”.

* * *

Người ta cứ gọi nó là “ba trợn”, một người gọi, rồi cả ngõ quen mồm gọi theo, cái tính từ ấy trở thành tên gọi của nó từ lúc nào. Đó là vì chẳng ai quan tâm đến tên thật, chứ ai mà chả có tên tuổi do bố mẹ đặt cho! Trong buổi họp tổ dân phố, anh Trưởng Công an phường cho biết, cậu ý tên là Đỗ Đình Vương, hai mươi tám tuổi, quê ở Hải Phòng.

Vương là dân anh chị, từng có quá khứ lầm lỗi, bị thụ án ba năm tù về tội đánh người gây thương tích. Ra tù, Vương thật tâm muốn hoàn lương. Cậu ta lên Hà Nội theo học một khóa lái xe và xin vào làm nhân viên chạy xe cho một hãng taxi.

Thời gian trước, công an phường có nhận được phản ánh của bác tổ trưởng dân phố, nghi ngờ Vương. Nhưng sự việc không phải như mọi người nghĩ. Hôm đó, cậu Vương phát hiện hai đối tượng có ý định bẻ khóa, lấy trộm xe máy trước cửa phòng trọ.

Vương dự định bắt quả tang, nhưng nhận ra hai đối tượng một thời là đàn em của mình, cả hai đang trốn lệnh truy nã của cơ quan công an. Vương vận động và đưa hai đối tượng tới công an phường đầu thú. Qua đó giúp cơ quan công an bóc gỡ thành công một ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ của gian, thu hồi 5 chiếc xe máy trả cho bị hại...

Về thành tích dũng cảm cứu sống cháu Bột, con anh Tính, lãnh đạo công an quận đánh giá rất cao tính hướng thiện trong con người cậu ấy và đang làm hồ sơ trình thành phố tặng bằng khen gương người tốt việc tốt. Nhưng từ tối hôm xảy ra vụ cháy tới nay, công an phường không liên lạc được với Vương nữa...

“Vương trả phòng trọ về Hải Phòng rồi! Nó nói mẹ ốm, nên phải về quê, rồi sẽ tìm một công việc phù hợp gần nhà chứ không lên Hà Nội nữa... Mà nó còn hai tháng tiền trọ, nhờ tôi giảm trừ cho cô cậu sinh viên nào khó khăn. Trông bề ngoài nhìn chẳng ai ưa, thế mà nó đã làm được nhiều việc tử tế cho cái ngõ này”.

Bà Sinh nói như giải tỏa nỗi lòng, vì trước đây, vài người trong ngõ tỏ vẻ khó chịu, nói bà là người tham tiền, chỉ biết được việc mình khi cho một thằng ba trợn đến thuê trọ.

“Chả gì, mấy hôm nay, hai vợ chồng nhiều lần sang phòng trọ tìm gặp Vương mà không gặp”. Bà Sinh nói đúng, không thể nhìn bề ngoài và quá khứ của họ để đánh giá. Anh Tính cảm thấy xấu hổ trước sự hồ đồ của mình. “Chẳng biết bao giờ mới gặp được ân nhân”, anh Tính lẩm nhẩm trong tâm trí câu nói đó.

“Đồng chí công an cho tôi xin địa chỉ của Vương ở Hải Phòng. Nhất định vợ chồng tôi phải tìm gặp bằng được cậu ấy để nói lời xin lỗi và cảm ơn!”. Anh Tình vừa nói, vừa đưa ánh mắt khẩn khoản nhìn về phía đồng chí Trưởng Công an phường và nhận được nụ cười trìu mến cùng cái gật đầu đồng ý.

Tiếng vỗ tay trong khán phòng nhà văn hóa khu dân cư vang lên. Không biết, người dân vỗ tay vì cảm phục Vương hay tán dương một kết cục có hậu đến với cái ngõ nhỏ yên bình. Cũng có thể, tiếng vỗ tay ấy là sự khích lệ cho những hy vọng đổi thay, biết sống vì nhau và tôn trọng lẫu nhau hơn. Vương đã cho mọi người hiểu: “Yên bình” không có nghĩa là “im lặng” làm thinh trước những điều chưa đúng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Uống trà đều đặn được xem là góp phần kéo dài tuổi thọ.

Uống trà làm chậm quá trình lão hóa

GD&TĐ - Tạp chí The Lancet Regional Health, nghiên cứu cho biết, thường xuyên uống trà có thể góp phần tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Công nghệ biến CO2 thành protein có thể giải quyết các thách thức toàn cầu quan trọng như bảo tồn môi trường, an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng.

Biến CO2 thành protein

GD&TĐ - Các nhà khoa học ở Đức đang nghiên cứu để biến CO2 thành protein và vitamin, hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo.